Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 29/5/2010 8:40'(GMT+7)

Về quan điểm ”Văn hoá nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Như chúng ta đều biết, từ năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Hồ Chí Minh đã có thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951. Trong bức thư quan trọng này, Người viết: “Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Sau đó, gần cuối thư, hình như đoán biết những băn khoăn của một số người, Hồ Chí Minh khẳng định thêm: “Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(1). Từ bức thư đó, lâu nay chúng ta đã nói nhiều về quan điểm “văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Đó là một quan điểm chỉ đạo đường lối xây dựng và phát triển văn hoá, nghệ thuật hết sức quan trọng của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cho đến hôm nay. Quan điểm chỉ đạo ấy đã được đề cập từ Đề cương văn hoá Việt Nam, 1943, với sự khẳng định: “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá), ở đó người cộng sản phải hoạt động“. Hơn nữa, Đề cương... còn viết: “Không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã nêu thành một trong năm quan điểm chỉ đạo cơ bản của nền văn hóa mới: “Văn hoá là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng”. Nghị quyết ra đời năm 1998 tức sau khi đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện. Cho đến nay, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) vẫn là một văn kiện quan trọng thể hiện những quan điểm chỉ đạo cơ bản về đường lối, quan điểm phát triển văn hoá, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, khi nói đến quan điểm “văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận” trích trong thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951, nhiều người thường không thấy ở bức thư này có hai quan điểm cơ bản mà phải đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta mới thấy hết. Đó là quan điểm: “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Chính quan điểm đó mới là nền tảng lý luận cơ bản của văn hoá theo nghĩa rộng, không chỉ có văn học, nghệ thuật mà bao gồm hết thảy những hoạt động khác, như một định nghĩa nổi tiếng về khái niệm văn hoá của Hồ Chí Minh.

Nói về phạm vi và ý nghĩa văn hoá, Hồ Chí Minh viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(2).

Để nói rõ phạm vi xây dựng nền văn hoá dân tộc, Người còn trình bày cụ thể hơn năm điểm lớn :

1.Xây dựng tâm lý: lý cách, tinh thần độc lập tự cường.

2.Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4.Xây dựng chính trị: dân quyền.

5.Xây dựng kinh tế.

Năm điểm lớn đó có thể xem là nền tảng lý luận cơ bản của nền văn hoá dân tộc ta mà sau này có lần Hồ Chí Minh nhắc lại: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) đặt lên hàng đầu quan điểm: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Như vậy là, vấn đề văn hoá tuy vẫn là một trong bốn vấn đề được coi trọng ngang nhau của sự nghiệp kiến thiết nước nhà, nhưng nó đã được hiểu theo nghĩa rộng, xem là nền tảng tinh thần của xã hội, có khả năng tạo nên động lực cho sự phát triển mọi mặt cuộc sống xã hội cũng như sự phát triển con người mang nhân cách văn hoá.

Có được sự nhận thức trên về vị trí, vai trò của văn hoá là cả quá trình lâu dài, không chỉ thông qua những thể nghiệm trong thực tiễn chiến đấu và xây dựng đất nước ta, mà còn có cả sự đóng góp của rất nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá trên thế giới, đặc biệt hơn phải nói đến Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá (1987-1998) do UNESCO phát động.

Nhưng, ở nước ta, với tầm trí tuệ sâu sắc và mẫn cảm khi tiếp nhận những giá trị văn hoá, văn minh nhân loại trong quá trình hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã thấy trước rất lâu và nói rõ nhiều lần về quan niệm văn hoá theo nghĩa rộng, không chỉ trong định nghĩa về khái niệm văn hoá mà cả trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất ở Hà Nội tháng 11 năm 1946, đặc biệt trong câu nói cụ thể ở bức thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951. Song, có thể vì hoàn cảnh đất nước trước đây còn kháng chiến, cũng có thể do nhận thức chưa đủ tầm, chúng ta chỉ khai thác một vế: Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận; còn một vế quan trọng khác: Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị, thì hầu như ít thấy nói, mà thực ra đó mới là vế phản ảnh quan điểm lý luận cơ bản nhất, quan điểm xem văn hoá theo nghĩa rộng, để từ đó xác định văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin viễn thông, xuất hiện nền văn minh mới và có cả sự nhân danh văn hoá ở hầu hết các lĩnh vực cuộc sống và cả sự ra đời quan điểm về “sức mạnh mềm”..., thì văn hoá dần dần được hé mở những “bí ẩn không cùng“ của nó. Văn hoá ngày nay đã có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực quan trọng nhất và cả những lĩnh vực bình thường nhất của cuộc sống, đồng thời nó cũng tạo nên những sóng gió hết sức quyết liệt đối với mỗi người ở mọi quốc gia dân tộc.

Nhưng, đối với Hồ Chí Minh, có thể do sự mẫn cảm bẩm sinh của Người, cũng có thể do quá trình thể nghiệm trong sự nghiệp tìm đường cứu nước của Người, văn hoá đã thực sự trở thành nguồn gốc sức mạnh, thành vũ khí sắc bén, thành mặt trận theo nghĩa đen trong quá trình đấu tranh với kẻ thù xâm lược, quá trình tìm đường cứu nước và quá trình lãnh đạo đất nước ta chiến thắng kẻ thù, kiến thiết đất nước. Nhìn lại những hoạt động của Người từ khi bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng, chúng ta có thể thấy những hoạt động cũng như những sản phẩm văn hoá của Người, trong đó có những sản phẩm mang tính chính trị, có sản phẩm mang nội dung học thuật và cả sáng tác văn học, nghệ thuật. Từ đó, có thể nói, đối với Hồ Chí Minh, văn hoá, nghệ thuật không còn là “điều bí ẩn” mà thực sự từ lâu đã trở thành phương tiện hữu hiệu, vũ khí sắc bén nhất để con người hoàn thiện và đấu tranh với những thế lực cản trở sự phát triển của con người và loài người nói chung. Với Hồ Chí Minh, văn hoá, nghệ thuật thực sự không thể đứng ngoài mà đã và đang ở trong hoạt động của mỗi con người và mọi xã hội cũng như các thời đại nói chung. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, Người phát hiện rất sớm ý nghĩa và nội hàm của khái niệm văn hoá theo nghĩa rộng. Sở dĩ, văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận, bởi lẽ, bản thân văn hoá, nghệ thuật ra đời và ngày càng hoàn thiện như một nhu cầu của chính con người và cuộc sống muôn màu muôn vẻ trong quá trình con người đấu tranh tồn tại và phát triển nhân cách văn hoá. Đó là nói về bản chất lý luận của văn hoá theo nghĩa rộng, văn hoá như sự hiện diện nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sinh tồn. Với ý nghĩa đó, chắc chắn văn hoá còn được bàn luận nhiều, còn được phát hiện những điều bí ẩn mới trong cuộc sống hiện đại của xã hội văn minh trí tuệ đang ngày càng phát triển hết sức phong phú và cũng rất phức tạp hiện nay.

Do đó, khi nói văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận, cần phải hiểu cả hai mặt: Một mặt, đó là sự thể hiện nhân cách văn hoá của mỗi người nhằm hoàn thiện bản thân trong quá trình thích ứng nhu cầu cuộc sống và đòi hỏi của sinh tồn, mà đối với văn nghệ sĩ nhân cách văn hoá ấy thể hiện trong những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật cụ thể; Mặt khác, đó là sự hiện diện của văn hoá, nghệ thuật như thứ vũ khí sắc bén mà văn nghệ sĩ phải luôn có ý thức biết sử dụng nó trong quá trình đấu tranh với những mặt trái, mặt phản văn hoá trên cơ sở cái chân, cái thiện, cái mỹ vốn được nhân loại xem là quy luật của cái đẹp chân chính. Hai mặt ấy có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó với nhau luôn tồn tại trong bản thân mỗi người, cũng như trong cuộc sống xã hội, mà văn nghệ sĩ là công dân – chiến sĩ. Cho nên, khi nói văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy là nói đến vai trò công dân của văn nghệ sĩ khi sử dụng vũ khí văn hoá, nghệ thuật trên mặt trận văn hoá, mà ở đó tư tưởng, đạo đức và lối sống vốn được xem là cốt lõi nhất của văn hoá.

Trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam được sống trong hoà bình, hội nhập với quốc tế toàn cầu hoá, một số người lại không muốn nói đến quan điểm văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận, càng không muốn nói văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, mà chỉ muốn nhấn mạnh vai trò công dân của văn nghệ sĩ. Tại sao lại có hiện tượng đó. Có thể do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan, chúng ta thấy trên mặt trận văn hoá ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã diễn ra những quan điểm cực đoan hoặc thiếu thận trọng dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Về chủ quan, có thể nói, trong quản lý công tác văn hoá, văn nghệ trước đây, đã có hiện tượng giản đơn, thô thiển, thiếu thận trọng. Có lẽ, cũng chính vì thế, khi đề cập quan điểm “Văn hoá là một mặt trận”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) phải nhấn mạnh và giải thích thêm: “Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”. Điều đó chứng tỏ: Một mặt, nghị quyết khẳng định quan điểm chỉ đạo cơ bản: văn hoá là một mặt trận; Mặt khác, cũng đề phòng sự nôn nóng, thiếu kiên trì, thận trọng trong lĩnh vực văn hoá vốn có những đặc thù mà trước đây có lúc chưa được chú ý đúng mức. Đó cũng chính là sự quán triệt quan điểm Hồ Chí Minh về văn hoá, nghệ thuật. Cần thấy rằng, mặt trận văn hoá không phải do Hồ Chí Minh hay Đảng ta tạo ra mà nó vốn có trong cuộc sống xã hội của mọi dân tộc, như sự hiện diện tất yếu của cuộc sống và sự nghiệp cách mạng mỗi dân tộc. Nếu hiểu bản chất văn hoá theo nghĩa rộng cũng như chức năng văn hoá, văn nghệ với đặc thù riêng của nó, thì chúng ta không cần bàn luận nhiều về mặt trận văn hoá, nghệ thuật.

Còn có thể nói, hơn bao giờ hết, ngày nay văn hoá, nghệ thuật đang thực sự là một mặt trận, mặt trận cụ thể theo nghĩa đen, mặt trận không có tiếng súng, nhưng là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, cái đúng với cái sai, cái thấp hèn với cái cao thượng, mà chúng ta thường nói là mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hoá văn hoá. Đó cũng là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa ta và kẻ thù, là nơi đã có những người sa ngã, những mất mát và trả giá như chúng ta thấy trong những năm gần đây, khi Việt Nam hội nhập với quốc tế toàn cầu hoá.

Ngày nay, khi văn hoá mạng Internet vào tận mọi nhà khiến cho phân hoá các thế hệ trong một gia đình giữa cha và con trai, giữa mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu chắt, như chính tác giả Friedman phản ảnh trong cuốn sách nổi tiếng Chiếc Lexus và cây Ô Liu của ông, thì rõ ràng văn hoá, nghệ thuật không còn là nơi yên tĩnh, luôn cao đẹp như chúng ta tưởng, mà trong thực tế nó đang làm cải biến cách thức sinh hoạt dẫn đến cải biến cách thức tư duy của không ít người theo hướng tiêu cực, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Văn hoá toàn cầu theo hướng Mỹ hoá tận gốc như cách nói của Friedman đang làm mất dần bản sắc văn hoá truyền thống của nhiều dân tộc, thì rõ ràng nó không còn là nơi bình yên, phẳng lặng mà thực sự đã trở thành nơi đấu tranh quyết liệt giữa những giá trị văn hoá thực sự với phản văn hoá, giữa ta và chủ nghĩa đế quốc văn hoá.

Thực tế là mặt trận văn hoá, nghệ thuật không chỉ hình thành và vốn từ rất lâu đã rất quyết liệt, mà ngày nay nó còn bộc lộ rõ những chức năng vốn có của một thứ vũ khí lợi hại mà con người nhờ nó đã chiến thắng những bản năng của con người tự nhiên, cũng nhờ nó con người đã chiến thắng kẻ thù và ngày nay cũng nhờ nó con người đang chinh phục vũ trụ, chinh phục nhiều lĩnh vực cuộc sống. Nhưng cũng chính nó đang xuất hiện mặt trái của văn hoá, mặt phản văn hoá, tạo nên mặt trận văn hoá, ở đó con người phải đấu tranh không chỉ với các thế lực phản văn hoá ở bên ngoài mà cả với những thứ phản văn hoá trong chính bản thân mỗi người.

Trong thực tế ngày nay, không chỉ ở nước ta mà cả toàn nhân loại đều thấy rõ văn hoá theo nghĩa rộng như một vấn đề mang tính quy luật chung của cuộc sống. Không những thế, ngày nay văn hoá và văn học, nghệ thuật được xem là một bộ phận quan trọng, đang được phát huy mạnh mẽ trong mọi dân tộc, được xem là “sức mạnh mềm“ của mỗi quốc gia dân tộc. Nếu thực sự văn hoá là “sức mạnh mềm“ thì cũng có những quan điểm khác nhau và cả cách vận dụng khác nhau về “sức mạnh mềm” của văn hoá trong mỗi quốc gia dân tộc.

Hơn thế nữa, ngày nay còn xuất hiện cả chủ nghĩa đế quốc văn hoá, mà thực chất là những nước lớn vốn theo chủ nghĩa đế quốc không chỉ dùng “sức mạnh cứng“ là vũ khí, tiền bạc vào công cuộc chinh phục các nước kém phát triển, mà còn dùng văn hoá như “sức mạnh mềm“ hoặc kết hợp giữa “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” mà họ gọi là “sức mạnh thông minh” vào việc chinh phục các nước khác một cách tinh vi và cũng hết sức quyết liệt. Cho nên, hơn bao giờ hết, mặt trận văn hoá, nghệ thuật đang phát huy hết tác dụng, cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, tuỳ thuộc vào người sử dụng vũ khí đó, sức mạnh văn hoá đó; không chỉ trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống mà cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, du lịch và nhiều mặt khác của cuộc sống, tạo nên nền công nghiệp văn hoá, doanh nhân văn hoá có thu nhập như các lĩnh vực kinh tế. Hơn nữa, trong kinh doanh văn hoá, nhiều nước lớn còn có ưu thế chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm siêu lợi nhuận còn hơn nhiều mặt của kinh doanh công nghiệp, như các lĩnh vực kinh doanh viễn thông mà thường chỉ những nước lớn với công nghệ cao họ mới có khả năng phát triển và sử dụng theo mục đích riêng của họ.

Cho nên, khi nói văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị, thực chất là Hồ Chí Minh muốn nói lên điều cơ bản nhất của mặt trận văn hoá, nghệ thuật mà ở đó văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Người chỉ muốn nói lên một chân lý cuộc đời, cái chân lý mà từ lâu nhân loại đã vận hành, cuộc sống con người đã phải tuân theo. Đó cũng là chân lý được Người kiểm nghiệm trong sự nghiệp tìm đường cứu nước và cả trong sáng tác thơ văn và nhiều công trình chính luận, bút ký, tiểu phẩm khác...Cái chân lý bình dị đó cũng đã được Người thể hiện trong bài thơ: Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi” trong Nhật ký trong tù:

Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong./.

PGS.TS. Thành Duy
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.6, tr.368-369.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.3, tr.431.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất