Chủ Nhật, 22/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Bảy, 21/6/2014 13:33'(GMT+7)

Nhà báo - thư ký của thời đại

                                                                            

Từ nhỏ, tôi đã rất “mê” nghề báo. Thời đó không có nhiều phương tiện thông tin như bây giờ, chỉ có nghe đài và đọc báo là chủ yếu. Mỗi khi đọc được những dòng tin tức trên báo chí, biết được tin tức trên khắp mọi miền đất nước, tôi hết sức khâm phục những người làm báo và tự hỏi: Sao họ tài thế nhỉ? Từ chiến thắng vang đội ở khắp miền đất nước đến tin tức về sản xuất nông nghiệp trên mọi miền quê, năng suất lao đông trong các nhà máy xí nghiệp… Cái gì họ cũng biết.

Sau này lớn thêm chút nữa, đi học chuyên văn, cô giáo có nói về nghề làm báo và tôi đã biết sơ qua về một nghề cao quý. Tôi ước mơ sau này lớn lên mình sẽ làm nhà báo, nhưng nghiệp “gõ đầu trẻ” đã khiến tôi chưa có duyên với nghề này. Nhiều lúc muốn “rẽ ngang”, muốn bén duyên với nghề báo chí nhưng cái nghiệp “trồng người” lại là mảnh đất tốt cho tôi phát huy năng lực của mình. Sau nhiều năm phấn đấu, đến bây giờ tôi đã là hiệu trưởng một trường trung học cơ sở (THCS) ở Hà Nội. Tuy vậy, nghề cầm bút vẫn khiến tôi tâm đắc và bỏ vào đó không ít công sức. Với đam mê viết lách, tôi đã thử sức và cũng được xuất hiện tên mình trên một số tờ báo của Trung ương, địa phương, của ngành. Tuy nghiệp dư nhưng do ngày trước tôi đã từng là học sinh giỏi văn thành phố, lại chịu khó học hỏi các đàn anh đi trước, được họ chỉ bảo dìu dắt nên cũng có một vài giải nhỏ để khao bạn bè và tự hào với người xung quanh.

 Bây giờ tôi đã là cộng tác viên báo chí. Nhưng hôm nay, với tư cách của một độc giả, một người làm quản lý giáo dục, tôi có một vài cảm nhận về nghề báo: Đó là một nghề hiểm nguy nhưng vô cùng cao quý. Hiểm nguy vì các anh dám đưa mọi sự thật ra ánh sáng mà không bị khuất phục trước sự mua chuộc của đồng tiền. Dưới ngòi bút của nhà báo, nhiều vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui. Trong mưa gió bão bùng của thiên nhiên, đâu có sự hiểm nguy là có các anh đến tác nghiệp đưa tin kịp thời. Có thêm sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại, mọi sự kiện lớn của dân tộc, đều có các anh chị đưa tin hình ảnh đến công chúng sớm nhất…

Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng có chút thoáng buồn vì có một số “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm mất đi hình ảnh đẹp của các phóng viên báo chí:

Từ ngày làm quản lý giáo dục, tôi đã phải đón tiếp miễn cưỡng không ít người tự xưng là nhà báo đến làm phiền. Gọi điện cũng có mà xin gặp trực tiếp cũng có. Họ gọi đề nghị xin được viết bài về trường tôi, về cá nhân tôi… và cuối cùng là “xin hỗ trợ tiền để đăng”. Tôi có hỏi lại thì họ đều cho biết khoảng 5-10 triệu/ bài nửa trang. Nhiều đồng nghiệp của tôi phàn nàn vì đã phải trích số quỹ ít ỏi của trường để chiều lòng họ viết một bài, kẻo sợ họ làm phiền nhiều lần. Tôi có đem chuyện này hỏi một nhà báo ở một cơ quan báo chí có cỡ và được biết điều này không hề được các tòa soạn cho phép. Chỉ trừ cơ quan nào đăng tin quảng cáo mới phải đưa tiền, mà có ký hợp đồng hẳn hoi. Thật buồn cho kiểu lấy tin đem “bán”, vòi vĩnh tiền của một số người mang danh cầm bút.

Theo dõi các phương tiện thông tin, đặc biệt một số báo mạng, đều có kiểu “ăn theo” một sự kiện nào đó, khiến nhân vật chính trong câu chuyện trở thành “người bị hại” do tác động vô tình của cơ quan báo chí. Ví như có một sự kiện gần đây nhất là bức ảnh một học sinh bị trói ngoài hành lang một siêu thị đeo trước ngực tấm biển “Tôi là đứa ăn cắp” bị bảo vệ siêu thị chụp và đăng tải trên mạng. Lẽ ra là những nhà báo chân chính, chúng ta phải bất bình trước hiện tượng đó, và bênh vực quyền trẻ em, thì họ lại cho phát tán nhiều trên báo mạng, khiến em học sinh ấy xấu hổ và đã nảy sinh ý định tiêu cực. May mà gia đình và cô giáo phát hiện kịp thời.

Hay sự việc một nhóm học sinh trường THCS Đ.L (Hà Nội) xích mích, nhà trường đã giải quyết ổn thỏa ngay sau đó. Nhưng mấy hôm sau học sinh mới đưa clip lên mạng, và cánh nhà báo liền đua nhau giật tít “Nữ sinh Hà Nội đánh phụ huynh giữa chợ”; “Nữ sinh Hà Nội lại đánh nhau”… mà chưa hiểu “mô tê” sự việc thế nào, khiến nhà trường và địa phương phải mệt mỏi tiếp rất nhiều phóng viên báo chí. Tệ hơn nữa, có học sinh trong số đó (Em T và em D) xấu hổ có ý định bỏ học, nhà trường lại phải vào nhà động viên, vận động em ra lớp học…

Đó cũng là những nỗi thoáng buồn về nghề “tay trái” của tôi – nghề làm báo.

Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy nghề làm báo là nghề cao quý. Có nhiều sự việc được đưa ra ánh sáng bởi ngòi bút của các anh chị. Chiếc cầu treo bắc qua bản Sam Lang (xã Nà Hỷ huyện Nậm Pồ, Điện Biên) được khởi công kịp thời giúp thầy trò và nhân dân vùng đó không còn phải chui vào túi ni lông để qua suối, một phần do báo chí đã đưa hình ảnh lên phương tiện thông tin đại chúng. Cũng nhờ báo chí mà sự kiện trận lũ bản Khoang xảy ra trước ngày khai giảng năm học 2013-2014 đã được đăng tải những hình ảnh kịp thời, kêu gọi mọi tấm lòng chung tay góp sức để thầy trò Bản Khoang có một ngày khai giảng muộn nhưng đáng nhớ vì thấm đẫm tình người… Còn biết bao ngôi trường mới sẽ được mọc lên, bao cảnh đời học sinh nghèo vượt khó được tiếp tục cắp sách tới trường, ngoài sự động viên kịp thời của các cấp các ngành còn có sự góp phần của báo chí đã gắn kết nhiều trái tim nhân ái.

Và gần đây, nhũng thông tin hàng ngày nóng bỏng về vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa đã giúp mọi người dân dẫu chưa một lần đặt chân đến vùng đảo xa xôi, vẫn thấy Hoàng Sa, Trường Sa rất gần. Các anh không ngại nguy hiểm, sóng gió, khó khăn vất vả, đã kịp thời đưa tin và hình ảnh giúp cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu được thiện chí của Việt Nam cũng như ý chí quyết tâm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của vùng biển Tổ Quốc.

Xem lại những thước phim lịch sử của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà các anh đã phải đổi bằng máu, mọi người không khỏi cảm phục, tự hào và gọi các anh bằng cái tên trìu mến: Những thư ký của thời đại.

Qua báo chí, mọi mặt trái của cuộc sống đều được phản ánh kịp thời, chính xác. Nhưng độc giả cũng rất cần những nhà báo có tâm, để ngòi bút luôn thẳng, tấm lòng luôn sáng, xứng đáng với cái tên “Thư ký của thời đại”´mà độc giả trao cho.

  Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất