Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Năm, 18/4/2019 11:56'(GMT+7)

Đổi mới, nâng cao chất lượng xuất bản: Tiền đề để phát triển văn hóa đọc

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

1. Trước hết cần khẳng định, một quốc gia muốn có nền văn hóa đọc phát triển thì không thể tách rời yêu cầu xây dựng một nền xuất bản phát triển.

Nếu coi nhu cầu đọc của người dân một quốc gia là tiêu chí định lượng để đánh giá sự phát triển của văn hóa đọc thì gần đây, Ấn Độ nổi lên là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển văn hóa đọc cao hàng đầu, nơi mà thời lượng trung bình của người dân dành cho đọc sách cao nhất thế giới. Năm 2014, đất nước Nam Á này đã được NOP World Culture Score Index xếp hạng nhất trong khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân/tuần, đạt 10h42/ngườ/tuần.

Cũng theo báo cáo của Niesel, một công ty nghiên cứu thị trường uy tín có trụ sở tại NewYork Hoa Kỳ, tốc độ phát triển bình quân các năm từ 2015 lại đây của ngành xuất bản Ấn Độ là 19,3%, cao nhất thế giới, đưa Ấn Độ trở thành thị trường sách lớn thứ 6 toàn cầu, với doanh thu ước tính 6,72 tỉ USD và thị trường sách tiếng Anh lớn thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng có thể coi là một ví dụ khác cho sự gắn kết giữa một nền xuất bản mạnh và một nền văn hóa đọc phát triển. Theo NOP World Culture Score Index, thời gian trung bình đọc sách của người dân Trung Quốc khoảng 8 giờ/tuần, là quốc gia đứng thứ ba thế giới về thời gian đọc sách. Còn theo thống kê của trang China Statistical Yearbook xuất bản năm 2018, hết năm 2017, Trung Quốc xuất bản được 512.487 đầu sách với 9,24 tỉ bản sách, tương đương 7 đầu sách/người, trở thành nền xuất bản lớn thứ 2 thế giới (xét về doanh thu) và đứng đầu thế giới (xét về số đầu sách và bản sách).

Hình ảnh thường thấy trên các chuyến tàu điện ngầm ở Nhật Bản là cuốn sách trên tay mỗi người dân từ già đến trẻ

Hình ảnh thường thấy trên các chuyến tàu điện ngầm ở Nhật Bản là cuốn sách trên tay mỗi người dân từ già đến trẻ

 

Một quốc gia khác trong khu vực  Đông Nam Á có văn hóa đọc đang vươn lên rất mạnh mẽ là Thái Lan. Theo thống kê của NOP World Culture Score Index, người Thái trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về đọc sách với bình quân giờ đọc là 9 giờ 24 phút/tuần.

Hiện Thái Lan có trên 500 nhà xuất bản. Các nhà xuất bản của quốc gia này không chỉ xuất bản sách bằng tiếng Thái cho người Thái mà đang vươn lên trở thành trung tâm xuất bản Đông Nam Á, là điểm đến cho những ấn phẩm của các tác giả trong khu vực muốn xuất bản bằng tiếng Anh để vươn ra thị trường toàn cầu.Tuy nhiên, sự phát triển của ngành xuất bản không đồng nghĩa hoàn toàn với sự phát triển văn hóa đọc. Trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng lên ngôi, thì ngay cả ở một số quốc gia phát triển, văn hóa đọc vẫn có thể bị mai một nếu không có chính sách khuyến đọc phù hợp.

Hoa Kỳ có thể coi là quốc gia có nền công nghiệp xuất bản phát triển hàng đầu thế giới với doanh thu mỗi năm xuất bản trên 250.000 đầu sách, tuy đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) nhưng đứng đầu về doanh thu (chiếm đến 1/3 tổng doanh thu toàn cầu về xuất bản).

Tuy thế, nhưng từ năm 1983, Ủy ban chuyên trách quốc gia về giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Mỹ đã đưa ra báo cáo A Nation at Risk (ANAR - Một quốc gia đang lâm nguy), cảnh báo tình trạng người Mỹ đang ngày càng lười đọc sách. Gần hai thập niên sau, năm 2002, Phòng nghiên cứu và phân tích thuộc Cơ quan văn hóa nghệ thuật quốc gia (NEA) lại đưa báo cáo dài 60 trang mang tựa Reading at Risk: A Survey of Literary Reading in America (Thói quen đọc sách đang gặp nguy hiểm), cảnh báo về tình trạng “xuống cấp” đọc sách tại Mỹ qua số liệu 56,6% người Mỹ đọc một quyển sách trong năm 2002 so với 60,9% năm 1992. Tỉ lệ sách văn học thậm chí chênh lệch nhiều hơn, với 46,7% người Mỹ đọc một quyển sách văn học, so với 54% năm 1992.

Tiếp đến, năm 2015, trong thống kê từ trang Global English Editing cho thấy 27% người trưởng thành ở Mỹ không đọc một cuốn sách nào trong suốt 12 tháng gần nhất. Mặc dù số lượng sách bình quân đầu người của Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, khoảng 12 cuốn/năm, nhưng  báo cáo khác cũng cho thấy số thời gian được dùng để đọc hàng ngày của người Mỹ chỉ còn ở mức là 5,7 giờ/tuần,  dành cho đọc tất cả các loại tài liệu như sách in, sách điện tử, tin tức trên báo mạng, tạp chí, email công việc… , tụt xuống vị trí thứ 23 thế giới.

Như vậy, dù văn hóa đọc của Hoa Kỳ vẫn nằm ở nhóm đầu nhưng so với tiềm lực của nền xuất bản lớn nhất thế giới hiện nay, mức phát triển đó chưa thực sự tương xứng.

Không giống Hoa Kỳ, Nhật Bản là minh chứng khác, cho thấy tầm quan trọng của chính sách khuyến đọc tác động đến sự phát triển văn hóa đọc. Kể từ sau thời Minh Trị, Người Nhật trở thành một trong những dân tộc có thói quen đọc sách cao hàng đầu thế giới. Đến nay, quốc gia này có một hệ thống thư viện rộng khắp. Theo điều tra của một cơ quan truyền thông Nhật Bản năm 2010, Nhật Bản có tới 15.314 hiệu sách, 3.165 thư viện. Số liệu thống kê của cuộc điều tra này qua các năm cũng cho thấy số lượng thư viện ở Nhật Bản liên tục tăng từ năm 1963. Đến nay, 100% các tỉnh, 98% thành phố, quận (thuộc tỉnh), 59,3% khu phố, 22,3% làng của đất nước “mặt trời mọc” có thư viện. Tỉ lệ bình quân đạt 10,3 người/thư viện. Các thư viện này ngoài hoạt động cho mượn sách còn tổ chức các ngày hội đọc sách, thưởng thức sách, triển lãm sách, đọc sách cho trẻ em nghe….

Tuy nhiên, dù sở hữu một hệ thống thiết chế văn hóa đọc mạnh, nhưng trước sự tác động của văn hóa nghe nhìn, Nhật Bản cũng đang đứng trước xu hướng suy giảm thói quen đọc sách, nhất là ở giới trẻ. Sau nhiều cảnh báo vào những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu những năm 2000, Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều động thái nhằm khôi phục, duy trì thói quen đọc sách.

Năm 2001, Quốc hội Nhật bản đã thông qua Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em. Năm 2005 thông qua Luật chấn hưng văn hóa đọc. Các đạo luật này đã tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động khuyến đọc ở mọi tầng lớp nhân dân.

Không chỉ dừng lại trong việc khuyến đọc nói chung, Nhật Bản còn gắn kết việc đọc sách với việc học tập trong nhà trường. Từ năm 2007, khi Luật giáo dục trường học được sửa đổi, cụm từ “làm cho học sinh quen với việc đọc sách” đã được đưa vào điều khoản quy định về “mục tiêu giáo dục”.

Nhật Bản cũng rất chú trọng đến việc phát triển các hội đoàn phục vụ cho việc phát triển văn hóa đọc. Nhiều hội đoàn ra đời từ phong trào đọc sách và lãnh đạo phong trào đọc sách. Chẳng hạn như Hội đọc sách Nhật Bản (The Japanese Reading Association). Tổ chức này được lập ra với mục đích nghiên cứu, tiếp cận việc đọc sách dưới góc độ khoa học để từ đó công bố các kết quả nghiên cứu hỗ trợ cho văn hóa đọc ở Nhật Bản. Những công trình nghiên cứu về đọc sách của hội viên được công bố trên tạp chí “Khoa học đọc sách” của hội. Hàng năm hội này còn trao giải thưởng cho những người có những luận văn xuất sắc hoặc có cống hiến đặc biệt về lý luận, thực tiễn cho phong trào đọc sách ở Nhật Bản. Nhật Bản lấy ngày 23/4 hàng năm là “Ngày trẻ em đọc sách”....

Chính nhờ hệ thống chính sách khuyến đọc trên mà đến nay, dù chịu tác động rất mạnh của văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng nhưng đọc sách vẫn một thói quen thường ngày của người Nhật. Kết quả cuộc “Điều tra cơ bản đời sống xã hội” của Bộ nội vụ Nhật Bản năm 2016 (5 năm điều tra một lần) cho biết, có 41,9% những người được hỏi (trên 10 tuổi) có thói quen “đọc sách như là một thú vui”.  Hiện nay, Nhật Bản vẫn duy trì được tỉ lệ bình quân sách 12-13 bản/người, cao hàng đầu ở Đông Á; thời gian đọc sách 4,5-5h/tuần/người, đứng trong top 28 quốc gia có thời gian đọc sách cao nhất.

2. Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc và những yêu cầu để văn hóa đọc phát triển, những năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển cũng như xây dựng các chính sách khuyến đọc phù hợp. Ngoài các Nghị quyết chung về văn hóa (như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”), Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản” (Chỉ thị 42) là văn bản thể hiện cụ thể, sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về vấn đề này.

Lễ phát động cuộc thi “Đọc sách vì tương lai”

Lễ phát động cuộc thi “Đọc sách vì tương lai”


Từ Chỉ thị 42 có thể thấy, lần đầu tiên từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng nêu rõ định hướng chiến lược phát triển cho xuất bản, gắn được những vấn đề của xuất bản với phát triển văn hóa đọc.

Điểm đáng chú ý nhất của Chỉ thị 42 là không chỉ tiếp tục khẳng định xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận văn hóa Việt Nam, mà còn nhấn mạnh tính thiết yếu của xuất bản trong giáo dục, đào tạo, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức xã hội mà đích đến là xây dựng một xã hội học tập - xã hội mà ở đó có sự thống nhất giữa chế độ giáo dục cho mọi người và học tập suốt đời.

Đặt định hướng nêu trên trong điều kiện kinh tế thị trường, Chỉ thị 42 cũng khẳng định yêu cầu mang tính chiến lược là “hoạt động xuất bản vẫn cần lấy kinh doanh là phương thức chủ yếu để thực hiện chức năng văn hoá và tư tưởng của mình và hoàn thành nhiệm vụ là một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện và vững chắc”; đồng thời xác định rõ 5 nhiệm vụ cụ thể và 6 giải pháp chủ yếu với sự thể hiện gắn kết giữa phát triển xuất bản với xây dựng văn hóa đọc.

Có thể nói, nội dung của Chỉ thị 42 cho thấy sự phát triển nhận thức và lý luận của Đảng về xuất bản, chỉ ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển xuất bản trong thời kỳ mới, và cũng chính qua đó khẳng định vai trò của xuất bản đối với văn hóa đọc và văn hóa đọc đối với sự phát triển của đất nước.

Tiếp nối tinh thần của Chỉ thị 42, Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 CT/TW nêu rất rõ các yêu cầu, trong đó có xác định vai trò đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như trách nhiệm phối hợp của các bộ ngành liên quan trong triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế, tiền thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; đầu tư và bổ sung vốn cho các nhà xuất bản, sách đặt hàng hằng năm, sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, sách phục vụ thông tin đối ngoại; hỗ trợ mua bản thảo chất lượng cao; hỗ trợ hoạt động triển lãm, quảng bá sách trong và ngoài nước; phát triển hệ thống thư viện công cộng, điểm bưu điện văn hóa xã, câu lạc bộ sách, tủ sách; phát triển phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân, triển khai sâu rộng Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ban hành một hệ thống văn bản pháp luật, tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản và việc duy trì, phát triển văn hóa đọc.

Luật Xuất bản năm 2004, sửa đổi năm 2008; Luật Xuất bản năm 2012 đều có những quy định liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc, thể hiện rõ nhất trong Điều 7, Luật Xuất bản 2012 (về chính sách Nhà nước đối với hoạt động xuất bản) ghi rõ nhiều chính sách hỗ trợ gắn ngành xuất bản với yêu cầu thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Cùng với Luật Xuất bản, ngày 6/5/2009, Thủ trướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có nhiều nội dung về việc phát triển văn hóa đọc; ngày 15/3/ 2017, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030.

Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua ngành xuất bản đã có những bước phát triển đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Tỉ lệ sách trên đầu người năm 2018 đạt 4,5 bản sách/người/năm, tăng 160% so với 2004. Doanh thu toàn ngành khoảng 3.000 tỉ, gấp 6 lần về quy mô so với 2004.

Lực lượng phát hành hành sách phát triển mạnh với gần 17.000 cơ sở phát hành trên cả nước. Hoạt động liên doanh, liên kết của nhà xuất bản với sự tham gia hiệu quả của lực lượng phát hành sách tư nhân, trở thành động lực huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thực hiện nhiều công trình sách lớn, có giá trị, đồng thời góp phần để các nhà xuất bản tích lũy các lợi ích kinh tế, tạo ra một môi trường xuất bản năng động.

Một số nhà xuất bản, công ty sách đã biết sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin để tiến hành những hình thức kinh doanh mới như: mua bán sách trực tuyến qua mạng internet, xuất bản sách truyền thống kèm các sản phẩm sách điện tử. Hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sách có nhiều chuyển biến tích cực với sự xuất hiện của những mô hình hiện đại như cà phê sách, đường sách, thành phố sách.

Hoạt động kinh tế đối ngoại được đẩy mạnh. Sau  thời gian đầu lúng túng khi Việt Nam gia nhập công ước Berne, đến nay hoạt động mua bán bản quyền sách với các đối tác nước ngoài đã dần phát triển và ngày càng diễn ra sôi động. Một số nhà xuất bản, công ty sách đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong các giao dịch tác quyền và phát huy hiệu quả cao.

Nhìn sang bình diện văn hóa đọc, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 42, nhận thức của các cấp lãnh đạo về chức năng, vai trò xã hội của thư viện đối với công tác phát triển văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập đã được nâng cao một bước; nhiều thư viện ở mọi loại hình được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; ngân sách dành cho bổ sung tài liệu được duy trì và gia tăng hàng năm.

Đặc biệt, cụ thể hoá chủ trương đưa sách về cơ sở của Chỉ thị 42, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá 2012-2015 và Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015, Nhà nước đã cấp hàng trăm tỷ đồng để cung cấp sách, báo, tài liệu cho các thư viện công cộng, trung tâm thông tin phục vụ cộng đồng.

Các hệ thống thư viện tăng về số lượng và chất lượng hoạt động, nhiều loại hình thư viện mới được tạo điều kiện, phát triển nhanh, mạnh thành các phong trào như: Thư viện tư nhân, Không gian đọc, tủ sách cộng đồng, tủ sách gia đình, dòng họ…

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm công tác xuất bản và khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

 

Nhiều hình thức phục vụ bạn đọc được triển khai, đặc biệt là đối tượng bạn đọc ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thông qua hình thức luân chuyển tài liệu, “Bánh xe tri thức”; “Thư viện lưu động”…

Không chỉ khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, Ngày Sách Việt Nam 21/4 còn là một điểm nhấn để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả quan trọng đạt được, ngành xuất bản và việc phát triển văn hóa đọc còn bộc lộ không ít hạn chế yếu kém. Số lượng và chất lượng sách chưa như kỳ vọng. Cho đến năm 2014, số bản sách trên đầu người mới đạt xấp xỉ 4,5 bản/người/năm, không thực hiện được mục tiêu đạt 6 bản/người vào 2010 theo tinh thần của Chỉ thị 42. Đặc biệt, nếu trừ đi tỉ lệ sách giáo khoa, giáo dục chiếm gần 70%, số lượng chỉ còn khoảng 1 đầu sách/người/năm, là tỉ lệ rất thấp so với nhiều nước trong khu vực (Tỉ lệ này ở Malaysia, Thái Lan ở mức  3- 4,5 bản sách/người/năm).

Chất lượng một số mảng sách chưa cao. Sách văn hóa-xã hội, văn học, nghệ thuật còn rất thiếu các công trình nghiên cứu, các tác phẩm có giá trị đỉnh cao. Sách khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng tốt yêu cầu cao cung cấp tri thức mới, tiên tiến của khoa học kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Sách phục vụ nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn chưa nhiều, chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Tiếp tục xuất hiện một số xuất bản phẩm có nội dung sai phạm về chính trị, tư tưởng, có chất lượng văn hoá thấp, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước trong công tác xuất bản.

Hệ thống phát hành dù phát triển nhanh nhưng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề mà rõ nét nhất là tình trạng “trắng” sách ở một số địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn sau khi hệ thống nhà sách nhân dân tan vỡ. Khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần không bị đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới phức tạp hơn, nhất là trong hoạt động liên kết. Nguy cơ tụt hậu về công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh so với các nước trong khu vực và thế giới có dấu hiệu ngày càng lớn. 

Đến nay, sau 6 năm thực hiện Luật Xuất bản 2012, thị trường sách điện tử ở nước ta vẫn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thực sự phát triển.

Trong hoạt động quảng bá, khuyến đọc, hiện vẫn chưa xây dựng được Quy chế quan hệ hoạt động giữa xuất bản, phát hành xuất bản phẩm và hệ thống thư viện theo chỉ đạo của Chỉ thị 42. Mạng lưới xuất bản, in và phát hành còn chưa rộng khắp đã gây khó khăn cho công tác bổ sung tài liệu cho thư viện, trong nhiều trường hợp còn làm tăng giá thành, dẫn đến tăng kinh phí bổ sung tài liệu đối với những thư viện, trung tâm văn hoá ở những khu vực khó khăn về giao thông hoặc các địa phương xa các trung tâm đô thị lớn.

Giá thành xuất bản phẩm còn cao so với điều kiện kinh phí của thư viện, nhất là các thư viện công cộng, đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nguồn tài liệu được bổ sung vào thư viện. Việc phát triển hệ thống trên 8.000 điểm bưu điện văn hóa xã cũng còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Đối với công tác quản lý nhà nước, dù có nhiều tiến bộ song cũng còn những mặt bất cập. Một số chủ trương quan trọng, có tính quyết định đến việc tháo gỡ khó khăn cho ngành chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa. Đặc biệt, vấn đề nhận thức của không ít bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản nhà xuất bản về sách, xuất bản, văn hóa đọc còn hạn chế là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những bất cập chính sách chậm được giải quyết.


 3. Thực tế trên cho thấy, việc giải quyết những vấn đề của xuất bản cũng như xây dựng các chính sách khuyến đọc nhằm tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển không phải và không thể là câu chuyện “ngày một ngày hai”. Đó phải là một một quá trình lâu dài với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Tuy vậy, trước mắt, có 5 vấn đề cũng là 5 kiến nghị có tính giải pháp trên phương diện hoàn thiện cơ chế, chính sách cho xuất bản và khuyến đọc cần tập trung hoàn thiện:

Thứ nhất, thực hiện chuyển đổi loại hình hoạt động nhà xuất bản theo đúng tinh thần trong Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã nêu.

Thời gian đã hết sức cấp bách, bởi theo Nghị quyết 08/NQ-CP của Chính phủ tiến độ triển khai chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trường hợp cần thiết, đủ điều kiện thì chuyển sang công ty TNHH một thành viên vốn nhà nước phải hoàn thành trong quý IV năm 2019. Tuy vậy, đến nay  vẫn chưa có nhà xuất bản nào thực hiện được chuyển đổi loại hình hoạt động.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này, một mặt do còn thiếu một văn bản pháp quy cụ thể hóa Nghị quyết số 08/NQ-CP để các cơ quan chủ quản triển khai, mặt khác còn do quyết tâm chính trị chưa cao của nhiều cơ quan chủ quản khi cho rằng, việc chuyển đổi là sự quay lưng lại kinh tế thị trường. Ở đây, cần nhận thức đầy đủ, chính xác chủ trương quan trọng này bởi trong kinh tế thị trường, dù loại hình doanh nghiệp cần được ưu tiên (và đây cũng là nhiệm vụ đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị 42) nhưng việc không có sự phân biệt cần thiết giữa doanh nghiệp xuất bản với các loại hình doanh nghiệp kinh doanh khác khiến cho các chính sách dành cho xuất bản không phù hợp, đẩy doanh nghiệp nhà xuất bản vào khó khăn.

Câu chuyện giải thể của 2 nhà xuất bản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và tình trạng hoạt động yếu kém của hầu hết các doanh nghiêp nhà xuất bản với số tiền nợ thuế đất, tiền thuê nhà chục tỉ đồng là minh chứng rõ nét cho những bất cập nêu trên.

Chuyển hầu hết về loại hình sự nghiệp công lập có thu với lộ trình về tự chủ tài chính theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW hoàn toàn không phải là sự níu kéo tư duy bao cấp mà thực chất là để nhà xuất bản gắn kết hơn với kinh tế thị trường, trên cơ sở giải quyết những bất cập về cơ chế cho các doanh nghiệp nhà xuất bản, tạo điều kiện để các nhà xuất bản theo các loại hình khác nhau được hưởng cùng một “luật chơi”. Từ đó, Nhà nước có bước đi chính xác trong quy hoạch, đầu tư cho nhà xuất bản, còn bản thân nhà xuất bản cũng có điều kiện nhận thức đúng hơn về vị thế của mình, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và thích ứng với cơ chế thị trường.

Cũng xin nhấn mạnh, trong Thông báo Kết luận số 19-KL/TW, giải pháp chuyển đổi loại hình nhà xuất bản nêu trên được thực hiện đồng thời với nhiều giải pháp khác trong đó có việc xây dựng chính sách ưu đãi và cả việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản bảo đảm phù hợp, hiệu quả; kiên quyết giải thể các nhà xuất bản hoạt động yếu kém, có nhiều sai phạm. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch đầu tư và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ sớm có văn bản tháo gỡ vướng mắc này, thực hiện cho được lộ trình chuyển đổi trong năm 2019 theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-CP, từ đó từng bước sắp xếp lại hệ thống nhà xuất bản, tập trung nguồn lực đầu tư cho xuất bản hiệu quả nhất.

Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển xuất bản điện tử, bởi sách điện tử vừa là xu hướng phát triển chung của xuất bản thế giới, đồng thời cũng là phương thức hiệu quả nhất để công chúng dễ dàng tiếp cận sách.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 105/NĐ-CP về “Sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông”, trong đó có những điều chỉnh hết sức quan trọng về điều kiện xuất bản điện tử. Song, đó mới chỉ là sự khởi đầu. Để xuất bản điện tử phát triển cần nhiều yếu tố mà hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định bảo vệ bản quyền, thương mại điện tử cũng như các chính sách thuế, tài chính, từ đó tạo điều kiện cho nhà xuất bản phát triển sang loại hình xuất bản điện tử; các công ty sách tham gia đầu tư tích cực, mạnh mẽ hơn nữa phát triển thị trường sách điện tử.

Thứ ba, nghiên cứu, luật hóa các quy định về khuyến khích đọc sách, nhất là khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em.

Hiện trẻ em đang rất thiếu không gian, thời gian và các thiết chế cần thiết cho việc hình thành thói quen đọc sách. Những cố gắng riêng của ngành xuất bản hay nỗ lực vận động phát triển các phong trào đọc sách của một số tổ chức, cá nhân sẽ khó có kết quả cao nếu việc khuyến đọc không được luật hóa thành những quy định có tính ràng buộc.

Vì thế, cần thiết có các quy định pháp luật để đọc sách (ngoài sách giáo khoa) trở thành một yêu cầu bắt buộc cho việc học tập và hình thành nhân cách (thời lượng đọc có thể tăng dần theo các cấp đào tạo), đồng thời là các quy định cho phép phát triển hệ thống thư viện, nhất là thư viện trường học để trẻ dễ dàng tiếp cận sách, qua đó giúp trẻ từ phải đọc sách, cần đọc sách đến thích đọc sách và hình thành thói quen đọc sách.

Thư tư, tăng cường đầu tư cho hoạt động xuất bản, nhất là cơ chế đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác; quan tâm hình thành và phát triển hệ thống các quỹ hỗ trợ xuất bản trên cơ sở kết hợp giữa ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa từ cá nhân, doanh nghiệp; đặc biệt là quỹ mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế; hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.


 Thứ năm, hoàn thiện quy định, tăng cường mức đầu tư để nâng cao chất lượng Giải thưởng sách Quốc gia.

Việc phát triển các giải thưởng sách có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là việc động viên đội ngũ sáng tạo, tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cũng có nghĩa tạo được những tiền đề để có những bản thảo sách chất lượng, thu hút bạn đọc.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về ngân sách cũng như việc huy động các nguồn lực xã hội thì việc tập trung nâng cao chất lượng Giải thưởng sách Quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng để chính từ thành công của giải thưởng này sẽ dần hình thành một hệ thống các giải thưởng uy tín, chất lượng, dành được nhiều sự quan tâm của xã hội, qua đó cổ vũ, góp phần phát triển văn hóa đọc./.

Nguyễn Nguyên
Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất