Đảng Cộng sản Việt Nam bước lên vũ đài chính trị phải trải qua hàng chục năm đấu tranh gian khổ, hy sinh mới giành được quyền lực về tay nhân dân và được nhân dân lựa chọn ủy thác cho Đảng nắm nguồn quyền lực đó để lãnh đạo giai cấp, lãnh đạo dân tộc làm cách mạng giải phóng.
Điều này hoàn toàn khác với những nước tự do dân chủ trên thế giới, các đảng phái muốn giành quyền lực phải bằng các âm mưu “đảo chính” hay bằng các thủ đoạn tranh cử mới có. Sự hy sinh lớn lao của Đảng cũng chính là sự hy sinh lớn lao vô bờ bến của nhân dân. Vì thế, Đảng cần phải phân phối, sử dụng nguồn quyền lực một cách khoa học và thận trọng bằng cách phục tùng ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân” (2), cho nên “Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3). Đảng phải luôn tự giác trong thực thi quyền lực “vì lợi ích của nhân dân”. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhằm bảo vệ nguồn quyền lực chính trị và củng cố vững chắc địa vị cầm quyền của Đảng.
Trong điều kiện lịch sử mới, không gian chính trị được mở rộng, việc không ngừng củng cố và làm phong phú nguồn quyền lực là những vấn đề quan trọng đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần phải tập trung giải quyết.
Thứ nhất, xây dựng quan niệm đúng đắn về quyền lực. Quyền lực không phải là một thứ được ban cho từ bên ngoài xã hội và cũng không phải dễ dàng giành được. Muốn có quyền lực phải trải qua một thời kỳ đấu tranh gian khổ, rèn luyện bằng năng lực, trí tuệ và được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Vì thế, cần phải có quan niệm đúng đắn về quyền lực, mới có thể vận hành và thực thi đúng đắn quyền lực. Người nắm quyền lãnh đạo trong các tổ chức của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương nếu không có quan niệm đúng về quyền lực (bao gồm những quan điểm cơ bản về sử dụng quyền lực và nhận thức đối với tính chất, nguồn gốc và tác dụng của quyền lực) thì sẽ hành sự sai quyền lực và ắt sẽ làm trái với niềm tin tưởng, ủy thác của nhân dân.
Nguồn quyền lực của đảng cầm quyền bao gồm có quyền lực chính trị và quyền lực Nhà nước. Quyền lực chính trị thuộc về đảng chính trị hay lực lượng cầm quyền, quyết định những vấn đề quan trọng về chính trị, tổ chức và hoạt động của hệ thống hay của chế độ chính trị. Quyền lực Nhà nước là sự lãnh đạo chính trị đối với xã hội dựa vào sức mạnh của bộ máy Nhà nước, là công cụ thực hiện ý chí của giai cấp thống trị hoặc toàn thể nhân dân. Các quyền lực đó được thực hiện đồng thời, được kiểm soát thông qua các tổ chức bởi các chế ước cần thiết.
Do bản chất của quyền lực là bộ phận cấu thành nền chính trị, nên quyền lực vừa là một loại nguồn chính trị vừa là sức mạnh cơ bản “cưỡng chế về chính trị” để thực hiện mục đích của đảng cầm quyền. Trong hệ thống chính trị của Đảng, các tổ chức và cán bộ lãnh đạo các cấp đều nắm quyền lực nhất định, có sức mạnh chi phối trong phạm vi chức trách được giao.
Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập đã chính là chính đảng Mác - Lênin được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tổ chức khoa học, cơ cấu tổ chức chặt chẽ và kỷ luật tổ chức nghiêm minh đã giúp cho Đảng vận hành quyền lực cũng rất khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc. Trong thời kỳ giải phóng dân tộc, nhờ tính khoa học, thận trọng trong việc vận hành, sử dụng quyền lực mà Đảng ta hiệu triệu được toàn thể dân tộc tham gia vào các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, làm nên những chiến công hiển hách “lững lẫy năm châu”. Ngày nay, do nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ lạm dụng và tha hóa quyền lực, gây nên nhiều hậu quả trong Đảng và trong xã hội.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quyền lực của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã đều do nhân dân ủy thác cho”. Hiến pháp nước ta, ngay từ bản đầu tiên năm 1946 cho đến hiện tại đều khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Trong Điều lệ Đảng cũng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân”. Đó là bản chất chính trị của Đảng. Vì thế, khi nắm quyền lãnh đạo, nhất định phải gắn quyền lực với trách nhiệm chính trị. Quyền lực được giao đến đâu thì trách nhiệm chính trị đến đó, càng nhiều quyền lực thì càng có nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm với nhân dân.
Do đó, người lãnh đạo phải luôn luôn kiên trì với sự thống nhất giữa quyền lực, trách nhiệm và nghĩa vụ để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tiếp đến là, sự tín nhiệm chính trị. Do nguồn gốc quyền lực là của dân, được nhân dân ủy thác nên nhất thiết người nắm giữ quyền lực phải dành được sự tín nhiệm của quần chúng, của tổ chức. Đây cũng chính là một tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá hiệu quả việc sử dụng nguồn quyền lực lãnh đạo, và rộng hơn còn là thước đo cơ bản sự thành công hay thất bại trong công cuộc xây dựng Đảng. Tôn chỉ cơ bản của Đảng ta từ trước đến nay đều ghi rõ, Đảng toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, xây dựng niềm tin đối với nhân dân bằng những hành động thiết thực chứ không phải bằng “những lời hứa suông”. Không có niềm tin với nhân dân, ắt sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà nhân dân ủy thác.
Một thuộc tính nữa không thể thiếu trong vận hành quyền lực là tính tự giác chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng trước hết thể hiện ở sự nắm giữ quyền lực Nhà nước và sự lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Cán bộ lãnh đạo nếu không tự mình hết sức thận trọng, tự giác khi sử dụng quyền lực, không gương mẫu chấp hành pháp luật, để cho đặc quyền vượt qua các chế ước giám sát thì sẽ bị các đặc quyền đó cám dỗ, dẫn đến tha hóa. Vì vậy, dù nắm giữ quyền lực to hay nhỏ, cán bộ đều luôn phải tỉnh táo, tự giác giữ mình trong khuôn khổ, tự giác tiếp nhận sự giám sát của các tổ chức Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chỉ có như vậy, mới không bị danh lợi trói buộc và ham muốn dụ dỗ, không bị tha hóa trước quyền lực.
Thứ hai, xây dựng chế ước đủ mạnh để hạn chế quyền lực và tăng cường giám sát đối với quyền lực. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chỉ ra, muốn có dân chủ, thì “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đảng ta cũng quy định như vậy: “Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Trong vận hành quyền lực, điều đó càng phải được coi trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Việc kiểm soát quyền lực, cần phải nhốt quyền lực trong cái lồng kiên cố. Cái lồng kiên cố ở đây chính là quy chế lập pháp”. Điểm mấu chốt nhất và khó khăn nhất ở chỗ là làm thế nào để cán bộ nắm giữ quyền lực, ai ai cũng được, hoặc phải được nhốt trong cái “lồng” kiên cố ấy? Đảng đã có Điều lệ, có Quy định 19 điều Đảng viên không được làm và gần đây có Quy định nêu gương đối với cán bộ lãnh đạo, nhưng dường như vẫn còn rất cần những chế ước cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn đối với việc kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát quyền lực.
Thực tiễn đã nhiều lần chứng minh, nếu quyền lực mà không được chế ước hoặc chế ước lỏng lẻo đều có khả năng bị lạm dụng. Sự thực, trừ một số vĩ nhân, được nung nấu bởi lòng tin rằng họ được giao phó sứ mệnh để thực hiện quyền lực mà không màng tưởng những phần thưởng danh lợi, còn đa số con người đều có bản tính là đam mê quyền lực cùng với những ước muốn, thậm chí “vô hạn định”. Vì thế, khi có quyền lực, con người hay có xu hướng lạm quyền. Đó là một trong những rủi ro rất nguy hiểm của tổ chức, xã hội nếu không có các chế ước giám sát chặt chẽ. Nhiều nhà khoa học về quản lý đã tìm ra các quy luật về vận hành quyền lực. Muốn chế ước, giám sát được quyền lực phải nắm vững các quy luật đó.
Thứ nhất, quy luật tác dụng hai mặt của quyền lực. Nếu quyền lực được sử dụng đúng thì mang lại lợi ích cho tổ chức, cho xã hội. Ngược lại, nếu quyền lực bị lạm dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân, hay để phục vụ một “nhóm lợi ích” thì nguy cơ tổn hại cho Đảng, cho tổ chức, xã hội và nhân dân là khôn lường. Thứ hai, quy luật chế ước quyền lực. Do quyền lực có quyền định đoạt và sức mạnh “cưỡng chế” cùng với tính không “đối đẳng” trong khi thực hiện quyền ấy, nếu không được chế ước, quyền lực sẽ dễ bị sử dụng “không hạn chế” để thỏa mãn những ước muốn “vô hạn định” của con người. Thứ ba, quy luật giám sát quyền lực. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đưa ra cảnh báo tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Một trong những nguyên nhân cơ bản để xảy ra tình trạng đó được Trung ương xác định là: “Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”(4). Để khắc phục tình trạng trên, Trung ương đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về “cơ chế kiểm soát quyền lực” được xác định là rất quan trọng. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu, cần tập trung: “Rà soát, hoàn thiện cơ chế giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền”. Thực tế cũng đã chứng minh, khi nào và ở đâu công tác kiểm tra, giám sát quyền lực được cấp ủy, chính quyền quan tâm thì ở đó tinh thần dân chủ được nâng cao, việc lạm dụng chức quyền bị hạn chế. Còn ở đâu sự kiểm tra, giám sát lỏng lẻo thì ở đó mất dân chủ, nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, là cơ hội cho “nhóm lợi ích” hoành hành, quyền lực bị lạm dụng.
Trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế và nhiều vụ việc khác gây bức xúc dư luận xã hội trong những năm qua xuất phát từ sự lạm dụng chức quyền, đều có nguyên nhân do sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ về chế ước và cơ chế giám sát quyền lực. Vì thế, chưa đủ mạnh để răn đe, xử lý kịp thời, thích đáng sự tha hóa lạm dụng quyền lực. Nếu không có chế ước đồng bộ, không có cơ chế giám sát chặt chẽ bằng sức mạnh của tổ chức, của hệ thống và của dư luận xã hội thì không thể bảo đảm quyền lực được sử dụng theo đúng quỹ đạo đúng đắn của nó.
Quan niệm đúng đắn về quyền lực, nắm vững các thuộc tính và quy luật vận hành quyền lực, tự giác thực hiện các chế ước và sự giám sát đối với quyền lực là những yêu cầu cấp thiết của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có tầm ảnh hưởng quan trọng trong tổ chức và xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng với sự đoàn kết nhất trí của toàn đảng, toàn dân, sự quyết tâm của toàn hệ thống, nhất định nguồn quyền lực chính trị của Đảng sẽ được kiểm soát và ngày càng được xây dựng phong phú hơn, góp phần củng cố vững chắc hơn vai trò cầm quyền của Đảng./.
PHƯƠNG VINH
Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo in số tháng 4 năm 2019
________________
(1) Trung tâm từ điển học: Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, H. 1994, tr.786.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.7, tr.434.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t.5, tr.232.
(4) Báo Nhân dân, ngày 30-10-2016.