Song song với mục đích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 do Bộ VHTTDL tổ chức còn nhắm tới cái đích -tạo cú hích để phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi.
Ông Vương Duy Biên – Phó cục trưởng phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, việc tổ chức được một LH Sân khấu quốc tế cho thiếu nhi lần này là thành công đáng ghi nhận. Vạn sự khởi đầu nan khi nước ta chưa hề có cuộc LH hay cuộc thi nào dành cho đối tượng phục vụ chính là thiếu nhi. Tiêu chí lựa chọn tham gia LH là tính hấp dẫn của chương trình. Ông Biên cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn qua LH, các đơn vị nghệ thuật của ta có dịp xem và học hỏi kinh nghiệm dàn dựng chương trình nghệ thuật thiếu nhi của đồng nghiệp quốc tế cũng như của đồng nghiệp trong nước, từ đó tìm ra những hướng đi và phát triển riêng cho sân khấu thiếu nhi”.
Khẳng định LH là cơ hội thưởng thức nghệ thuật dành cho thiếu nhi Thủ đô vào những ngày đầu hè 2010, BTC mong muốn các đoàn mở hết “công suất” phục vụ khán giả trong suốt 10 ngày diễn ra Liên hoan. Nữ nghệ sĩ Sanae Tomiyama – Đoàn trưởng đoàn nghệ sĩ Nhà hát Nakama của Nhật Bản cho biết: “Nhà hát Nakama có chức năng biểu diễn phục vụ cho thiếu nhi. Vậy mà lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp được tham gia một cuộc LH Sân khấu quốc tế thiếu nhi. Đến VN lần này, chúng tôi rất muốn biết các nghệ sĩ VN dựng chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi như thế nào để có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm”.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc NH Múa rối Thăng Long thì có vẻ ngậm ngùi khi biết số tiền dựng một chương trình thiếu nhi trung bình của Nhà hát Nakama Nhật Bản là khoảng 600 triệu đồng VN. Trong khi bằng cả kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và trích từ doanh thu của mình, Nhà hát Múa rối Thăng Long mạnh bạo lắm cũng chỉ dám dừng tới con số 300 triệu đồng cho vở Nàng Hến. Thực tế, các chương trình thiếu nhi hiện nay cao cũng chỉ ở mức 100 đến 200 triệu đồng. Đạo diễn Hoàng Tuấn cho rằng: “Dựng chương trình cho thiếu nhi nhiều khi đòi hỏi chi phí cao hơn một chương trình của người lớn rất nhiều vì sân khấu cho thiếu nhi rất cần sự hoành tráng, công phu, đa sắc màu để gợi trí tưởng tượng và khuyến khích khám phá sáng tạo của các em”.
NSND Lê Hùng – Chủ tịch Trung tâm Asitej VN, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ & Nhà hát Kịch VN thì nói, qua các chuyến khảo sát nước ngoài, thấy số tiền đầu tư cho sân khấu dành cho thiếu nhi của ta còn quá thấp. Mặt khác, trong khi các nước có hàng trăm đoàn sân khấu dành riêng cho thiếu nhi thì ở VN chưa có một nhà hát chính thức nào dành riêng cho đối tượng khán giả này. Tại Đan Mạch, chỉ riêng nhà hát dành cho thiếu nhi đã lên tới con số 200 nhà hát. Không chỉ các em nhỏ mà các bậc phụ huynh cũng bị hút tới các nhà hát này vì chất lượng và sức hấp dẫn của các chương trình.
Phải có nhà hát phục vụ riêng cho thiếu nhi – đối tượng khán giả chiếm ½ dân số cả nước; cần có những chiến lược đầu tư dài hơi cho sân khấu phục vụ thiếu nhi. Khao khát để có một cuộc liên hoan sân khấu thiếu nhi định kỳ hằng năm, để có những tác động mới quan niệm dựng chương trình của các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước, chứ không chỉ đơn lẻ ở một vài nhà hát ở Hà Nội và TP.HCM; ngành GD&ĐT phải có sự bắt tay với các nhà hát để tổ chức các đợt biểu diễn phục vụ cho khán giả trẻ… một loạt những băn khoăn đã được các nghệ sĩ tha thiết đặt ra khi bước vào LH Sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010.
Thuý Hiền-Vanhoa0