Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 15/6/2011 21:26'(GMT+7)

Tự do báo chí trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước hiện nay

Tại Việt Nam quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, đuợc tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. (Ảnh minh hoạ).

Tại Việt Nam quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, đuợc tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. (Ảnh minh hoạ).

Tự do báo chí của một quốc gia luôn phụ thuộc vào nền dân chủ ở đó. Không thể có tự do báo chí ở một đất nước bị ngoại bang thống trị, dân tộc bị áp bức, bóc lột. Thực tiễn hơn tám mươi năm qua đã chứng minh rằng, dân tộc Việt Nam đã hy sinh, phấn đấu cho một nền dân chủ thực sự: dân chủ XHCN. Đó là nền dân chủ đã được chính lịch sử dân tộc Việt Nam lựa chọn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại. Việc dân tộc Việt Nam giành được độc lập, tự do thực sự đã đưa lại quyền tự do trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và điều đó được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và được thực thi trong thực tiễn.

Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (1992), Điều 69, ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin;... theo quy định của pháp luật...”. Để đảm bảo cho quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Nhà nước ta đã ban hành các luật, như: Luật Báo chí năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999 (sau đây gọi là Luật Báo chí 1999); Luật Xuất bản năm 2001… Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành những quyết định, nghị định, thông tư, quy chế... về việc các cơ quan chức năng định kỳ thông tin với báo chí về tình hình mọi mặt của đất nước. Việc làm trên đã tạo ra hành lang pháp lý cho báo chí Việt Nam phát triển, người làm báo được tự do tác nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, hoà nhập với báo chí khu vực và trên thế giới. Theo đó, tự do báo chí trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm xã hội, cá nhân và tổ chức báo chí là điều luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tôn trọng.

Cùng với xây dựng hành lang pháp lý để đảm bảo cho báo chí phát triển đúng hướng, việc đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ báo chí cho những người làm báo luôn được Nhà nước ta hết sức quan tâm. Đến nay, ở Việt Nam, các trường đào tạo nghiệp vụ báo chí cho những người làm báo từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, sau đại học không ngừng được mở rộng, củng cố. Cơ sở hạ tầng, chương trình, nội dung dạy-học của hệ thống các trường ngày càng tiên tiến, hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác đào tạo. Hằng năm, các trường  đã đào tạo được hằng trăm sinh viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, sau khi tốt nghiệp, phần lớn đã phát huy được vai trò trong các cơ quan báo chí phục vụ cho yêu cầu phát triển của đất nước. Không chỉ vậy, Việt Nam còn thường xuyên mở rộng hợp tác quốc tế để bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm làm báo. Những năm gần đây, hằng trăm nhà báo được tạo điều kiện để giao lưu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ ở các nước trên thế giới, như: Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Thuỵ Điển, Trung Quốc… Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của các nhà báo và giúp nhau nâng cao trình độ nghiệp vụ, Việt Nam đã có Hội Nhà báo Việt Nam; các cấp Hội được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, thu hút gần 2 vạn hội viên. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Hội Nhà báo quốc tế (OIJ) và Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ). Hội đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của báo chí trong khu vực và trên thế giới vì sự ổn định, hoà bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, những năm qua, nền báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về loại hình và số lượng cơ quan báo chí, về kỹ thuật chế bản, phát hành, và đặc biệt là về nội dung, chất lượng thông tin. Mỗi người dân Việt Nam, hay bất cứ người nào quan tâm thực sự đến Việt Nam đều thấy rõ, ở Việt Nam đã có đầy đủ các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Tính đến tháng 3 năm 2011, Việt Nam đã có 745 cơ quan báo chí, 24 nhà xuất bản, với 1.003 ấn phẩm (bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) từ Trung ương đến địa phương, của ngành, các lĩnh vực chuyên ngành… Các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, được pháp luật bảo hộ; trên các ấn phẩm của mình đều ghi rõ địa chỉ, điện thoại liên lạc và đường dây nóng… để đảm bảo cho quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Đây là hệ thống thông tin đa loại hình, đa phương tiện, vừa có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, quan niệm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thông tin đầy đủ, chính xác mọi mặt hoạt động của xã hội đến với nhân dân, vừa là diễn đàn của nhân dân, để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; đồng thời, tham gia phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đối với Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội hoặc xã hội-nghề nghiệp. Bằng trí tuệ và bản lĩnh, gần 17.000 nhà báo (được Nhà nước cấp thẻ Nhà báo) cùng đội ngũ cộng tác viên đã thường xuyên bám sát thực tiễn cuộc sống, có mặt trên mọi vùng, miền của đất nước và một số địa bàn trọng điểm trên trường quốc tế để tổng hợp tin tức, tình hình, phản ánh kịp thời, sinh động các lĩnh vực của đời sống xã hội trong nước và quốc tế; cổ vũ công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”…

Đồng thời, thông qua hoạt động báo chí, những người làm báo Việt Nam luôn tích cực đi đầu trong đấu tranh với các tệ nạn xã hội; phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; đấu tranh, vạch trần những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; tích cực đề xuất, phản biện một cách khoa học về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp tiếng nói vào việc xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; làm cầu nối hữu nghị để mở rộng quan hệ của Việt Nam với bè bạn quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng thông tấn, cơ quan báo chí quốc tế hoạt động… Trên thực tế, báo chí Việt Nam đã thực sự là một kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai, dân chủ, nhanh và có hiệu quả đến với các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua báo chí, đã có hàng vạn ý kiến của nhân dân đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của các kỳ đại hội Đảng, mà gần đây nhất là Đại hội XI; nhiều chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền, như: xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, xây dựng khách sạn ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội), xây dựng đường trục Hồ Tây-Ba Vì (Hà Nội), Luật Thủ đô… thông qua báo chí, đã được nhân dân ta thảo luận, phản biện sôi nổi, dân chủ.

Trên đây là bức tranh rất cơ bản về sự phát triển của nền báo chí Việt Nam. Bức tranh đó, tự nó đã khẳng định rõ: quyền con người nói chung, quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân ở Việt Nam nói riêng đã được đảm bảo. Đó là một thực tế khách quan không thể bác bỏ.

Vậy tại sao một số tổ chức, một số thế lực, một số người... lại cho rằng, ở Việt Nam không có tự do báo chí? Hằng năm, họ đưa ra những cái gọi là “bản tổng kết”, “bản báo cáo”... để phán xét về tự do báo chí… ở Việt Nam. Họ lấy lý do ở Việt Nam chưa có báo chí tư nhân, Internet bị ngăn cấm, bị hạn chế… nên không có tự do ngôn luận, tự do báo chí! Phải chăng là vậy? Phải khẳng định ngay rằng, không phải không có báo chí tư nhân là không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều căn bản là báo chí có thực sự là diễn đàn phản ánh chân thực, đầy đủ được tiếng nói của mọi người dân, trên mọi phương diện của đời sống hay không. Điều 29, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (1). Như vậy, quyền tự do báo chí của người này không được làm tổn hại đến quyền tự do của người khác, đến lợi ích của dân tộc; báo chí chỉ có được tự do khi chấp hành đúng và đầy đủ pháp luật, hoạt động vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Có thể khẳng định rằng, báo chí ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và ngày càng thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Còn những người cho rằng, ở Việt Nam, Internet bị hạn chế, bị ngăn cấm… thì chẳng khác gì họ đang mơ ngủ. Thực tế đã cho thấy, Việt Nam đã và đang khai thác, sử dụng Internet một cách có hiệu quả và lành mạnh. Nghị định số 55/2001/NĐ-CP, ngày 23-8-2001 của Chính phủ “về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet”, Điều 9, quy định rõ: “Không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ Internet…”. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực phát triển về Internet, với hệ thống hạ tầng ngày càng hiện đại, phát triển đến mọi vùng đất nước, với trên 28 triệu thuê bao (chiếm 31,5% dân số). Với sự ra đời của VINASAT-1, mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam và một số vùng trong khu vực đều truy cập một cách dễ dàng vào hệ thống Internet không dây (3G). Cùng với đó, hàng chục tờ báo điện tử, hàng ngàn trang thông tin điện tử, hàng vạn blog của cá nhân… đang hằng ngày, hằng giờ cập nhật mọi thông tin về đời sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, cũng như phản ánh những thông tin nóng hổi trong khu vực và trên thế giới. Bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có thể sử dụng các trang mạng xã hội để học tập, tìm hiểu thế giới, nâng cao nhận thức, giao lưu với bè bạn khắp năm châu. Vậy, Việt Nam có hạn chế Internet hay không? Câu trả lời rõ ràng là: Việt Nam không ngăn cấm Internet; Nhà nước Việt Nam chỉ ngăn cấm những tổ chức và cá nhân nào lợi dụng Internet để chống phá nền dân chủ XHCN; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác.

Những ý kiến đánh giá sai lệch về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam là xuất phát từ những mưu đồ xấu. Mỗi khi tung hô sự tuyệt đối về tự do báo chí, đặt báo chí trên pháp luật… họ cố tình lờ đi trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng mà bất cứ tờ báo nào cũng phải thực hiện. Thực ra, họ mượn cớ tự do báo chí để tuyên truyền các luận điệu bịa đặt, bôi nhọ Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động, kêu gọi lật đổ chế độ XHCN đã được nhân dân ta lựa chọn… Đó là việc làm mà các thế lực thù địch tăng cường thực hiện ở Việt Nam trong thời gian qua; song âm mưu, thủ đoạn chống phá thông qua con bài “tự do báo chí” sẽ bị luật pháp nghiêm trị. Những ý kiến cho rằng, Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, Internet bị ngăn cấm… chỉ là thiểu số; còn đa số nhân dân ta hiểu rõ bản chất của họ là muốn thông qua báo chí tư nhân, lợi dụng Internet, sử dụng các trang mạng xã hội để thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, tuyên truyền, cổ xuý cho những cái gọi là “giá trị dân chủ” theo kiểu phương Tây, bịa chuyện, nói xấu chế độ XHCN, kích động hằn thù dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền văn hoá xấu độc,… nhằm mục đích xoá bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

Báo chí được xem là “quyền lực thứ tư”, người làm báo phải luôn ý thức và trả lời được câu hỏi viết cho ai, vì ai? Nếu báo chí thực sự phục vụ cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, thì báo chí nói chung, người làm báo nói riêng sẽ có tự do thực sự. Báo chí Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Minh Sơn

__________

(1) - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 34.

(Nguồn: Tạp chí QPTD)
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất