Suốt một đời dành tâm sức cho ngòi bút, có thể nói nhà báo Hữu Thọ là một trong những cây đa, cây đề của làng báo Việt Nam không chỉ bởi bút lực mà còn bởi nhân cách và cái tâm thanh liêm của ông với nghề. Chính vì thế, nhắc đến đạo đức nghề báo, nhắc đến vấn đề tu dưỡng đạo đức cho người viết báo, lớp nhà báo trẻ chúng tôi luôn muốn nghe ông nói…
1. Trong căn phòng khá nhỏ bé, giản dị và hơi mờ tối, nhà báo Hữu Thọ bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nhận định: Báo chí là một công cụ tác động rất mạnh vào dư luận xã hội. Cùng với sức mạnh này là trách nhiệm rất nặng nề, do đó phải trung thực và công bằng. Khi nhà báo không có đạo đức, họ có thể làm hại nhiều người. Họ có thể làm hại tờ báo của họ, độc giả của họ và cả xã hội nói chung. Đạo đức là một khía cạnh mà bất cứ nền báo chí nào cũng rất quan tâm. Trên thế giới, có rất nhiều nguyên tắc đạo đức được đưa ra, thậm chí nhiều toà soạn đặt ra nguyên tắc, qui ước rất cụ thể cho toà soạn mình. Người làm báo Việt Nam có những tiêu chuẩn riêng phù hợp với luật pháp Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này, chúng ta lại nhớ tới những lời khuyên bảo của Bác Hồ, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, khi ta đang không hài lòng về "báo chí giật gân câu khách" nhưng từ rất sớm, ngay tại Đại hội Nhà báo Việt Nam lần II năm 1959, cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã khuyên tránh lối làm báo giật gân, không được moi móc bí mật đời tư của những người nhiều tiền để tống tiền, Bác còn khuyên, làm nhà báo không phải để lấy tiếng để "viết cho oai", để "lưu danh thiên cổ"…Người cũng dạy rằng nhà báo phải là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, làm tốt nhiệm vụ "phò chính, trừ tà" để phục vụ nhân dân, đất nước.
Áp dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào nghề báo là hoàn toàn đúng đắn bởi Bác không chỉ là nhà cách mạng mà còn là một nhà báo xuất sắc. Tôi rất tâm đắc với điều Bác dạy: "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ, chớ nói, chớ viết". Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần II, Bác đã khuyên các nhà văn nhà báo, viết cho hay, viết cho chân thật, viết cho hùng hồn. Hay là phải tác động vào cả lý trí và tình cảm; chân thật phải là tới bản chất sự thật; hùng hồn thể hiện thái độ, sự dấn thân của người làm báo. Tôi nghĩ điều này áp dụng thời nào cũng đúng, nhà báo hãy coi nguyên tắc đó là của mình để thận trọng và giữ quan điểm của mình để luôn giữ cho mình "mắt sáng, lòng trong, bút sắc". Trên thế giới, các nhà báo nổi tiếng luôn có những qui ước riêng cho mình, nhà báo nổi tiếng Peter Arnett, người viết hàng nghìn bài báo về Việt Nam, được giải thưởng Pulitzer, giới thiệu quan điểm của đồng nghiệp mình mà ông rất tâm đắc về đạo đức nghề nghiệp rằng: "Hãy viết cái mình thấy, chứ không phải cái mình nghe". Quan điểm này rất coi trọng sự quan sát trực tiếp trong quá trình tác nghiệp, sự cẩn trọng trước thông tin. Có lẽ với quan điểm này, Peter Arnett luôn vững vàng với công việc phóng viên chiến trường của mình và được coi là nhà báo xông xáo và trung trực.
2. Mỗi thời có những thay đổi, song những quan điểm cơ bản về đạo đức vẫn như vậy. Nghĩa vụ "phò chính, trừ tà" như Bác Hồ đã chỉ ra ở Việt Nam thời chiến tranh là chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, ngày nay là xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh… Thời nào cũng thế, nhà báo phải là chiến sĩ, thậm chí là chiến sĩ xung kích, phải đi đầu, với mục tiêu vì lợi ích nhân dân, dân tộc. Tuy nhiên, lợi ích đó khác nhau ở từng thời kì, xưa là "diệt giặc đói, giặc dốt", rồi đến thời "mỗi người làm việc bằng hai", còn ngày nay là đưa đất nước đi lên trong thời hội nhập. Thế hệ chúng tôi hay các bạn, tuổi tác có thể khác nhau, thế thời có nhiều khác biệt nhưng chúng ta cùng ở trong một trận tuyến. Hãy cùng nhau ôn lại những lời dạy của Bác để thấm nhuần và làm tròn đạo đức con người, đạo đức công dân và đạo đức cách mạng. Sự nghiệp "trừ tà" luôn phải chú trọng, phải chống những điều sai trái. Và hãy luôn nhớ lời Bác dạy "chính trị là làm chủ"; chính trị theo Bác Hồ là mục tiêu chung của dân tộc trong từng thời kỳ.
Thời này, tôi hết sức khâm phục những nhà báo giữ được bản lĩnh. Là bởi anh em bây giờ làm báo ở thời kỳ khác chúng tôi. Thời chúng tôi làm báo, viết bài cho báo không có nhuận bút, chỉ có lương. Và đặc biệt là đi công tác không bao giờ có phong bì, có yêu quý nhà báo lắm người ta cũng chỉ cho yến gạo, đôi vịt, yến lạc vỏ mang về, khệ nệ cả xóm đều biết. Nhưng mà thời chúng tôi vẫn có những điều có thể làm ảnh hưởng đến sự trung thực của nghề báo. Đó là sự yêu ghét và những tình cảm cá nhân. Bởi vì cuộc đời mỗi con người đều có những mối quan hệ xã hội, có ân, có oán. Có ân thì phải trả ân, nhưng người làm báo không thể trả ân bằng ngòi bút rồi đổi trắng thay đen hoặc nói quá sự thật. Tôi nói thế, để thấy rằng: thời nào cũng thế, chạm tay đến sự trung thực đòi hỏi nhà báo phải biết hy sinh. Ngày trước chúng tôi hy sinh tình cảm, quan hệ cá nhân, thời này, các bạn hy sinh tiền nong, hy sinh những món lợi. Thời nào cũng khó khăn nhưng tôi nghĩ, các bạn khó hơn vì những lợi ích ấy nó quá thiết thực, quá nhiều cám dỗ…
3. Chúng ta đi từ kinh tế bao cấp đến kinh tế thị trường, đi từ chiến tranh đến hoà bình. Các bạn đồng nghiệp ở các nước tư bản phát triển cũng thừa nhận nền kinh tế thị trường có nhiều cạm bẫy. Với nghề báo, cạm bẫy khiến tờ báo dễ không trung thực, nhà báo bẻ cong ngòi bút vì lợi ích nào đó. Khi viết không chân thật, nhà báo phải đối mặt với sự quay lưng của độc giả, họ không còn tin cậy vào nhà báo nữa. Và toà soạn suốt ngày đi cải chính thông tin sai thì sẽ giảm uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến số phát hành, kinh tế của toà soạn. Trên thực tế, ở các nước tư bản phạt các toà báo về tài chính rất nặng, đến mức phá sản nếu tờ báo không trung thực, còn nhà báo có tì vết về sự thiếu trung thực thì rất khó tìm việc. Trong cơ chế thị trường có nhiều cám dỗ hơn, người làm báo càng phải giữ được phẩm chất, để được xã hội kính trọng, đồng nghiệp nể và nhất là được độc giả tin cậy, còn cái giá nào hơn? Giáo dục từng người trong xu thế chung không phải dễ, chống trào lưu rất khó, tuy nhiên trào lưu sai thì phải chống. Đơn cử "xu thế chạy", chạy trường, chạy thi, chạy chức vụ… cả xã hội chạy, ắt có người nghĩ không chạy theo thì sẽ thiệt. Người có bản lĩnh chính là những người phục tùng chân lí chứ không vì trào lưu, chân lí nào lúc đầu cũng là thiểu số mà thiểu số hay bị o ép. Vì vậy phải tìm đến chân lý của sự thật để vượt qua.
Thời kinh tế thị trường nảy sinh những xu thế tất yếu, thương mại hoá báo chí cũng là một biểu hiện, khiến tờ báo, nhà báo thiếu trung thực. Nhà báo phải rèn luyện bản lĩnh để không mắc vào những vòng phức tạp của xã hội thị trường hay bị những yếu tố ràng buộc để không tiếp cận được sự thật hoặc không viết sự thật. Nhà báo trẻ giữ mình trong đạo đức nghề nghiệp trước hết bằng đạo làm người, đạo đức công dân trong các mối quan hệ xã hội. Kỹ sư xây dựng lâu đài cũng chưa chắc được ghi danh vào công trình của mình, trong khi nhà báo chỉ một cái tin vài trăm chữ cũng được ghi tên, thừa nhận trang trọng trên mặt báo, đó là đặc thù mà xã hội ưu ái cho nghề nghiệp. Vì vậy nhà báo phải biết trân trọng và có trách nhiệm với cái tên của mình, nếu để tên bị vấy bẩn thì phải thôi nghề./.
Nhà báo Hữu Thọ: "Báo chí phải gắn liền với sự thật, nhưng có những sự thật đưa ra lúc này không được vì ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, mục tiêu chung của cách mạng. Nhà báo phải cân nhắc và luôn phải đề cao trách nhiệm xã hội của người làm báo. Báo chí có sự ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của đám đông, nên sự thật nói ra có khi là chính đáng, có khi lại là mù quáng. Tiêu cực thời nào cũng có, thời chiến tranh cũng có tiêu cực như thời điểm những năm 50 của thế kỷ trước, xử vụ án tham nhũng Trần Dụ Châu, những năm 60 xử tử Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp… là những bản án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, trong thời chiến tranh, có những khi người làm báo tự nguyện không nói đến tiêu cực hay những bi kịch cá nhân cũng vì lợi ích chung lúc đó. Tuy nhiên thời nào thì cũng cần cổ vũ mạnh mẽ những nhân tố mới, vì trong thực tế, những nhân tố mới, người tốt việc tốt rất nhiều; nếu tất cả chỉ một màu đen thì làm sao có sự nghiệp như ngày nay". |
(Theo: An-Lành/Nhà báo & Công luận)