Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 31/3/2010 11:9'(GMT+7)

Nhân dân: Một phạm trù văn hoá chính trị Hồ Chí Minh

Văn hóa chính trị (Political culture) là một bộ phận của văn hóa nói chung, gắn với chính trị, nhà chính trị, nhóm xã hội hay với giai cấp trong lĩnh vực đời sống chính trị. Văn hóa chính trị vẫn còn nhiều cách hiểu. Theo hai nhà chính trị học người Mỹ là H.Almond và H. Paul, “văn hóa chính trị là tập hợp các lập trường và các xu hướng cá nhân của những người tham gia trong một hệ thống nào đó, là lĩnh vực chủ quan làm cơ sở cho hành động chính trị và làm cho hành động chính trị có ý nghĩa” (1). Còn theo Patzelt, một nhà khoa học chính trị thuộc trường phái Đại học Tổng hợp Passau, “văn hóa chính trị là những giá trị và tri thức, những quan điểm và thái độ của nhân dân; là những dạng thức của hành vi và sự tham dự chính trị; là những quy tắc công khai hoặc được mặc nhiên thừa nhận của quá trình chính trị; là những cơ sở thường nhật của hệ thống chính trị và là tập hợp của tất cả những gì thuộc về văn hóa và tập tục của xã hội hiện tồn”(2). Trong các công trình nghiên cứu ở Việt Nam, cũng xuất hiện những các hiểu khác nhau về văn hóa chính trị. Theo nhóm nghiên cứu Đặng Xuân Kỳ, Vũ Khiêu, Hoàng Chí Bảo thì “văn hóa chính trị không phải là bản thân chính trị, mà là chính trị có văn hóa, chính trị tác động vào con người và xã hội như một sức mạnh văn hóa, sức mạnh không chỉ dựa vào quyền lực mà phải dựa vào sự cảm hóa con người, thức tỉnh lương tri, lay động tâm tư, tình cảm con người, thuyết phục, chinh phục, thu phục con người”(3). Định nghĩa này không nghiêng về học thuật kiểu Tây phương mà muốn nhấn mạnh văn hóa chính trị không chỉ ở trong tư tưởng chính trị mà còn ở trong hoạt động chính trị thực tiễn, trong cách ứng xử đối với các đối tượng khác nhau.

Tôi hiểu văn hóa bao trùm tất cả các mặt của đời sống, vì vậy rất tự nhiên, có văn hóa của các mặt riêng biệt của cuộc sống. Chính trị là một mặt của đời sống xã hội, nên nói văn hóa chính trị là bàn tới văn hóa của hoạt động chính trị, một lĩnh vực hoạt động đặc biệt gắn liền với quan hệ giữa các giai cấp, các tập đoàn xã hội, các dân tộc trong một quốc gia; là sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội và của người dân vào công việc Nhà nước; là mối quan hệ giữa các nhà nước, các quốc gia; v.v.. Vì vậy, “văn hóa chính trị là cái đẹp, cái giá trị của chính trị, tức là chính trị thấm sâu vào tâm lý quốc dân, vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng như một sức mạnh văn hóa, sức mạnh hợp chất lý và tình, thuyết phục bằng cảm hóa”(4).

Cấu trúc của văn hóa chính trị theo quan điểm mácxít gồm nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực. Trước hết thể hiện một hệ thống các giá trị chính trị toàn diện và sâu sắc mang tính khoa học, cách mạng và nhân văn dựa trên lập trường và quan điểm của giai cấp công nhân, phấn đấu vì một xã hội nhân đạo, dân chủ, công bằng, văn minh, đem lại tự do, hạnh phúc cho con người. Văn hóa chính trị phải thấm sâu thế giới quan khoa học duy vật biện chứng, bảo đảm tính khách quan trung thực, với các quan điểm thực tiễn, phát triển, lịch sử- cụ thể, có trí tuệ và bản lĩnh trong việc “xây” và “chống” trên cơ sở có lý có tình, cởi mở, năng động, sáng tạo, biết trân trọng và tiếp biến những di sản tinh thần của thời đại trên cơ sở đậm đà cốt cách văn hóa dân tộc để không ngừng nâng cao hiệu quả của hoạt động chính trị. Văn hóa chính trị - xét dưới góc độ văn hóa hành vi - đó là một tấm gương phản chiếu của hệ thống chính trị hoặc cá nhân các nhà chính trị.

Như vậy, văn hóa chính trị gắn liền và xuất phát từ tính khuynh hướng về nhận thức của các thành viên và lực lượng xã hội. Cùng với chức năng định hướng giá trị, văn hóa chính trị còn có chức năng giáo dục, điều chỉnh tư tưởng và hành vi chính trị. Dù gắn với tính giai cấp, văn hóa chính trị vẫn thấm sâu tinh thần nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, là một nội dung cốt lõi của văn hóa chính trị.

Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh thuộc phạm trù văn hóa chính trị mácxít nhưng thấm đậm dấu ấn Việt Nam và phương Đông, mà một nét đặc trưng của văn hóa phương Đông là “quốc dĩ dân vi bản” (nước lấy dân làm gốc); “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, thứ đến đất nước, vua coi nhẹ). Tuy nhiên, dân theo hệ quy chiếu của giai cấp phong kiến được hiểu quan là phụ mẫu của dân, có quyền “đè đầu cưỡi cổ dân”, tóm lại dân không có một chút quyền tự do dân chủ nào. Ngay người dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc cũng vậy: “Ở Nam kỳ... dân bản xứ là những thần dân Pháp, chứ không phải là công dân Pháp”(5).

 Phương Đông hay phương Tây đều đề cập tới phạm trù dân trong văn hóa chính trị. Nhưng dân như là một phạm trù trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh có sắc thái riêng - sắc thái Hồ Chí Minh- vượt trội nhiều quan điểm khác về dân. Đó là văn hóa chính trị “dân quyền”, “dân sinh”, “dân trí”, “dân chủ”. Hồ Chí Minh đã từng nói, “không có dân thì không có Bác”.

Di sản Hồ Chí Minh cho ta một nhận thức về khái niệm “dân’. Đó là toàn dân, toàn dân tộc Việt Nam, bao gồm mọi người thuộc các dân tộc đa số và thiểu số, sống ở trong nước hay ở nước ngoài, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo. Tuy nhiên, dân không phải là một khối đồng nhất, mà là cộng đồng gồm nhiều dân tộc, giai cấp, tầng lớp, có sự thống nhất và khác biệt về lợi ích, có thái độ và vai trò khác nhau đối với sự phát triển của xã hội. Trong điều kiện nước Việt Nam nông nghiệp, thuộc địa, nói đến dân chủ yếu là nói tới nhân dân lao động gồm công nhân, nông dân, trí thức, là lực lượng trực tiếp sản xuất, có tiềm lực tinh thần và vật chất to lớn nhất. Họ là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Như vậy, dân là cộng đồng phức tạp nhưng lại có điểm chung, đó là “dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”(6); là trí tuệ, mạnh nhất, là quý nhất, tốt nhất. Và về đại thể dân gồm ba tập hợp con: “Bất kỳ nơi nào có quần chúng nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”(7). Như vậy, theo Hồ Chí Minh, khi bàn tới nhân dân, Người không bàn nhiều tới mối quan hệ vật chất mà rất chú trọng tới đặc điểm tinh thần. Điểm này khác và vượt Platon và một số chính trị gia khác khi chia xã hội thành ba lớp người giàu, nghèo và trung lưu và phê bình thói xấu, cái bệnh của người giàu là khinh người nghèo; phê bình thói xấu, cái bệnh của người nghèo là ghen ghét người có của. Platon chỉ phê bình cái giàu và cái nghèo về vật chất, chưa chú trọng yếu tố tinh thần. Hồ Chí Minh cho rằng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(8).

Nhiều quan điểm của Hồ Chí Minh cho thấy, Người khai thác triệt để yếu tố trí tuệ, tư tưởng, tinh thần, đạo đức của người dân. Người phê phán quan điểm cho rằng dân là những người “không quan trọng”: “Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng”(9). Theo Hồ Chí Minh, “dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(10). Người chỉ rõ: “Chúng ta phải biết rằng: lực lượng của dân chúng nhiều vô kể. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(11).

Tư duy của Hồ Chí Minh luôn hướng về dân với quan điểm “dân tốt lắm”, “dân quý lắm”, ‘dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. Người chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới này không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”.

Điểm sắc sảo trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh là vừa thấy vai trò của các nhà chính trị và đảng chính trị, vừa thấy vai trò vĩ đại của quần chúng nhân dân. Về mối quan hệ giữa nhà chính trị, đảng chính trị và quần chúng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác- Lênin”(12).

Về vai trò của quần chúng, Hồ Chí Minh có sự phân tích một cách khoa học và cách mạng. Với nhạy cảm của một nhà chính trị chuyên nghiệp, theo tinh thần một xã hội phát triển phải có tính khuynh hướng, Hồ Chí Minh trong khi cho rằng “quần chúng không nhất luật như nhau, trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiền tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”, đã chỉ rõ: “Người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém lên”(13). Như vậy, dùng hạng hăng hái làm trung kiên sẽ giúp cho tính định hướng chính xác, tính khuynh hướng rõ ràng. Kết luận của Hồ Chí Minh là: “Bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”(14). Tuy nhiên, cách xem xét của Hồ Chí Minh về các lớp quần chúng rất biện chứng, có tính “động”. Gắn với thực tiễn vận động của cuộc sống, của các giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhóm trung kiên lãnh đạo trong mỗi cuộc đấu tranh, không có thể mà cũng không nên luôn luôn y nguyên như cũ. Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hóa”(15).

Những phân tích trên để đi tới quan điểm “chính trị có văn hóa”, tức là một thứ chính trị chính thống, chuyên nghiệp và thân thiện. Đối với những nhà chính trị, những người cầm quyền hay đảng chính trị thì chính trị chính thống thể hiện hạt nhân của văn hóa chính trị chính là dựa vào dân, thể hiện sự thân thiện giữa những người cầm quyền với xã hội tức là với nhân dân. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất, thậm chí là bài học lớn nhất trong di sản Hồ Chí Minh. Từ nhân dân mà ra, gắn bó, đồng hành cùng nhân dân, hòa mình trong đội ngũ nhân dân, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra nhân dân trước khi nhân dân tìm thấy ở Hồ Chí Minh một con người, một lãnh tụ đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh có khả năng tạo ra sự đột phá, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ cho mọi tầng lớp nhân dân.

Phát hiện ra nhân dân và các đặc tính của các tầng lớp nhân dân, thiên tài của Hồ Chí Minh còn ở chỗ trong khi bàn về cách lãnh đạo, Người nhấn mạnh phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng, phải dùng kinh nghiệm của dân chúng để thêm cho kinh nghiệm của mình. Người nhấn mạnh “mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”(16). Tóm lại phải dùng cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.

Nhìn nhận dân trong phạm trù văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, bài học quý phải thực hành như là nguyên tắc, đó là: “ 1.Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng. 2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(17).

Tuy nhiên, xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về nhân dân, nên trong khi “khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng” nhưng “chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”(18). Đây là một kiểu tư duy rất khoa học, rất cách mạng. Trong luận điểm này có sự phân định rạch ròi giữa đường lối quần chúng và chủ nghĩa dân túy. Theo đuôi quần chúng là thuộc chủ nghĩa dân túy, điều này hoàn toàn xa lạ với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một điểm độc đáo, đặc sắc nữa trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, đó là trong khi khẳng định tính khuynh hướng, tính chuyên nghiệp cho xã hội phát triển là dựa vào nhân dân, Hồ Chí Minh không dập tắt tính đa dạng của đời sống chính trị. Ngược lại, Người dạy rằng “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”(19). Đây là luận điểm thể hiện chính trị là cuộc sống, nằm trong đời sống thường nhật, phản ánh tầm nhìn duy vật mácxít của Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, “dù văn minh hay dã man, con người đều có tình người”. Là con người thì phải được ăn, được mặc theo tinh thần “dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy ăn làm trời). Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên - tức là phong kiến, tôn giáo, cộng sản, tư sản, Đông phương, Tây phương - đều có điểm chung là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. v.v.. Cách nhìn nhận đó là sâu xa, không chỉ mang ý nghĩa khoa học, cách mạng mà còn rất nhân văn, nhân đạo. Đó chính là một hòn đá tảng tạo nên cái nền, cái gốc cho việc xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.

------------------------

(1) Xem: PTS Đinh Văn Mậu và nhóm tác giả: Chính trị học đại cương, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.. 216.

(2) Xem: Phạm Hồng Tung: Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.21.

(3) GS Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và phát triển con người, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 248.

(4) Xem: PGS.TS Phạm Ngọc Anh- PGS.TS Bùi Đình Phong: Hồ Chí Minh- Văn hóa và phát triển, Nxb. Chính trị- Hành chính, Hà nội, 2009, tr.63.

(5) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 428.

(6) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.285.

7) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.289.

(8) Hồ Chí Minh: Sdd, t.12, tr.185.

(9) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.295.

(10) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.293.

(11) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.295.

(12) Hồ Chí Minh: Sdd, t.10, tr.197

(13) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.289-290.

(14) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.290.

(15) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.290

(16) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.293.

(17) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.297.

(18) Hồ Chí Minh: Sdd,t.5, tr.298.

(19) Hồ Chí Minh: Sdd,t.5, tr.298
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất