Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 13/6/2011 21:10'(GMT+7)

Một mục đích, nhiều cách làm

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải thăm hỏi đời sống gia đình công nhân sinh sống tại một nhà trọ ở quận Thủ Đức.(Ảnh: SGGP).

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải thăm hỏi đời sống gia đình công nhân sinh sống tại một nhà trọ ở quận Thủ Đức.(Ảnh: SGGP).

Chủ động tuyên truyền

Kết quả kiểm tra cho thấy, mặc dù cùng một lúc phải triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng nhưng cấp ủy các cấp vẫn nghiêm túc chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không chỉ làm rõ những nội dung cơ bản, điểm mới của các nghị quyết thông qua hình thức truyền đạt trực tiếp của đội ngũ báo cáo viên, việc phổ biến nghị quyết còn được chuyển tải đến nhân dân qua cổng thông tin điện tử các quận, huyện và phương tiện thông tin đại chúng…

Ông Trần Văn Út, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 12, cho biết, quận đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền việc thực hiện nghị quyết đến từng chi bộ, Đảng bộ cơ sở để triển khai đến đảng viên. Ngoài ra, ban tuyên giáo còn tổ chức 3 buổi triển khai cho ni cô các chùa trên địa bàn quận và cho cán bộ, nhân viên ngân hàng… Nội dung tuyên truyền đảm bảo các nội dung trong Nghị quyết 11 và các văn bản của Thành ủy, UBND TP, Quận ủy và UBND quận. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp của địa phương như thực hành tiết kiệm, vận động chủ nhà trọ, cơ sở giữ trẻ không tăng giá…

Bên cạnh đó, phải tuyên truyền làm sao để người dân hiểu và đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ, địa phương, giúp nhân dân hiểu rõ những vấn đề khó khăn của nền kinh tế hiện nay để đồng cảm và chia sẻ với các cấp chính quyền.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 6 Triệu Lệ Khanh, 14 phường của quận có nhiều cách tuyên truyền nội dung Nghị quyết 11 sâu rộng đến từng hộ dân, đồng bào các giới thông qua tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trong các buổi họp tổ dân phố, trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng… Liên đoàn Lao động và Hội LHPN quận còn phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giỏi việc nhà” đến các hội viên và cán bộ công đoàn cơ sở…

Quyết tâm và đồng thuận

Một mục đích nhưng mỗi địa phương có nhiều cách làm khác nhau. Chỉ đề cập đến riêng việc chăm lo cho người nghèo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Huỳnh Đăng Linh cho rằng, điều đáng ghi nhận tại những nơi đoàn đến kiểm tra chính là quyết tâm và sự đồng thuận từ các đơn vị. Cấp ủy, chính quyền tăng cường đôn đốc, kiểm tra, còn đội ngũ cán bộ công chức thì làm việc với tinh thần trách nhiệm. Doanh nghiệp cũng thể hiện quyết tâm và trách nhiệm khi đồng hành cùng địa phương chăm lo cho người nghèo trong giai đoạn khó khăn.

Từ thực tế đó, nhiều quận huyện đã trình làng nhiều cách chăm lo cho người nghèo. Quận 8 phát động việc tương trợ trong nhân dân với phương châm “Hộ khá giúp hộ khó khăn”. Theo đó, vận động các nhà hảo tâm, người dân chăm lo cụ thể cho các địa chỉ nhân đạo, hộ khó khăn, cơ nhỡ bằng những việc làm cụ thể như trả hóa đơn điện, hóa đơn nước, mua gạo hàng tháng cho người nghèo, tổ chức thường xuyên hơn các bữa cơm tập thể cho người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ.

Đặc biệt hơn, quận 8 đã vận động các cơ sở Đảng trên địa bàn nhận bảo trợ cho các hộ nghèo nhất quận và đã nhận được ngay lời hưởng ứng từ 50 tổ chức cơ sở Đảng nhận bảo trợ tổng cộng 15,6 triệu đồng/tháng cho 23 hộ nghèo nhất quận.

Còn tại quận 10, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Đinh Hoàng Linh cho biết, đã vận động các đơn vị đỡ đầu thường xuyên cho người nghèo của quận như Hội Doanh nghiệp quận bảo trợ 10 hộ, Hội Khuyến học bảo trợ 1 hộ (1,8 triệu đồng/hộ), Thánh thất Cao Đài Chợ Lớn (4 triệu đồng/2 hộ), cán bộ đảng viên quận (1,8 triệu đồng/hộ), ông Trần Văn Tài ở phường 5 (1,8 triệu đồng/hộ), Trung tâm Y tế dự phòng quận (3,6 triệu đồng/2 hộ), bác sĩ Nguyễn Hải Nam ở phường 4 tặng 50 triệu đồng…

Ông Linh cho biết thêm: 52 hộ nghèo có thu nhập 6-7 triệu đồng/năm sẽ được bảo trợ liên tục 9 tháng với mức 200.000 đồng/hộ/tháng, riêng 32 trường hợp đặc biệt khó khăn, sẽ được bảo trợ 100.000 đồng/người/tháng, liên tục trong 9 tháng.

Còn tại quận 1, sau hai tháng thành lập Quỹ An sinh xã hội chăm lo đột xuất cho người nghèo, theo ông Vân Trọng Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận, đã có 395 sinh viên nghèo được nhận 500.000 đồng/suất/sinh viên, 629 gia đình lao động khó khăn nhận 600.000 đồng/suất/hộ. Ngoài ra, 87 hộ có thu nhập từ 8 triệu đồng/người/năm và 14 hộ thu nhập 8 triệu đồng - 12 triệu đồng/người/năm đã nhận được hỗ trợ đột xuất gần 50 triệu đồng...

Các đoàn kiểm tra cũng đề nghị một số đơn vị đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến bảo đảm đời sống dân sinh, nhất là chăm lo cho hộ nghèo, hộ chính sách…/.

(Hồng Hiệp/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất