Về những bất cập trong đời sống âm nhạc hiện nay, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
- Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà nước Việt Nam đã có những chiến lược đúng đắn về phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp với phương châm “khoa học dân tộc đại chúng”, trong đó rất coi trọng vị trí của âm nhạc không lời (thính phòng, giao hưởng). Chỉ mấy năm sau khi hòa bình lập lại (1954) chúng ta đã thành lập được một dàn nhạc giao hưởng quốc gia với biên chế hơn một trăm nhạc công. Hồi đó chúng ta đã dàn dựng được những tác phẩm kinh điển của thế giới như vở nhạc kịch (oprera) Evghenhi Onhegin, chơi được cả những bản giao hưởng như Giao hưởng số 6 của Bethoven, hay dựng vở nhạc kịch “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên...
“Biên chế” đầy đủ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thời kỳ đầu đã đạt chuẩn quốc tế, với hàng trăm nhạc công, ca sĩ solo và dàn hợp xướng. Trong ảnh là Dàn nhạc biểu diễn với sự chỉ huy của nhạc trưởng Thôi Long Lân.
Khi đó, về mặt sáng tác, chúng ta đã có nhiều thành tựu mới. Ngoài những ca khúc bất hủ trong kháng chiến chống Pháp, đã xuất hiện các tác phẩm quy mô lớn như: giao hưởng “Quê hương” 4 chương của Hoàng Việt, các vở opera “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận, “Bên bờ Krôngpa” của Nhật Lai, “Bông sen” của Lưu Hữu Phước và Hoàng Việt, tổ khúc “Ông Gióng” viết cho dàn nhạc dân tộc của Nguyễn Xuân Khoát, thơ giao hưởng “Đồng khởi” của Nguyễn Văn Thương…
Chúng ta cũng đã có những nghệ sĩ biểu diễn tài năng trong dòng nhạc này như NSUT Phan Phúc, NSND Tạ Bôn, NSND Bích Ngọc (violin), Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My (piano)... Tiếp nối thế hệ này đã có Đặng Thái Sơn (giải nhất Concour Chopin năm 1980), Tôn Nữ Nguyệt Minh, Đỗ Phượng Như, Bùi Công Duy... Có thể nói bức tranh âm nhạc của Việt Nam khoảng hơn 30 năm trở về trước đã hoành tráng và rực rỡ.
Chúng ta đã có những hướng đi đúng trong vấn đề hội nhập quốc tế. di sản văn hoá dân tộc, trong đó có âm nhạc (quan họ, chèo, tuồng…) và những tài năng biểu diễn của chúng ta đã được thế giới biết đến. Chúng ta đã biết đặt âm nhạc hàn lâm ở vị trí đỉnh cao và ưu tiên chiến lược phát triển hài hòa cùng với âm nhạc dân tộc và ca khúc (vốn là sở trường)
- Theo nhận định của ông, đời sống âm nhạc hiện nay đang mất cân đối, ông có thể nói rõ hơn?
- Đúng là nền âm nhạc nước ta trong khoảng 20 năm trở lại đây đang có biểu hiện chững lại, thậm chí là tụt hậu, có nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp. Hiếm có những tác phẩm vang dội trong công chúng. Âm nhạc chỉ có ca khúc là chính, thiếu đi mảng khí nhạc (hoà tấu nhạc cụ dân tộc, thính phòng giao hưởng …). Mà ca khúc thì nặng về ca khúc đại chúng (pop), thiếu đi những bản romance (ca khúc nghệ thuật), những ca khúc pop thường dễ dàng về ca từ, đôi khi buông tuồng thô thiển, vai trò giai điệu bị lu mờ, mất đi sự độc đáo hấp dẫn của âm nhạc. Hình thành một lớp ca sĩ, nhạc sĩ tự phong, viết ca khúc mà không hề biết tới hoà thanh, phối khí … Thế nhưng có vẻ như họ lại đang “làm mưa làm gió” trên các sân khấu ca nhạc và trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trong điều kiện chiến tranh và gian khó, nhưng vẫn có chỗ cho biểu diễn nhạc thính phòng giao hưởng.
Những năm gần đây, chúng ta thiếu sự đầu tư cho thể loại âm nhạc kinh điển- bác học từ khâu sáng tác, biểu diễn đến quảng bá. Các đơn vị nghệ thuật hoạt động trong dòng nhạc này phải chật vật xoay xở và hết sức khó khăn.
- Nguyên nhân của sự mất cân đối này, theo ông là ở đâu?
Sự thay đổi về tâm lý xã hội trong cơ chế thị trường đã khiến cho một bộ phận công chúng (đặc biệt là công chúng trẻ) lãng quên những giá trị cũ. Sự bất bình đẳng trong đời sống âm nhạc đang tồn tại. Chúng ta quên những thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ lớp trước, lãng phí những tài năng mới và có phần hời hợt với những tác phẩm có giá trị lâu dài. Điều đó lý giải vì sao âm nhạc đỉnh cao của chúng ta không đủ điều kiện để phát triển, vì không được ghi nhận đúng mức, gây ra tâm lý thờ ơ không còn mặn mà sáng tạo như trước kia.
Trong các ngày 7 ,8 ,9 tháng 7 năm 2010 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ VIII. Đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp quan trọng của giới âm nhạc Việt Nam.
|
Tôi cho rằng ở đây có trách nhiệm của những nhà quản lý. Thái độ cào bằng, đầu tư không có trong điểm, ưu đãi không có trọng tâm, không có chiến lược đầu tư đỉnh cao và kết quả là chúng ta sẽ không có những tác phẩm lớn, tên tuổi lớn.
- Thưa nhạc sĩ, ông cho rằng, âm nhạc của chúng ta hai mươi năm qua đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là thụt lùi, và có nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp?
- Cách đây 15 năm, chúng tôi đi dự một festival âm nhạc ở Thái-lan. Lúc đó trình độ của bạn đang rất yếu. Chúng tôi mang một tốp nghệ sĩ biểu diễn thính phòng-giao hưởng sang, và họ phải nhờ các nhạc công của Việt Nam chúng ta chơi hộ một số tiết mục. Bây giờ quay lại, thì dàn nhạc của họ đã phát triển mạnh hơn nhiều và hoạt động hết sức chuyên nghiệp. Trước đây, nếu so với các nước trong khu vực, chúng ta nhỉnh hơn nhiều về trình độ sáng tác và biểu diễn trong dòng nhạc hàn lâm. Nhưng bây giờ thì chúng ta nhìn họ mà mơ ước.
Cũng chỉ cách khoảng 20 năm về trước thôi, những người làm nhạc luôn phải tuân thủ những chuẩn mực khắt khe. Chẳng hạn việc đệm nhạc cho người hát là cả một dàn nhạc sống với đủ loại nhạc cụ. Còn bây giờ phần lớn chỉ dùng nhạc đệm trên băng đĩa thu sẵn, hoặc chỉ một chiếc đàn keyboard.
Thêm một ví dụ: Trong thời kỳ chiến tranh gian khó, Xưởng phim truyện Việt Nam thôi đã đầu tư xây dựng hẳn một dàn nhạc giao hưởng để phục vụ công việc thu nhạc cho phim. Còn bây giờ, nhạc phim chỉ cần một cái đàn organ. Vậy là chúng ta đang tiến lên hay thụt lùi?
Những ngày đầu của Dàn hợp xướng 120 người (năm 1961).
Tôi còn có một băn khoăn là chúng ta đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng những sân vận động lớn, những cung thể thao, nhà thi đấu hiện đại, nhưng tuyệt nhiên không có công trình nào đúng nghĩa dành cho biểu diễn âm nhạc. Trong suốt thế kỷ 20, hầu như chúng ta không xây thêm một phòng hòa nhạc nào đủ tiêu chuẩn. Công trình duy nhất là Nhà hát Lớn do người Pháp xây dựng từ năm 1911 tại Hà Nội, qua nhiều lần trùng tu đã làm mất đi những yếu tố âm thanh học (accustic). Có một nhận thức không đúng mà vẫn cứ tồn tại mãi, đó là việc đưa công cụ phóng thanh vào nhà hát cho bất cứ loại hình nghệ thuật gì. Chương trình giao hưởng thính phòng cũng như hát ben calto không thể dùng công cụ phóng thanh được. Nhiều người nước ngoài ngạc nhiên khi vào Nhà hát Lớn thấy chúng ta dùng micro và loa!
Và chúng ta cũng đang đối xử với Nhà hát Lớn như một công trình văn hóa tổng hợp, đưa đủ loại hình nghệ thuật, ca nhạc tạp kỹ vào đây, thậm chí có lúc còn cả phục vụ đám cưới!
- Thực tế đó cũng có phần nguyên nhân là để đáp ứng sự thay đổi của thị hiếu công chúng, âm nhạc cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, phải thích ứng để tồn tại?
- Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trên Đài tiếng nói Việt Nam đã có những chương trình giao hưởng thính phòng cùng sự dẫn giải cho người nghe rất được thính giả tán thưởng. Đừng trách vì sao bây giờ công chúng chỉ biết nghe nhạc pop. Chúng ta thử xem lại trong chương trình đào tạo, từ bậc tiểu học, các em bé có được dạy để nghe nhạc cổ điển hay không? Trong khi đó, đầy rẫy trên các phương tiện thông tin đại chúng là những ca khúc lai Hàn, lai Thái, chất lượng nghệ thuật rất thấp.
Một buổi trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna.
Từ các trường nhạc, mỗi năm chúng ta đào tạo hàng trăm nhạc sĩ, nhạc công biểu diễn, nhưng trong số họ có bao nhiêu người được làm nghề? Một sự lãng phí kinh khủng. Mà điều đó lại có một nguyên do từ sự lãng phí khác: chúng ta đào tạo nhạc sĩ, nhạc công, nhưng lại hoàn toàn bỏ trống khâu đào tạo người nghe, đào tạo công chúng cho âm nhạc. Rồi chúng ta lại đổ lỗi cho thị hiếu công chúng, biện minh cho việc “nghiệp dư hóa” các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp?
- Vâng, thưa nhạc sĩ, ông có thể chia sẻ những kiến nghị của ông, với tư cách là người đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam trước những bất cập trong đời sống âm nhạc hiện nay? Đặc biệt là những chính sách đối với nghệ sĩ trong dòng nhạc hàn lâm?
- Nhà nước cần có một chiến lược đầu tư lâu dài và toàn diện để phát triển nền âm nhạc dân tộc. Dựa trên thế mạnh của ta là ca khúc, vươn tới nền khí nhạc chuyên nghiệp có tính quốc tế với những nghệ sĩ biểu diễn trình độ cao đại diện cho Việt Nam trên sân khấu âm nhạc thế giới.
Trước đây chúng ta đã có được những tác phẩm nhạc kịch, thính phòng giao hưởng đậm chất dân tộc Việt, chúng ta cần có chính sách khuyến khích sáng tạo những tác phẩm âm nhạc kinh điển bác học. Phải có đầu tư chiều sâu và cấp kinh phí thoả đáng để dàn dựng, biểu diễn. Theo tôi cũng nên thành lập một kênh truyền hình âm nhạc và có chiến lược quảng bá, tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, trang bị kiến thức âm nhạc cho công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới là chỗ dựa vững chắc để chúng ta chấn chỉnh lại những lệch lạc, thiếu sót vừa qua bằng những chính sách cụ thể. Từ đó đưa đời sống âm nhạc trở lại cân bằng và phát triển hài hoà, phong phú đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của công chúng, góp phần nâng cao vị thế nền âm nhạc Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế
- Vâng, xin cám ơn nhạc sĩ.
Theo Nhân Dân điện tử