Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6-2010 tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước đều đạt chuẩn giáo dục THCS. Đây là một tin vui nhưng chúng ta cũng phải xem lại thành tích đó đã thực chất và đã đạt mục tiêu của cấp THCS chưa?
Nếu vì chạy theo thành tích, tô hồng kết quả mà không nhìn thấy những lỗ hổng, những góc khuất để kịp thời bổ sung sửa chữa ngay, tai hại sẽ lớn hơn.
Học sinh liên tục giảm
Mấy năm nay, Bộ GD-ĐT thường công bố tỉ lệ học sinh bỏ học giảm thông qua việc lấy số liệu của học kỳ I là không phản ánh đúng thực trạng. Thực tế, số học sinh bỏ học trong học kỳ I hằng năm rất nhỏ. Thậm chí nhiều cơ sở giáo dục tỉ lệ này là 0%. Tuy nhiên, số học sinh bỏ học sau Tết Nguyên đán và sau kỳ nghỉ hè mới thật sự đáng kể. Đó mới là tỉ lệ học sinh bỏ học trong một năm học. Việc đưa ra số liệu tỉ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ I khoảng 0,5% mà bộ công bố có thể do chạy theo thành tích, cố tình bỏ qua tỉ lệ học sinh bỏ học cả năm.
Thế nhưng, thống kê chính thức của bộ đã làm “hở đuôi” tỉ lệ công bố không đúng này. Theo thống kê này, từ năm học 2004-2005 đến năm học 2009-2010, học sinh bậc THCS giảm liên tục. Chính xác là giảm khoảng 1,5 triệu học sinh trong khi dân số nước ta những năm qua tăng 1 triệu người/năm.
Thành tích ảo
Chất lượng của cấp THCS hiện nay chưa củng cố và phát triển được kết quả của giáo dục tiểu học, đồng thời chưa bảo đảm được chất lượng học lên THPT. Tình trạng sáng học lớp 6 chiều học lớp 1, lớp 2 còn ở không ít trường. Ông Nguyễn Hùng Việt, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, nhận định: “Ở cấp THCS thầy cô thường có xu hướng cố gắng dìu học sinh thi đậu vào lớp 10. Nhưng thực tế sau đó đã không đủ sức theo chương trình THPT”.
Bên cạnh đó, việc xét tuyển vào lớp 10 và thi tuyển có hai môn văn, toán đã dẫn đến tình trạng học lệch ở THCS. Nhiều giáo viên THPT cho rằng do xét tuyển và có nhiều nơi không thi vào lớp 10 nên khi học THPT kiến thức của học sinh bị hổng, rất khó dạy. Nhiều học sinh THCS đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và có cả học sinh giỏi nhưng khi lên lớp 10 THPT học lực bị đuối rơi xuống hạng trung bình hoặc loại yếu.
Tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm 2009-2010, ông Bùi Hùng Chiến - hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM - đã nhận định thành tích học tập ở THCS của nhiều học sinh “không khéo là ảo”. Hiệu trưởng nhiều trường THPT đều khẳng định phải xem xét lại cách đánh giá học lực của học sinh THCS.
Bất cập phân luồng
Lỗ hổng thứ ba của phổ cập THCS là việc hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt yêu cầu. Hầu hết các trường THCS chỉ dạy chữ, chủ yếu là các môn thi vào THPT, còn bỏ ngỏ việc hướng nghiệp cho học sinh học nghề và chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống.
Bộ GD-ĐT đánh giá hằng năm chỉ có 20.000-25.000 học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp chuyên nghiệp, chiếm 10% quy mô đào tạo trung cấp. Đó là phần lớn học sinh có học lực kém, khó khăn về kinh tế, đi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp là bất đắc dĩ. Theo số liệu điều tra dân số vừa qua, số người 15 tuổi chưa được đào tạo nghề là 86,7%. Ngành GD-ĐT đặt mục tiêu từ năm 2010-2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Phổ cập THCS là phổ cập một chất lượng nhất định theo mục tiêu đào tạo của Luật giáo dục mới có tác dụng đích thực nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực. Nếu chỉ đạt về tỉ lệ bằng cách “hợp lý hóa” báo cáo để kiểm tra công nhận đạt thành tích phổ cập như báo cáo của Vinashin vừa qua lỗ thành lãi thì cần phải chấn chỉnh ngay.
Hậu quả “dây chuyền”
Chất lượng tuyển sinh vào ĐH, CĐ đang được đánh giá là thấp. Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng đầu vào bậc THPT đã thấp, thậm chí ở nhiều địa phương rất thấp. Điển hình như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyển sinh lớp 10 năm học 2009-2010 với 14.000 thí sinh thì có đến 2.000 điểm 0 môn toán, 5.000 thí sinh có điểm từ 0,25-2 điểm. |
TRẦN HỮU TRÙ
(nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
(Theo Tuổi trẻ online)