Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 10/6/2011 14:52'(GMT+7)

Cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác nghiên cứu dư luận xã hội

 I. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ DƯ LUẬN XÃ HỘI

1. Khái niệm dư luận xã hội

Dư luận xã hội (hay công luận) là một hiện tượng đời sống xã hội quen thuộc mà mỗi cá nhân, tổ chức (bao gồm cả quốc gia), trong cuộc sống hàng ngày, thường phải quan tâm và tính toán đến. Những người theo học ở Liên-xô trước đây thường sử dụng thuật ngữ “dư luận xã hội” (dịch trực tiếp từ thuật ngữ tiếng Nga: “общеcтвенное мнение). Những người biết tiếng Anh thường sử dụng thuật ngữ “công luận” (dịch từ thuật ngữ tiếng Anh: “public opinion”).

Phần đông các nhà nghiên cứu dư luận xã hội Liên-xô trước đây (cũ) định nghĩa DLXH là sự phán xét, đánh giá của các giai cấp, tầng lớp, cộng đồng xã hội đối với các vấn đề mà họ quan tâm. Ví dụ, theo B. K. Paderin: “Dư luận xã hội là tổng thể các ý kiến, trong đó chủ yếu là các ý kiến thể hiện sự phán xét đánh giá, sự nhận định (bằng lời hoặc không bằng lời), phản ánh ý nghĩa của các thực tế, quá trình, hiện tượng, sự kiện đối với các tập thể, giai cấp, xã hội nói chung và thái độ công khai hoặc che đậy của các nhóm xã hội lớn, nhỏ đối với các vấn đề của cuộc sống xã hội có động chạm đến các lợi ích chung của họ.

Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cũng nêu ra định nghĩa tương tự. Ví dụ “Công luận là sự phán xét đánh giá của các cộng đồng xã hội đối với các vấn đề có tầm quan trọng, được hình thành sau khi có sự tranh luận công khai” (Young, 1923). Nhà nghiên cứu Mỹ khác lại định nghĩa: “Công luận là kết quả tổng hợp các ý kiến trả lời của mọi người đối với các câu hỏi nhất định, dưới điều kiện của cuộc phỏng vấn” (Warner, 1939). Có những định nghĩa rất đơn giản, nhưng rất phổ biến trong giới nghiên cứu Mỹ: “Công luận là các tập hợp ý kiến cá nhân ở bất kỳ nơi đâu mà chúng ta có thể tìm được” (Childs, 1956).

Mỗi người chúng ta đều có thể đưa ra ý kiến về "dư luận xã hội" và chắc chắn sẽ gặp nhau, thống nhất với nhau ở nhiều điểm. Ví dụ, chúng ta dễ dàng thống nhất với nhau rằng: dư luận xã hội là ý kiến chung của nhiều người; dư luận xã hội thể hiện nhận thức, thái độ của các nhóm người nhất định trước các vấn đề, sự kiện... có động chạm đến lợi ích, mối quan tâm của họ….

Ngoài những điểm dễ dàng có sự thống nhất, trong định nghĩa về dư luận xã hội cũng có những điểm thiếu nhất trí, thậm chí trái ngược nhau.

Sự khác nhau, trước hết, có liên quan đến vấn đề chủ thể của dư luận xã hội. Vấn đề gây tranh cãi là: Có phải chỉ có ý kiến của đa số mới được gọi là dư luận xã hội không? Thời Liên-xô (cũ), nhiều nhà nghiên cứu trả lời khẳng định đối với câu hỏi này. Ở nước ta hiện nay cũng có một số học giả quan niệm chỉ có ý kiến của đa số mới được coi là dư luận xã hội. Hầu hết các nhà nghiên cứu trong các nước tư bản lại cho rằng dư luận xã hội bao gồm các ý kiến không chỉ của đa số mà còn cả của thiểu số. Ở nước Nga hiện nay, quan điểm coi dư luận xã hội chỉ là ý kiến của đa số cũng không còn đứng vững được trước sự phê phán gay gắt kể cả từ dưới góc độ ngôn ngữ, lý luận cũng như dưới góc độ thực tiễn.

Về mặt ngôn ngữ, không có cơ sở để nói rằng dư luận xã hội là ý kiến của đa số. Thuật ngữ "xã hội" không đồng nhất với thuật ngữ "đa số". Có thể lấy ví dụ: Không ai cho rằng đã gọi là tổ chức xã hội thì phải là tổ chức của đa số; đã gọi là chính sách xã hội thì phải là chính sách đối với đa số....

Về mặt lý luận, cũng không có cơ sở nào để coi trọng dư luận của đa số hơn dư luận của thiểu số, đến mức phải loại bỏ dư luận của thiểu số ra khỏi phạm trù "dư luận xã hội". Ví dụ dưới góc độ về khả năng phản ánh chân lý, dư luận của đa số không phải khi nào cũng đúng, dư luận của thiểu số, không nhất thiết khi nào cũng sai. Thực tế cho thấy, trước các vấn đề mới, dư luận của thiểu số, nhiều khi, đúng hơn dư luận của đa số. Giữa dư luận của đa số và dư luận của thiểu số cũng không có một hàng rào ngăn cách không thể vượt qua được. Dư luận ngày hôm nay là thiểu số, ngày mai có thể trở thành đa số hoặc ngược lại, dư luận ngày hôm nay là đa số, ngày mai có thể chỉ còn là thiểu số.

Về mặt thực tiễn, quan điểm coi dư luận xã hội chỉ là ý kiến của đa số lại càng không thể chấp nhận được. Chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và thực hiện chủ trương “Đại đoàn kêt toàn dân tộc”. Tiếng nói của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp, nhóm xã hội đều cần được coi trọng cho dù thành phần kinh tế, tầng lớp, nhóm xã hội đó chỉ là thiểu số trong xã hội. Mặt khác, nếu dư luận xã hội chỉ là ý kiến của đa số không thôi, thì cần gì phải thành lập các cơ quan làm công tác nắm bắt dư luận xã hội bởi vì ý kiến của đa số là cái mà người dân bình thường cũng có thể dễ dàng nắm được, huống hồ là lãnh đạo. Báo cáo tình hình dư luận xã hội của một số địa phương chưa được lãnh đạo coi trọng, có phần chính là do mới chỉ phản ánh được ý kiến của đa số. Những báo cáo phiến diện, không phản ánh được đầy đủ các luồng ý kiến khác nhau trong xã hội trước một vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, không những ít có giá trị cho sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngược lại, có khi còn có hại, nhất là trong trường hợp vấn đề, sự kiện, hiện tượng là cái mới, bởi lẽ, đối với cái mới, dư luận của đa số lúc đầu thường không đúng, thường có tính "bảo thủ".

Điểm tranh luận khác trong quan niệm về dư luận xã hội có liên quan đến câu hỏi: Trong dư luận xã hội có thành phần ý chí (gắn với hành động) không? Một số ý kiến cho rằng trong dư luận xã hội chỉ có thành phần nhận thức và thành phần tình cảm, nói cách khác, dư luận xã hội chỉ là những lời nói suông, không gắn với hành động của chủ thể. Chúng ta có thể khẳng định quan điểm này là hoàn toàn sai. Dư luận xã hội là một tổng lực nhận thức, tình cảm và ý chí. Dư luận xã hội không phải là lời nói suông của công chúng mà là một sức mạnh to lớn. Sự ủng hộ của dư luận xã hội đối với một chủ trương nào đó của chính quyền có thể sẽ chuyển hoá thành các phong trào thi đua sôi nổi, thực hiện thắng lợi chủ trương đó. Những tâm tư, thắc mắc của quần chúng, thể hiện qua dư luận, nếu không được quan tâm giải quyết có thể chuyển hoá thành các cuộc "phản ứng tập thể" hoặc dưới các hình thức rất phức tạp khác.

Cũng có những ý kiến khác nhau khi phân tích hình thức ngôn ngữ của dư luận xã hội. Một số nhà nghiên cứu chỉ coi các phán xét đánh giá của công chúng mới là dư luận xã hội. Phán xét có nhiều loại như phán xét mô tả - dùng để mô tả sự vật, ví dụ: “Đây là bông hồng bạch”, “Đây là cuộc mít tinh lớn”...; phán xét quy ước - loại phán xét thông dụng trong các văn bản pháp qui, ví dụ: “Mọi người dân phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường".... Phán xét đánh giá là loại phán xét thể hiện thái độ (tán thành - không tán thành; yêu - ghét...) của chủ thể đối với sự kiện, hiện tượng, đối tượng, ví dụ: “Tham nhũng là biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống”; “Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường của Hà Nội trong mấy năm qua có tiến bộ rõ nét”.... Tuy nhiên, đại đa số các nhà nghiên cứu khẳng định, dư luận xã hội không chỉ là các phát ngôn thể hiện sự phán xét đánh giá mà còn là các phát ngôn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị, lời khuyên can... của công chúng.

Cũng có sự nhầm lẫn giữa dư luận xã hội và tin đồn. Một số người không phân biệt được giữa dư luận xã hội và tin đồn có những sự khác nhau gì. Giữa tin đồn và dư luận xã hội có những điểm khác biệt cơ bản sau đây: 1) Nguồn thông tin: nguồn thông tin của tin đồn bao giờ cũng xuất phát từ người khác (tôi nghe người này nói, người kia nói); nguồn thông tin của dư luận xã hội lại xuất phát từ chính là bản thân người phát ngôn (theo ý kiến của tôi thì...); 2) Tin đồn loang càng xa thì càng có nhiều biến thái, do nó không ngừng được thêm thắt. Lúc ban đầu, dư luận xã hội thường rất phân tán, nhưng sau đó, thông qua sự trao đổi, tranh luận, tính thống nhất của dư luận xã hội thường tăng lên; 3) Tin đồn thường có tính "thất thiệt" (mặc dù có những tin đồn về cơ bản là sự thật), trong khi đó, dư luận xã hội phản ánh trung thực suy nghĩ, tình cảm, thái độ của chủ thể. Tuy nhiên, giữa dư luận xã hội và tin đồn không có sự ngăn cách không vượt qua được. Tin đồn có thể làm nảy sinh dư luận xã hội khi trên cơ sở tin đồn người ta đưa ra những phán xét đánh giá bày tỏ thái độ của mình. Tin đồn thường xuất hiện khi người ta thiếu (hoặc thừa) thông tin.

Về khả năng phản ánh chân lý, lẽ phải của dư luận xã hội, cũng có những quan niệm khác nhau. Có ý kiến cho rằng dư luận xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của các thành kiến, định kiến cho nên nó không có khả năng phản ánh chân lý, lẽ phải. Có ý kiến lại "sùng bái" dư luận của đa số, theo họ, dư luận của đa số bao giờ cũng đúng, dư luận của thiểu số bao giờ cũng sai. Tất cả các quan niệm trên đều sai. Dư luận xã hội không phải là các kết luận khoa học nhưng ít nhiều đều có khả năng phản ánh chân lý, lẽ phải. Dư luận xã hội có thể đúng nhiều, đúng ít. Dù có đúng đến mấy thì dư luận xã hội vẫn có những hạn chế, không nên tuyệt đối hoá khả năng nhận thức của dư luận xã hội. Dù có sai đến mấy, trong dư luận xã hội cũng có những hạt nhân hợp lý, không thể coi thường, bỏ qua. Chân lý của dư luận xã hội không phụ thuộc vào tính chất phổ biến của nó. Không phải lúc nào dư luận của đa số cũng đúng, dư luận của thiểu số cũng sai.

Về đối tượng của dư luận xã hội, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng đó là các hiện tượng, sự kiện, quá trình xã hội có tính thời sự, cập nhật trình độ hiểu biết của công chúng, có liên quan đến lợi ích, mối quan tâm của công chúng. Ví dụ: Những vấn đề khoa học trừu tượng liên quan đến tương lai xa xôi của loài người sẽ khó trở thành đối tượng phán xét của dư luận xã hội, trong khi đó những vấn đề cụ thể, dễ hiểu có liên quan trực tiếp đến lợi ích của công chúng, được công chúng rất quan tâm như vấn đề giá cả, thiên tai, lũ lụt, vệ sinh môi trường... luôn luôn là đối tượng phán xét của dư luận xã hội.

Đối với câu hỏi: Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến cá nhân, có tính tự phát hay là một dạng thức ý kiến tập thể, có tính tổ chức? Cũng có những quan niệm khác nhau. Có người khẳng định vế thứ nhất, có người khẳng định vế thứ hai. Sự vô lý của quan niệm coi dư luận xã hội là một dạng thức ý kiến tập thể, có tính tổ chức là rất rõ. Ý kiến chung của một tổ chức là chính kiến của tổ chức đó chứ không phải là dư luận xã hội của các thành viên trong tổ chức (không thể gọi chính kiến của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hay Hội Cầu lông… là dư luận xã hội). Chỉ có các luồng ý kiến được hình thành theo con đường tự phát mới được gọi là dư luận xã hội. Tuy nhiên ở đây cần phải làm rõ một ý: Dư luận xã hội không phải là một phép cộng thuần tuý, không phải là "bao gạo", gồm các "hạt gạo" ý kiến cá nhân rời rạc, không có mối quan hệ gì với nhau. Dư luận xã hội là các luồng ý kiến cá nhân, tự phát, nhưng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, cộng hưởng với nhau. Nói cách khác, đó là một chỉnh thể tinh thần xã hội, thể hiện nhận thức, tình cảm, ý chí của các lực lượng xã hội nhất định.

Dư luận xã hội là hiện tượng đời sống xã hội phức tạp, nên khó có thể lột tả hết trong một vài dòng định nghĩa ngắn gọn. Đối với những sự vật phức tạp, có nhiều góc nhiều cạnh, mọi định nghĩa đều phiến diện. Tuy nhiên, dù có phiến diện đến đâu, định nghĩa cũng không mất đi mặt khẳng định, vai trò quan trọng, sự cần thiết của nó đối với hoạt động nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của con người: đó là những chỉ dẫn sơ bộ, những nét phác thảo ban đầu, không có nó, chúng ta không thể tiếp tục đi sâu hơn vào bản chất của sự vật cũng như không thể đưa ra đuợc những phương hướng hành động cụ thể nào cả.

Vì lẽ đó, chúng ta có thể định nghĩa rất ngắn gọn về dư luận xã hội như sau: Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, có liên quan đến lợi ích, các mối quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến các nội hàm sau đây của định nghĩa này:

(1) Mỗi luồng ý kiến là một tập hợp các ý kiến cá nhân giống nhau;

(2) Dư luận xã hội có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau;

(3) Luồng ý kiến có thể rộng (tuyệt đại đa số, đa số, nhiều ý kiến) hoặc hẹp (một số ý kiến);

(4) Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến cá nhân, tự phát, chứ không phải là ý kiến của một tổ chức, được hình thành theo con đường tổ chức (hội nghị, hội thảo…);

(5) Dư luận xã hội không phải là một phép cộng các ý kiến cá nhân, tự phát mà là một chỉnh thể tinh thần xã hội, thể hiện nhận thức, tình cảm, ý chí của các lực lượng xã hội nhất định;

(6) Chỉ có những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội có tính thời sự, liên quan đến lợi ích, các mối quan tâm hiện có của nhiều người mới có khả năng tạo ra dư luận xã hội.

2. Các thuộc tính của dư luận xã hội

2.1. Khuynh hướng: Thái độ của dư luận xã hội đối với mỗi sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội có thể khái quát theo các khuynh hướng nhất định: tán thành, phản đối hay băn khoăn, lưỡng lự, chưa rõ thái độ. Cũng có thể phân chia dư luận theo các khuynh hướng như tích cực, tiêu cực; tiến bộ, lạc hậu, "cấp tiến", "bảo thủ"....

2.2. Cường độ: Thể hiện “sức căng” của mỗi khuynh hướng. Ví dụ, khuyng hướng phản đối có thể biểu hiện ở các sức căng khác nhau: phản đối gay gắt; phản đối, nhưng không gay gắt…. Cường độ của dư luận xã hội quan hệ chặt chẽ với hành vi xã hội của công chúng. Trong nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội nhất thiết phải nắm bắt và phản ánh được cường độ của các khuynh hướng đánh giá.

2.3. Sự thống nhất và xung đột của dư luận xã hội: Theo các nhà xã hội học, đồ thị phân bố dư luận xã hội hình chữ U biểu thị sự xung đột (có hai luồng ý kiến chính, trái ngược nhau, tỷ lệ ủng hộ mỗi luồng ý kiến này ngang bằng hoặc xấp xỉ nhau), hình chữ L biểu thị sự thống nhất cao (trong số các luồng ý kiến, nổi lên một luồng ý kiến được đa số ủng hộ). Trong xã hội, nếu thái độ của dư luận xã hội đối với phần lớn các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội đều có dạng phân bố hình chữ U thì điều đó có nghĩa xã hội ở trạng thái xung đột ý kiến gay gắt. Trong phân bố hình chữ L, chỉ một loại quan điểm có tỷ lệ số người ủng hộ cao mà thôi.

2.4. Tính bền vững: Một số tác giả thường khẳng định dư luận xã hội có tính dễ biến đổi. Tuy nhiên khẳng định này mới chỉ đúng một phần. Có những dư luận xã hội chỉ qua một đêm là thay đổi, nhưng cũng có những dư luận hàng chục năm không thay đổi. Tính bền vững của dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với các bậc vĩ nhân, các giá trị lịch sử của dân tộc..., đánh giá của dư luận xã hội thường rất bền vững, ví dụ sự đánh giá của dư luận xã hội về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, về tầm quan trọng của sự nghiệp đổi mới.... Đối với những vấn đề mới nảy sinh, dư luận xã hội thường dễ thay đổi. Cái mới lúc đầu thường chỉ được số ít nhận thấy và do đó dễ bị đa số phản đối. Tuy nhiên, ý kiến của đa số sẽ nhanh chóng, dễ dàng thay đổi khi cái mới vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống. Cần đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi thái độ của dư luận xã hội đối với các sự kiện, hiện tượng, quá trình, đối tượng... quen thuộc vì nó phản ánh sự chuyển hướng trong cách suy nghĩ của xã hội.

2.5. Sự tiềm ẩn: Dư luận xã hội về những vấn đề của cuộc sống xã hội có thể ở trạng thái tiềm ẩn, không bộc lộ bằng lời. Có người dùng thuật ngữ “dư luận của đa số im lặng” để nói về trạng thái này. Trong những xã hội thiếu dân chủ, dư luận xã hội đích thực thường tồn tại dưới dạng tiềm ẩn. Phương pháp thăm dò dư luận xã hội có thể làm bật ra nội dung của các luồng dư luận xã hội tiềm ẩn. Đối với những nơi chưa coi trọng quyền dân chủ của nhân dân, để nắm bắt dư luận xã hội chúng ta nên dùng phương pháp phỏng vấn dấu tên (không ghi tên, nơi làm việc, cư trú của người trả lời), nếu không, người trả lời có thể sẽ không dám nói ra sự thật.

3. Chức năng của dư luận xã hội

Các nhà nghiên cứu cho rằng dư luận xã hội thực hiện những chức năng cơ bản sau đây:

3.1. Chức năng đánh giá: Dư luận xã hội thể hiện thái độ phán xét đánh giá của công chúng đối với các sự kiện, hiện tượng, sự vật, vấn đề cuộc sống. Dư luận xã hội có vai trò quan trọng trong việc hình thành thang giá trị xã hội. Trên thực tế, người ta thường chạy theo các giá trị mà dư luận xã hội đề cao chứ không phải các giá trị do các nhà tư tưởng, lý luận đề ra. Thang giá trị do các nhà tư tưởng, lý luận đề ra, cho dù có đúng đến đâu, cũng khó có thể đi vào thực tế nếu không được dư luận xã hội tán thành, ủng hộ. Thang giá trị của dư luận xã hội mỗi thời một khác. Ví dụ, đầu những năm 60, các giá trị vật chất được dư luận xã hội đề cao là "một yêu anh có pô-giô, hai yêu anh có đồng hồ đeo tay…". Trong những năm 80, các giá trị được đề cao không còn là xe đạp pô-giô, đài, đồng hồ nữa mà là xe máy, cat-set, ti-vi, tủ lạnh....

3.2. Chức năng điều tiết các mối quan hệ xã hội: Dư luận xã hội rất nhạy cảm với các hành vi xâm phạm lợi ích chung, lợi ích của toàn xã hội, nhất là hành vi của các phần tử, các nhóm cực đoan, lên án kịp thời và gay gắt các hành vi này, làm cho cho các cá nhân, các nhóm cực đoan phải “chùn tay”; dư luận xã hội cũng rất quan tâm đến các hành vi có lợi cho toàn xã hội, kịp thời cổ vũ, các cá nhân, nhóm xã hội thực hiện các hành vi này. Nhờ sự can thiệp kịp thời, dư luận xã hội góp phần duy trì trật tự xã hội, mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và xã hội cũng như giữa các nhóm xã hội.

3.3. Chức năng giáo dục của dư luận xã hội: Nhờ có uy tín lớn, sự khen chê, khuyên bảo của dư luận xã hội có tác động rất mạnh đến ý thức và hành vi của con người, nhất là đối với các thế hệ trẻ. Bằng sự khen, chê, khuyên can kịp thời đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với lợi ích, các giá trị xã hội, nhất là các giá trị đạo đức, luân lý, dư luận xã hội có vai trò rất lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ ý thức về sự phải - trái, đúng - sai, thiện - ác, đẹp - xấu.

3.4. Chức năng giám sát: Dư luận xã hội có vai trò giám sát hoạt động của nhà nước và các tổ chức xã hội, gây sức ép lớn đối với tệ tham nhũng, quan liêu, tắc trách. Các quan chức tham nhũng, quan liêu, mất dân chủ rất “ghét” báo chí, dư luận xã hội vì báo chí, dư luận xã hội luôn “nhòm ngó” vào các công việc mờ ám của họ, sẵn sàng lên án, tố cáo họ.

3.5. Chức năng tư vấn, phản biện: Trước những vấn đề nan giải của đất nước, dư luận xã hội có thể đưa ra những khuyến nghị sáng suốt mà các cơ quan tham mưu cho chính quyền có thể chưa nghĩ ra được. Dư luận xã hội cũng có khả năng đưa ra các ý kiến phản biện xác đáng đối với các quyết định của các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội.

3.6. Chức năng giải toả tâm lý xã hội: Theo các nhà tâm lý học, sự bất bình, các nỗi niềm oan ức của con người, nếu không được giãi bày, nói ra, sẽ không mất đi mà lắng chìm xuống tầng vô thức trong tâm thức của con người và có thể trở thành những mầm mống bệnh hoạn nghiêm trọng về tinh thần, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát thành những hành vi, phản ứng bất thường không thể kiểm soát được. Sự giãi bày, bày tỏ thành lời có thể giải toả nỗi bất bình, uất ức của con người. Bị oan ức mà nói ra được người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm.

4. Cơ sở nhận thức và cơ sở xã hội của dư luận xã hội

4.1. Cơ sở nhận thức của dư luận xã hội

Nội dung và sắc thái của dư luận xã hội được quy định trước hết bởi trình độ hiểu biết của công chúng, nhóm xã hội. Sự hiểu biết nhiều hay ít, sâu sắc hay không sâu sắc của công chúng, nhóm xã hội đối với vấn đề, hiện tượng, sự kiện quyết định sự đánh giá đúng hay sai của công chúng, nhóm xã hội đối với vấn đề, sự kiện, hiện tượng đó. Một trong những yếu tố nhận thức có ảnh hưởng khá phổ biến đến sự phán xét của dư luận xã hội, đó là khuôn mẫu tư duy xã hội.

Khuôn mẫu tư duy xã hội là những quan niệm, suy lý, phán xét khái quát, giản đơn, hữu hạn nhưng có tính phổ biến và tương đối bền vững trong một cộng đồng xã hội. Khuôn mẫu tư duy tồn tại trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống của con người: trong tôn giáo, đạo đức, chính trị .... ở đâu chúng ta cũng có thể lấy các ví dụ về khuôn mẫu tư duy. Trong thời bao cấp, trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, các khuôn mẫu tư duy về chủ nghĩa xã hội là các quan niệm như : “Chủ nghĩa xã hội không có kinh tế thị trường”; “Kinh tế kế hoạch hoá đối lập với kinh tế thị trường”.... Các khuôn mẫu tư duy về các nước tư bản: “Kinh tế tư bản là kinh tế không có kế hoạch”; “Sự phồn vinh của các nước tư bản chỉ là sự phồn vinh bề ngoài giả tạo”.... Trong lĩnh vực đạo đức, một thời đã tồn tại các khuôn mẫu tư duy như: “Tiểu thương, tiểu chủ, những người làm ăn cá thể là kẻ xấu”; “Phụ nữ không có chồng mà có con là thiếu đức hạnh”.... Trong lĩnh vực tri giác, cũng tồn tại rất nhiều khuôn mẫu tư duy, ví dụ: “Nhất lé, nhì lùn”; “Đàn ông miệng rộng thì tài. Đàn bà miệng rộng điếc tai láng giềng”.....

Mọi định nghĩa giản đơn, ngắn gọn, phổ cập về các sự việc đều có thể được coi là khuôn mẫu tư duy. Khuôn mẫu tư duy theo sự vận động của thực tế cuộc sống sẽ trải qua hai giai đoạn: giai đoạn hợp thời (thời điểm chân lý mà nó phản ánh còn tồn tại) và thời điểm lỗi thời (thời điểm chân lý mà nó phản ánh đã qua đi).

Sự tồn tại của các khuôn mẫu tư duy là cần thiết, không có nó sẽ không có hành động xã hội. Cái sai chỉ xuất hiện khi con người tuyệt đối hoá các định nghĩa, các khuôn mẫu tư duy, vẫn bám lấy chúng khi chúng đã lỗi thời.

Chỉ có các khái quát, phán xét, suy lý phổ biến trong xã hội (hoặc trong một cộng đồng, nhóm xã hội) mới có thể trở thành khuôn mẫu tư duy xã hội. Dư luận xã hội là phương thức tồn tại của khuôn mẫu tư duy xã hội. Để chủ động hình thành dư luận xã hội trước hết phải hình thành các khuôn mẫu tư duy xã hội. Khi đã có khuôn mẫu tư duy xã hội, dư luận xã hội mà chúng ta muốn có sẽ tự khắc bật ra khi gặp bối cảnh tương ứng.

4.2. Cơ sở xã hội của dư luận xã hội

Các yếu tố xã hội, trước hết là lợi ích nhóm, tầng lớp, giai cấp, quốc gia, dân tộc có mối liên hệ chặt chẽ với nội dung và sắc thái của dư luận xã hội. Trong một nhà nước mạnh, chính quyền và nhân dân gắn bó với nhau, lợi ích quốc gia, dân tộc thường được coi trọng hơn các lợi ích khác (cá nhân, nhóm, tầng lớp, giai cấp); trước các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội, người ta thường lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng làm cơ sở để đưa ra sự nhận xét, đánh giá, bày tỏ thái độ của mình. Trong một nhà nước yếu, dân chủ không được coi trọng, pháp luật, kỷ cương bị buông lỏng, chủ nghĩa cá nhân phát triển, người ta thường nhân danh lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng để đưa ra ý kiến này, ý kiến kia, nhưng nếu phân tích kỹ thì không phải như vậy, lợi ích cá nhân, cục bộ mới chính là căn cứ của các ý kiến đó.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều lợi ích khác nhau. Về bản chất, các lợi ích này là thống nhất với nhau. Tuy nhiên, ngoài các lợi ích cá nhân, đặc thù hợp lý của các cá nhân, tầng lớp, giai cấp, nhóm xã hội (các lợi ích gắn liền với lợi ích quốc gia, dân tộc), các cá nhân, tầng lớp, giai cấp, nhóm xã hội có thể chạy theo các lợi ích cá nhân, đặc thù cực đoan, có lợi cho mình nhưng đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc nói chung, của các cá nhân, tầng lớp, giai cấp, nhóm xã hội khác nói riêng.

Trong thời bao cấp, luồng dư luận không tán thành quan điểm cho rằng CNXH cũng có kinh tế thị trường, phê phán quan điểm này là "chệch hướng XHCN" không phải bao gồm toàn những người thiếu hiểu biết về vấn đề kinh tế thị trường mà còn có cả những người có hiểu biết tốt, hiểu biết được rằng CNXH cũng có kinh tế thị trường. Tuy nhiên, khi phát biểu ý kiến thì họ lại nói khác, "nghĩ một đàng, nói một nẻo". Tiếng nói của họ, sự phản đối của họ không phải do yếu tố nhận thức quyết định mà là do các lợi ích đặc thù cực đoan quyết định: họ lo ngại sự đổi mới sẽ làm mất đi các đặc quyền, đặc lợi gắn liền với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp mà họ đang có....

5. Cơ chế hình thành của dư luận xã hội

5.1. Các giai đoạn trong quá trình hình thành của dư luận xã hội

Các nhà xã hội học thường coi quá trình hình thành dư luận xã hội gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn tiếp nhận thông tin

- Giai đoạn hình thành các ý kiến cá nhân

- Giai đoạn trao đổi ý kiến giữa các cá nhân

- Giai đoạn hình thành các luồng ý kiến chung (dư luận xã hội).

Trong giai đoạn đầu, thông tin về sự kiện, theo nhiều con đường khác nhau, đuợc truyền đạt đến các cá nhân. Trong giai đoạn thứ 2, trên cơ sở nhận thức của mình, các cá nhân bắt đầu đưa ra các ý kiến phán xét, đánh giá có thể rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau về sự kiện. Sự trao đổi, cọ sát ý kiến giữa các cá nhân trong giai đoạn 3 sẽ dẫn tới sự hình thành các luồng ý kiến chung, hay nói cách khác, đó là dư luận xã hội.

Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, cơ chế hình thành dư luận xã hội không đơn giản như vậy. Trong thực tế, sự hình thành dư luận xã hội thường diễn ra rất nhanh. Khi có các thông tin về sự kiện, các phán xét giống nhau ở mọi người được “bật ra” hầu như cùng một lúc, giống như phản ứng dây chuyền, không cần giai đoạn tranh luận, trao đổi thông tin. Nền tảng của các phản ứng này là các khuôn mẫu tư duy xã hội đã được định hình, tồn tại trong tiềm thức và gắn kết với tâm thế xã hội.

5.2. Các yếu tố tác động đến quá trình hình thành dư luận xã hội

Tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến nhận thức, có liên quan đến lợi ích của công chúng trước các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội, như chúng ta đã phân tích ở mục 4 (Cơ sở nhận thức và cơ sở xã hội của dư luận xã hội), ít nhiều đều có tác động đến quá trình hình thành dư luận xã hội. Một trong những yếu tố có tác động mạnh đến quá trình hình thành dư luận xã hội là tác động của truyền thông, thông tin trên báo chí.

Hiệu quả của truyền thông đến quá trình hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố như uy tín của nguồn thông tin; thời điểm phát tin (nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn thông tin sớm nhất có tác động lớn nhất đến việc hình thành dư luận xã hội, ai đưa ra thông tin sớm nhất, người đó dễ có khả năng làm chủ được dư luận xã hội); liều lượng thông tin, cách thức thông tin….

Các yếu tố xã hội khác có thể có nhiều ảnh hưởng đến quá trình hình thành dư luận xã hội là: gia đình, nhóm xã hội, tầng lớp, giai cấp, đảng tịch....

(Còn tiếp)

TS. Phạm Chiến Khu - Viện trưởng Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban TGTW 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất