Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 1/6/2010 23:13'(GMT+7)

Đánh thức trò chơi dân gian

Các em thiếu nhi say mê khám phá trò chơi lò cò.

Các em thiếu nhi say mê khám phá trò chơi lò cò.

Nguy cơ mai một

Trong khi nhiều bậc phụ huynh đang đau đầu với thực tế con cái ngồi trước bên máy tính hàng giờ với những trò chơi game online bạo lực để “giết” thời gian hè thì chính họ đang vô tình lãng quên những trò chơi truyền thống, bổ ích của ông cha xưa.

Thực tế cho thấy, TCDG phù hợp với môi trường sống và điều kiện sinh hoạt của trẻ em. Những vật dùng để chơi dễ tìm hoặc có thể do chính tay các em làm ra. Như chỉ cần một quả cà và một bàn que gồm 10 que tre nhỏ, chơi ô ăn quan là 52 viên sỏi, chơi nhảy dây chỉ cần một chiếc dây thừng hoặc dây nịt nối lại.

Phụ thuộc vào thời tiết mà có thể chọn trò chơi cho phù hợp. Vào buổi trời mưa, không gian bị thu hẹp, có thể chơi trò đơn giản và không cần nhiều người tham gia như: chi chi, chành chành, ô ăn quan... Những hôm trời khô ráo có thể chơi những trò chơi mang tính tập thể như: trốn tìm, nhảy dây, mèo đuổi chuột...

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu về TCDG, Tiến sĩ Trần Thu Thủy– Trưởng phòng Giáo dục của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, TCDG có những tác động tích cực đến sự phát triển trong tư duy, cũng như trong sự phát triển toàn diện của trẻ.

Có những trò chơi rèn luyện sự khéo léo, chính xác như: chơi chuyền, chơi chong chóng... Có những trò chơi lại giúp trẻ rèn luỵên thể lực sức mạnh và dẻo dai như: nhảy ngựa, nhảy dây, đá cầu, mèo đuổi chuột... Những trò chơi như: ô ăn quan, đánh trận giả lại rèn cho trẻ tính thông minh…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng mai một và không có đường phát triển của TCDG trong xã hội hiện đại. Theo Tiến sĩ Trần Thu Thủy, chính nhịp sống xô bồ của xã hội hiện đại khiến các bậc cha mẹ bận rộn với công việc nên ít có thời gian cùng trẻ nhỏ làm quen với các TCDG. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục của nhà trường quá nặng làm cho trẻ ít còn thời gian chơi.

Đặc biệt, dưới tác động của đô thị hóa, không gian của TCDG bị thu hẹp và thay vào đó là các loại hình trò chơi hiện đại mang nặng tính cá nhân mà lãng quên đi những TCDG mang tính cộng đồng.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

So với cách đây hơn 10 năm, TCDG đang có xu hướng phục hồi trở lại nhưng chưa mạnh mẽ. TCDG được khôi phục tại lễ hội trên các địa phương của cả nước. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng thực hiện khôi sưu tầm và lưu giữ các TCDG. Gần nhất là năm 2008, Bộ Giáo dục&Đào tạo cũng thực hiện thí điểm đưa TCDG vào một số trường học.

Tuy nhiên, chính sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền một số địa phương đã làm cho hình ảnh TCDG xấu đi khi đi kèm với nó là những hình thức cá cược.

Trẻ em được chơi  trò chơi dân gian trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Còn đối với sự phát triển của TCDG trong các trường học được thí điểm, theo Tiến sĩ Trần Thị Thủy, trong hơn 2 năm thí điểm, sự phát triển của TCDG vẫn còn nhiều hạn chế do chưa thực sự được quan tâm, đầu tư và các trường học còn nặng về tính lý thuyết.

Hiện, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang là nơi sưu tầm, lưu giữ nhiều TCDG truyền thống nhất cả nước. Không dừng lại lại ở đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn thực hiện tuyên truyền, phổ biến để TCDG tồn tại được trong cuộc sống hiện đại.

Bên cạnh việc tổ chức thường xuyên các hoạt động, các chương trình trong năm như Tết Trung thu, Tết thiếu nhi…, Bảo tàng Dân tộc học còn thực hiện việc mời các nghệ nhân về trình diễn và dạy các em làm ra những trò chơi này.

Như vậy, thay cho việc bảo tồn giá trị văn hóa trong tủ kính, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đánh thức và đưa giá trị ấy trở về với cuộc sống thường ngày, nơi sản sinh ra nó.

Tuy nhiên, để giữ cho TCDG tránh xa khỏi sự thương mại hóa, đấy là một điều khó khăn cho chính những người làm công tác bảo tồn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Vì nếu không kinh phí, việc tổ chức các hoạt động TCDG cho trẻ ngày thiếu nhi thực sự khó khăn.

“Hiện, chúng ta đang có chính sách phát triển TCDG tại các địa phương. Điều này khó làm tốt nếu chúng ta đang thiếu những con người nhiệt huyết”, Tiến sĩ Trần Thị Thủy cho biết./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất