Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Chủ Nhật, 17/1/2016 9:30'(GMT+7)

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở - nhìn từ Thái Bình

Trường Mầm non xã Quỳnh Hoa được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Trường Mầm non xã Quỳnh Hoa được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Trong những năm 1997 - 1999, Thái Bình là “điểm nóng” của cả nước về số vụ khiếu kiện đông người gia tăng, thậm chí căng thẳng . Sau 18 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/ 2 / 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ”, đến nay Quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy hiệu quả, trở thành mục tiêu và động lực cho sự phát triển của tỉnh Thái Bình. 

* Rút kinh nghiệm sâu sắc từ xã Quỳnh Hoa 

Quỳnh Hoa là xã thuần nông nằm ven sông Luộc, nhiều năm trước, nơi đây từng là một trong những nơi mất ổn định về an ninh trật tự của huyện Quỳnh Phụ nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung. Ông Vũ Hoàng Sỹ, thôn Bồ Trang 3 nhớ lại, vào những năm 90, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương xây dựng “điện - đường - trường - trạm”. Đây là chủ trương đúng và được nhân dân mong mỏi đợi chờ thành quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những điểm không phù hợp, tiêu cực dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Quy trình thực hiện chỉ đơn giản là: Đảng ủy có chủ trương, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết, UBND xã đứng ra thu của nhân dân để lấy kinh phí xây dựng. Trong điều kiện cuộc sống ca người dân khi đó còn eo hẹp, chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, nhiều khoản thu đã khiến nông dân càng trở nên khó khăn hơn. Từ bức xúc này kéo theo nhiều bức xúc khác về quản lý đất đai, tài chính ngân sách, phong cách , lối sống một số cán bộ chủ chốt ở cơ sở… Sự việc kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12/1997. 

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hoa cho biết: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là việc thực hiện dân chủ trong quản lý, điều hành của cơ quan chính quyền ở cơ sở, việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa đầy đủ nên không tạo được sự thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Sau kiểm tra, đã có 7 cán bộ bị xử lý theo quy định của pháp luật và nhiều cán bộ chịu hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc, đắt giá của Đảng bộ xã Quỳnh Hoa nói riêng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18 / 2 / 1998 của Bộ Chính trị ( k hóa VIII) và các Nghị định 29, 71, 07 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần giải quyết, chấn chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung. Sau 18 năm thực hiện quy chế dân chủ, Quỳnh Hoa hôm nay như được “thay da đổi thịt” với cảnh làng quê thanh bình, nhà cửa, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, đường bê tông đến tận ruộng, người dân vui mừng, phấn khởi… Trong đó, đổi mới mạnh mẽ nhất là từ khi Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Hoa chung sức đồng lòng thực hiện xây dựng nông thôn mới (từ năm 2011 đến nay). Rút kinh nghiệm sâu sắc trong thực hiện chính sách từ năm 1997 - 1998, bước vào xây dựng nông thôn mới, mọi thông tin đều được cung cấp đến nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó dần tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân và phong trào xây dựng nông thôn mới tại Quỳnh Hoa đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Ông Nguyễn Hữu Thuân, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoa cho biết: Tổng nguồn vốn huy động trong 4 năm xây dựng nông thôn mới đạt trên 52 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp và xã hội hóa chiếm trên 11 tỷ đồng. Đặc biệt, nhân dân trong xã còn đóng góp trên 270.000 m2 đất nông nghiệp để đào đắp thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng và đường giao thông nội đồng, hiến trên 1.200 m2 đất, tháo dỡ nhiều tường bao, cổng dậu và các công trình phụ trợ khác. Nhờ cách làm đúng, hiệu quả, huy động sức dân hợp lý, cuối năm 2014, Quỳnh Hoa đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

* Phát huy dân chủ trên mọi mặt 

Câu chuyện ở Quỳnh Hoa là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho Đảng bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện dân chủ. Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh Thái Bình đã tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị sâu rộng đến các tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhân dân và tạo được sự đồng thuận hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong toàn xã hội. 

Điển hình là trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Mặc dù không được Trung ương chọn làm điểm nhưng tỉnh Thái Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả và trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào này. Giai đoạn 2011 - 2015 tổng vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh đạt 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách các cấp hỗ trợ 2.855 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 4.460 tỷ đồng, tự nguyện hiến đất gần 2.000 ha; nguồn từ xã hội hóa 685 tỷ đồng. Năm 2015, tỉnh Thái Bình có thêm 61 xã và 1 huyện đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Theo Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Thái Bình, những năm qua Ban thanh tra nhân dân ở các địa phương thường xuyên được kiện toàn, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, phối hợp kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề có dấu hiệu vi phạm. Năm 2014, toàn tỉnh có 286 ban thanh tra nhân dân với gần 4.000 thành viên, tham gia giám sát trên 1.800 vụ việc, làm rõ và kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết 925 vụ việc có sai phạm, phức tạp. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Các địa phương đã hướng dẫn và triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở cho tổ hòa giải và hòa giải viên; năm 2014 số vụ việc hòa giải thành công đạt 84,3%. 

Bên cạnh đó, quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập đã cụ thể hóa thành các quy chế, quy định thực hiện dân chủ trong đơn vị, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ, đồng thời gắn việc thực hiện dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. 

Nhờ vậy, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có bước phát triển, tạo tiền đề cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, hướng đến mục tiêu xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./. 

Thu Hoài/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất