Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Chủ Nhật, 17/1/2016 23:7'(GMT+7)

Nguyên tắc tập trung dân chủ - Nhận thức và thực hiện trong xây dựng Đảng hiện nay

Đoàn kết, tập trung dân chủ là sức mạnh của mọi thắng lợi. Ảnh TL chỉ có tính minh họa

Đoàn kết, tập trung dân chủ là sức mạnh của mọi thắng lợi. Ảnh TL chỉ có tính minh họa

C. Mác và  Ph. Ăngghen là những người đầu tiên nêu lên những tư tưởng cơ bản về xây dựng chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Hai ông chưa đề cập thật rõ vấn đề tập trung dân chủ như một nguyên tắc cụ thể. Thời các ông, chưa có một Đảng Cộng sản cụ thể nào mà mới chỉ có các tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân. Đó là Liên đoàn những người cộng sản, Quốc tế I và Quốc tế II. Trong Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, hai ông mới đề cập đến ở mức độ “Bàn về Đảng Cộng sản” . Ở đó vấn đề tập trung dân chủ mới chỉ đề cập trong việc tổ chức và bãi miễn các thành viên: Các cơ quan lãnh đạo của đảng được bầu cử một cách dân chủ và họ có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức trao cho.

V.I Lênin kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác và Ăngghen, ông là người đầu tiên xác định một cách rõ ràng nhất các nguyên tắc trong xây dựng Đảng Cộng sản. Tập trung dân chủ đã trở thành nguyên tắc cơ bản phân biệt Đảng Cộng sản cách mạng với các đảng khác.

Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi nguyên tắc tập trung dân chủ (có khi Người gọi là dân chủ tập trung) là nguyên tắc rất quan trong trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguời cũng là tấm gương Cộng sản mẫu mực trong việc thực hiện nguyên tắc này. Theo Người “toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp tổ chức thống nhất lại theo một nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy là dân chủ tập trung. Nghĩa là: tập trung trên nền tảng  dân chủ. Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung.”[1]

Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Điều lệ được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nêu: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ”, đồng thời xác định 6 nội dung cụ thể đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ về tổ chức, hoạt động, sinh hoạt của Đảng.

  1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
  2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là Ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).
  3. Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức Đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
  4. Tổ chức Đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban chấp hành Trung ương.
  5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên của cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ý kiến đó, không phân biệt đối xử đối với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
  6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”[2].

 Từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sáu nội dung nêu trên, nguyên tắc tập trung dân chủ cần được hiểu đầy đủ, đúng bản chất để tìm ra điều kiện tiên quyết thực hiện hiệu quả nguyên tắc này, để nó thực sự đảm bảo sự thống nhất ý chí, tư tưởng, hành động của Đảng .

Trước hết, phải khẳng định để phân biệt đâu là dân chủ, đâu là tập trung là rất khó, trong thực tế không nên hiểu và thực hiện một cách máy móc như vậy. Bởi vì trong tập trung đúng đắn thì đã có dân chủ và trong dân chủ đúng đắn đã có tập trung. Nguyên tắc này đòi hỏi dân chủ và tập trung luôn đi đôi với nhau chứ không phải nguyên tắc bao gồm hai vế hay hai nguyên tắc nhỏ trong một nguyên tắc lớn. Vì vậy không được coi thực hiện nội dung tập trung là phương tiện, còn dân chủ là mục đích hay ngược lại. Thực chất không có mặt này là phương tiện cho mặt kia.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tập trung dân chủ trong Đảng liên quan chặt chẽ và tương tác với tập trung dân chủ ngoài xã hội nhằm xây dựng được một cơ chế quản lý tập trung và phân cấp hợp lý trong toàn hệ thống chính trị-xã hội. Điều này đòi hỏi trong thực tế phải có điều kiện tiên quyết để tránh việc lợi dụng nguyên tắc, thực hiện nguyên tắc một cách lệch lạc. Từ thực tế tồn tại và phát triển của các Đảng Cộng sản, thất bại của Đảng Cộng sản Liên xô là một bài học điển hình về việc thiếu điều kiện tiên quyết khi thực hiện tập trung dân chủ. Một mình Tổng Bí thư đã giải tán được cả Ban Chấp hành Trung ương Đảng và dẫn đến Đảng Cộng sản Liên xô tan rã.

Nguyên nhân dẫn đến thực tế đó là gì? Một trong những yêu cầu, biểu  hiện khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Đây có thể coi là điều kiện cần. Trong một tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh thực sự thì điều kiện cần đó sẽ là đúng đắn tạo nên sự đoàn kết thống nhất, sức mạnh của Đảng. Nhưng với tổ chức Đảng mất đoàn kết, chia rẽ, bè phái, số đảng viên tốt chiếm tỉ lệ ít hơn đảng viên thoái hóa, biến chất hoặc lừng chừng cơ hội thì kết quả khi biểu quyết, lấy kết quả thiểu số phục tùng đa số sẽ không là gì? Chắc chắn số đảng viên cơ hội, biến chất chiếm đa số sẽ thắng, họ sẽ  lũng đoạn, chi phối các quyết định và hoạt động của Đảng. Mặt khác, những người có ý định xấu, động cơ cá nhân, bè phái thường lợi dụng điều kiện cần đó, nấp dưới danh nghĩa của tập thể, cấp trên để chi phối thực hiện ý đồ cá nhân, cơ hội. Như vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ có ý nghĩa phát huy tác dụng khi tổ chức đảng trong sạch vững mạnh thực sự. Đây cũng được coi là điều kiện “đủ” cho việc thực hiện nguyên tắc này.

Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là: tổ chức đảng phải thực sự trong sạch vững mạnh; số đảng viên  hoàn thành tốt nhiệm vụ (trên cơ sở phân loại chính xác) phải chiếm đa số trong tổ chức đảng. Chỉ có như vậy, mới đảm bảo độ chính xác, sự lành mạnh, độ tin cậy khi thiểu số phục tùng đa số; cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Chỉ đảm bảo được điều đó, nguyên tắc tập trung dân chủ mới là nguyên tắc cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng, phân biệt Đảng Cộng sản cách mạng với các đảng khác. Nếu ngược lại, thì chính nguyên tắc này sẽ trở thành nguyên nhân làm đảng suy yếu, thậm chí tan rã./.

ThS. Đặng Thị Minh Hảo
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Hà Nội

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2002, tập 5, tr.240-241.

[2] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua; NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr.16-17-18.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất