Chọi trâu, khăn Piêu… lên sân khấu múa
Sau nhiều lần lỡ hẹn, thì cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc cũng được ngành múa quyết tâm tổ chức. Tuy là lần đầu, nhưng các nghệ sĩ đã có tinh thần chuẩn bị “thi đấu”. 43 tác phẩm múa, tuy là con số nhỏ so với 54 dân tộc anh em cùng rất nhiều lễ hội, điệu múa trải dài trên đất nước Việt Nam, nhưng cũng là sự cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo và dàn dựng để đưa lên sân khấu chuyên nghiệp là điều đáng cổ vũ.
Lần đầu tiên công chúng của múa được mãn nhãn với những sáng tạo mang hơi thở cuộc sống của đồng bào các dân tộc Mông, Cao Lan, Lô Lô, Pa Dí, Kh’Mú, Chăm, Giáy, Thái, Dao, Tày, Ê Đê, Pa Cô…Bởi thế mà 3 buổi diễn trong hai ngày cuối tuần qua ở sân khấu Nhà hát Âu Cơ (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) đều chật kín khán giả.
Với “Men say thắng cố”, Đoàn nghệ thuật Cao Bằng biểu diễn, do Trần Thị Thanh biên đạo khai thác nét dân dã đáng yêu của người Mông. Bởi ai biết đến dân tộc Mông, sẽ biết đến chợ tình Khau Vai, chợ tình Sa Pa…
Nhưng sáng tạo của Trần Thị Thanh về nét đẹp của người Mông trong chợ tình không phải là các điệu múa trong chợ tình, mà chỉ một chi tiết nhỏ trong cái chợ tình đầy màu sắc đó là men say. Theo biên đạo Trần Thị Thanh, trước chị đặt tên cho tác phẩm của mình là “Chợ tình”, nhưng làm không tới, sau phải chuyển sang thành “Men say thắng cố”. Vì ai cũng biết, nét đẹp chợ tình của dân tộc Mông đã không còn giữ được như xưa, thậm chí là chợ tình ở Sa Pa có thể khẳng định là đã mất, và vô hình chung từ một sinh hoạt văn hóa truyền thống nó đã biến thành thứ hàng hóa. Nhưng khi Trần Thị Thanh chuyển “Chợ tình” sang “Men say thắng cố” thì được đông đảo các nhà phê bình, nghiên cứu múa đánh giá là thành công. Trên chất liệu múa “Men say thắng cố” diễn tả được cái có thực, đang tồn tại trong cuộc sống của người Mông, dù kỹ thuật chưa khai thác và lột tả hết được ý nghĩa của nó.
Điệu múa Tây Nguyên có “Nữ thần đen” - biên đạo Trần Ly Ly, “Lễ trưởng thành” - Lê Thụy Thúy Loan đều được đánh giá là những tác phẩm mang đến không khí cuồng nhiệt, dân dã bởi sự mạnh mẽ trong tiết tấu động tác và có đầu tư về âm nhạc. “Nữ thần đen” được nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác ca khúc về Tây Nguyên - Nguyễn Cường viết nhạc.
“Kháp ông trâu”, tác phẩm lấy cảm hứng từ lễ hội chọi trâu nổi tiếng của Đồ Sơn, Hải Phòng, chất liệu múa người Kinh do Nguyễn Văn Dũng biên đạo, Đoàn nghệ thuật Quân chủng Hải quân mang lại sự hào hứng cho khán giả. Tác phẩm “Cút Piêu-Cút Tình” của biên đạo Hồ Thanh Thanh dựa trên điệu múa của các thiếu nữ Thái được NSND Lê Ngọc Cường đánh giá là tác phẩm có kết cấu khéo, có sáng tạo, rất gần gũi với đời sống không chỉ của người dân tộc Thái, mà công chúng xem cũng cảm nhận được nét tinh tế của điệu múa này. “Đêm trăng bên cối gạo mới” lại được Phan Duy Hưng biên đạo dựa trên lễ hội rất độc đáo của miền trung du phía Bắc, lễ hội linh tinh tình phộc của nhân dân Phú Thọ.
Đâu là bản sắc?
“Xem một bộ trang phục của người Mông, mà thấy sao giống Trung Quốc, tôi không thích. Rất tiếc, tình trạng này lại xuất hiện rất nhiều ở cuộc thi này”-Nhà lý luận phê bình múa Thái Phiên trăn trở.
Quả thực, những trang phục của các nghệ sĩ, diễn viên trên sân khấu ở cuộc thi múa lần này đã bắt mắt khán giả. Nhưng với những người trong nghề, thì lại là điều đáng lo ngại. Trang phục đẹp, nhưng lai tạp, điểm xuyến quá nhiều sẽ làm mất đi vẻ đẹp dân dã-vốn là bản sắc của dân tộc ấy.
Thứ nữa là phần âm nhạc, nhạc và múa chưa kết hợp hiệu quả. Nghệ sĩ Thái Phiên nhận định, dường như các nhạc sĩ mới chỉ dừng ở việc làm nhạc theo đơn đặt hàng, nên viết ẩu. Dẫn đến chuyện, múa thì là chất liệu của dân tộc này, nhưng nhạc lại của dân tộc khác.
Điểm đặc biệt nhất của cuộc thi lần này, là múa dân tộc. Tiêu chí đặt ra để chấm điểm các tác phẩm là “Sáng tạo nhưng không được xa lạ, đậm chất dân tộc nhưng phải mới mẻ” - NSND Ứng Duy Thịnh, Trưởng ban giám khảo khẳng định.
Tuy nhiên, theo NSND Lê Ngọc Cường, đây không phải là một cuộc thi múa dân gian - dân tộc mà là cuộc thi sáng tạo tác phẩm múa dựa trên chất liệu dân tộc. Bởi vậy không thể xem nhẹ sự phát triển, sáng tạo của các biên đạo.
Mở ra cuộc thi, cũng là mong muốn tìm ra những tác phẩm hay, ấn tượng. Nhưng theo nhận định của nghệ sĩ Thái Phiên, không tìm được tác phẩm nào thực sự xuất sắc. Có tác phẩm được mặt này, tác phẩm kia được mặt khác. Những phút đầu của “Kháp ông trâu” gây hào hứng cho người xem, thì phần kết lại nhạt, những tình tiết chưa vào múa mà trở thành công thức của một lễ hội chọi trâu, khi thắng trận, trâu được tung hô.
Dành được nhiều cảm tình của công chúng và người làm nghề đánh giá cao nhưng “Nữ thần đen”của Trần Ly Ly vẫn bị xem là một tác phẩm không phù hợp với tiêu chí cuộc thi bởi sự pha trộn trong ngôn ngữ. Những điệu múa hoang dại, dân dã của đồng bào Tây Nguyên, dù kết hợp nhuần nhuyễn cùng nhạc của Nguyễn Cường công phu sáng tác, tác phẩm vẫn bị coi là quá hiện đại với việc đi sâu vào lắc đầu, lắc tóc… giống kiểu múa của thổ dân châu Úc.
Tuy nhiên, kết thúc mộc cuộc thi tài năng, chắc hẳn BTC cũng tìm ra cái được. Theo đánh giá, thì cái được nhất là cuộc thi đã lộ diện nhiều gương mặt biên đạo trẻ, một vài trong số họ thậm chí vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường. Có thể kể đến Kim Oanh, Vũ Phương Nam, Mai Anh (Yên Bái), Nguyễn Văn Dũng (Hải quân), Kim Dung (Quân khu I), Ma Hương Lan, Mai Linh, Minh Hằng, Thuý Nga (Trường đại học VHNT Quân đội), Tuyết Mai, Thuý Loan (Đác Lắc)…
Họ là những gương mặt dám tìm tòi, dám sáng tạo và thử nghiệm thành công dù ít-nhiều trên sân khấu múa chuyên nghiệp. Chứng tỏ sự say mê và khát vọng sáng tạo trên chất liệu múa dân tộc của các biên đạo trẻ trong đời sống hiện nay chưa bao giờ vơi cạn.
NSND Lê Ngọc Cường cho rằng, sự kế tiếp thế hệ này là kết quả của việc đầu tư, chăm chút cho thế hệ trẻ mà Hội Nghệ sĩ múa đã thực hiện bài bản trong nhiều năm gần đây. Điều này đáp ứng được sự đòi hỏi của phát triển.
Cuộc thi có sự gặp gỡ của nhiều thế hệ. Là một bước phát triển mới của múa chuyên nghiệp dòng múa dân tộc. Nhưng để chuyên nghiệp hơn dòng múa này, làm thế nào để không bị lai căng, pha tạp thì vẫn là câu hỏi lớn cho tài năng sáng tạo của các nghệ sĩ./.
Kết quả cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam
4 giải A: Đêm trăng bên cối gạo mới-biên đạo Phan Duy Hưng, Men tình-NSƯT Kim Chung, Cút Piêu-Cút Tình-Hồ Thanh Thanh và Kháp ông trâu-Nguyễn Văn Dũng.
5 giải B: Hoa đất-NSƯT Hiền Trang, Vấn vương tơ trời-Trần Bích Lan, Men say thắng cố-Trần Thị Thanh, Trưởng thành-Ma Thị Hương Lan và Biển gọi-Nguyễn Tuấn Ngọc.
Trao giải C cho 11 tác phẩm khác. |
(Theo: Việt lam/ND)