Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công (7/11/1917), nước Nga
Xô-viết không những phải đối mặt với nguy cơ xâm lược của 14 nước đế
quốc câu kết với nhau mà còn phải đối phó với tình trạng một bộ phận cán
bộ, đảng viên mắc bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, các phần tử cơ hội tìm
cách chui vào bộ máy Đảng và Nhà nước để trục lợi, tệ quan liêu, tham
nhũng, hối lộ tràn lan... Tình hình đó đặt ra yêu cầu cần kíp đối với
Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô-viết phải tăng cường xây dựng tiềm lực mọi
mặt để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
V.I.Lênin nhấn mạnh: Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn
khó hơn. Để bảo vệ và xây dựng chính quyền Xô-viết vững mạnh, Người đặc
biệt coi trọng vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ
cho đội ngũ đảng viên cộng sản.
Theo quan điểm của V.I.Lênin, trình độ
lý luận cách mạng là một thành tố quan trọng nhất của bản lĩnh chính trị
người đảng viên cộng sản. Bởi, nếu không có lý luận cách mạng soi đường
sẽ dẫn đến nguy cơ sai lầm về đường lối và nguy cơ quan liêu, thoái hóa
biến chất trong đội ngũ đảng viên. Người khẳng định: “Không thể có một
đảng xã hội chủ nghĩa (XHCN) vững mạnh, nếu không có lý luận cách mạng
để đoàn kết tất cả những người XHCN lại, để họ rút ra từ trong lý luận
đó tất cả những tín điều của họ và đem áp dụng lý luận đó vào những
phương pháp đấu tranh và phương pháp hành động của họ”(1).
V.I.Lênin
cũng chỉ rõ: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm
giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà
nhân loại đã tạo ra”(2). Con đường nâng cao bản lĩnh chính trị và “trí
tuệ hóa” đội ngũ đảng viên cộng sản, bên cạnh sự tác động tích cực của
tổ chức, đòi hỏi mỗi người cộng sản phải ra sức tự học tập và tự rèn
luyện.
Trong xây dựng đảng cầm quyền, V.I.Lênin cảnh báo về nguy cơ một bộ
phận đảng viên nắm giữ chức, quyền lãnh đạo không giữ vững được bản lĩnh
chính trị, xa rời mục tiêu lý tưởng của đảng, đặc biệt mắc bệnh “mù lý
luận”… Người yêu cầu những người cộng sản phải luôn kiên định, giữ vững
bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” để “tẩy
sạch” ra khỏi tổ chức của mình tất cả phần tử thoái hóa, biến chất nhằm
làm trong sạch nội bộ đảng và nhà nước.
Theo V.I.Lênin, bản lĩnh chính trị của người cộng sản không chỉ biểu
hiện ở sự trung thành tuyệt đối với cương lĩnh chính trị, đường lối
chiến lược, sách lược của đảng cộng sản cầm quyền, mà còn được thể hiện
trong đấu tranh tự phê bình và phê bình một cách thẳng thắn, trung thực.
Từ thực tiễn xây dựng chính quyền Xô-viết, V.I.Lênin đã chỉ huấn sâu
sắc: Mỗi người cộng sản nếu có bản lĩnh chính trị và lập trường cách
mạng kiên định, có trình độ trí tuệ, không tự bôi nhọ đạo đức, thanh
danh của mình, thì không một thế lực phản động nào có thể xóa bỏ được
vai trò và uy tín của người cộng sản cũng như của đảng cộng sản cầm
quyền.
Trong điều kiện mới của nước ta, thời cơ và vận hội ngày càng lớn,
nhưng khó khăn và thách thức cũng không ít. Có những nguy cơ, thách thức
còn tiếp tục đe dọa nền hòa bình, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn
xã hội và định hướng phát triển XHCN của nước ta.
Hiện nay, các thế lực
thù địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc hòng phủ nhận nền tảng tư tưởng
của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chúng không
ngớt luận điệu đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp 2013 của nước ta; gây
áp lực đòi Đảng ta phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập;
cổ xúy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân…
Vì vậy, đòi hỏi
mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản
lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; không dao
động trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Chấp hành nghiêm các nguyên
tắc tổ chức căn bản của Đảng; nâng cao cảnh giác cách mạng, ngăn ngừa và
kiên quyết khắc phục những lệch lạc, sai lầm cả trong nhận thức và hành
động để bảo vệ vai trò, uy tín chính trị của Đảng ta.
Bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của người cán bộ, đảng viên
không tự nhiên mà có; nó được hun đúc, hình thành, thử thách và nâng cao
qua hoạt động thực tiễn.
Trong Báo cáo chính trị Đại hội XII, Đảng ta
đã nêu rõ: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của
toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo,
quản lý chủ chốt các cấp”(3). Do đó, việc tiếp tục quán triệt sâu sắc và
đẩy mạnh vận dụng thực hiện quan điểm của Đảng vào thực tiễn của mỗi tổ
chức, đoàn thể chính trị-xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, cũng chính là
biểu hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của
V.I.Lênin về nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của người
cộng sản, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị,
tư tưởng, tổ chức và đạo đức./.
_________________________
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Moscow, 1978, t.4 tr.232.
(2) V.I.Lênin: Sđd, t. 41, tr.362.
(3) Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn
kiện Đại hội XII của Đảng, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
trình bày tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của
Đảng.
Nguyễn Đức Thắng (qdnd.vn)