Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 22/3/2010 10:37'(GMT+7)

Về nguồn nhân lực của Việt Nam trong năm 2010 và những năm sau

Kết quả điều tra dân số đến tháng 4-2009, Việt Nam có gần 86 triệu người, tăng 9,47 triệu người so với năm 1999. Tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 1999-2009 là 1,2%/năm. Điều này, phản ánh nguồn nhân lực của Việt Nam đang phát triển.

Nguồn nhân lực Việt Nam được cấu thành chủ yếu là nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ và nhân lực của các ngành, nghề. Đến nay, nguồn nhân lực nông dân có gần 62 triệu người, bằng hơn 70 % dân số của cả nước. Nguồn nhân lực công nhân là 9,5 triệu người, bằng gần 10% dân số của cả nước. Nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên là hơn 2,5 triệu người, bằng 2,15% dân số của cả nước. Nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp khoảng 2 triệu người, trong đó, khối doanh nghiệp trung ương gần 1 triệu người. Sự xuất hiện của giới doanh nghiệp trẻ được xem như một nhân tố mới trong nguồn nhân lực. Đó là một nguồn nhân lực dồi dào, nếu biết khai thác, bồi dưỡng, sử dụng tốt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trọng đại trong phát triển kinh tế, xã hội.

Việt Nam hiện nay đang hình thành 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Nhân lực phổ thông dồi dào, nhân lực chất lượng cao còn thiếu, vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn nhân lực phổ thông.

Việt Nam hiện có 150 trường đại học và 226 trường cao đẳng, khoảng gần 1 triệu đơn vị đào tạo nghề, gần 1.200 tổ chức khoa học và công nghệ với gần 53 nghìn cán bộ khoa học và công nghệ. Đó là những cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mấu chốt để phát triển nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam trước mắt và lâu dài là phải tính đến yếu tố chất lượng sinh đẻ và yếu tố bồi dưỡng sức dân. Không thể nói đến phát triển nguồn nhân lực khi sinh ra những đứa con còi cọc, ốm yếu. Không thể nói đến phát triển nguồn nhân lực khi sức dân không được bồi dưỡng. Vấn đề này liên quan đến hàng loạt các yếu tố khác như chính sách xã hội, chính sách y tế, chính sách tiền lương, chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng. Các vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Không thể nói đến nhân lực chất lượng cao khi chất lượng giáo dục đại học còn thấp. Không thể nói đến nhân lực chất lượng cao khi kết cấu hạ tầng còn rất thấp kém. Không thể nói đến nhân lực chất lượng cao khi tỷ lệ lao động mới qua đào tạo mới chỉ có từ 30 đến 40%. Không thể nói đến chất lượng nhân lực cao khi có tới 80% công chức, viên chức không biết sử dụng máy vi tính, hơn 90% không biết sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ kém.

Nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, chưa có những đóng góp lớn để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Chất lượng lao động còn rất thấp, yếu kém, bất hợp lý về cơ cấu ngành, nghề. Tư duy về phát triển nguồn nhân lực của những người lãnh đạo, quản lý chưa trở thành trí tuệ và thông tuệ.

Để giải quyết vấn đề nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, phải tính đến tố chất lãnh đạo, tố chất quản lý, tố chất chuyên gia, tố chất chuyên môn. Tố chất người lãnh đạo, quản lý là rất quan trọng. Cơ quan, đơn vị, tổ chức tốt hay kém, chủ yếu phụ thuộc vào tố chất của người lãnh đạo, quản lý. Chung quy lại, tất cả đều bắt nguồn từ chất lượng sống. Muốn nâng cao chất lượng sống, một phần phụ thuộc vào ý chí phấn đấu và năng lực chuyên môn của mỗi người, nhưng phần quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào các yếu tố xã hội như cơ sở hạ tầng, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở giao thông, nhất là các chính sách xã hội, vấn đề dân chủ hóa xã hội, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Điều này cắt nghĩa vì sao một đứa trẻ sinh ra ở nước này với đứa trẻ sinh ra ở nước khác, cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ, cùng phút, cùng giây, nhưng đứa trẻ ở nước này lại thông minh, béo tốt, hồng hào, trong khi đó, đứa trẻ ở nước khác lại đần độn, gày còm, xanh xao!

Giải quyết vấn đề nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao chính là giải quyết mối quan hệ giữa chất và lượng. Chất là tính quy định, đòi hỏi cao của nguồn nhân lực. Chất của nguồn nhân lực gắn với các yếu tố xã hội, chính sách xã hội, liên quan mật thiết đến môi trường xã hội. Thí dụ, một công chức có thể làm việc mỗi ngày 8 giờ với chất lượng công việc cao, nhưng vì giao thông tắc nghẽn, đi lại rất khó khăn, cho nên anh ta chỉ có thể đến công sở làm việc mỗi ngày khoảng 6 giờ, 2 giờ còn lại là do giao thông tắc nghẽn. Lượng của nguồn nhân lực chỉ có thể phát triển sau khi nó đã có các yếu tố xã hội chi phối. Nó chỉ có thể biến đổi thành chất sau khi đã đạt được những yếu tố nhất định như môi trường sống, điều kiện sống.

Qua nghiên cứu, tôi thấy những giải pháp phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam (trong đó, có nguồn nhân lực chất lượng cao) trong những năm tới là: 1) Phải xác định rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một đất nước rất ít tài nguyên thiên nhiên như Việt Nam, cần phải lấy nguồn nhân lực làm tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên nguồn nhân lực hoặc là tài nguyên con người. 2) Nâng cao chất lượng con người và chất lượng sống của người Việt Nam. 3) Xây dựng chiến lược nguồn nhân lực đến năm 2030 trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của các đề tài, đề án khoa học về nguồn nhân lực. 4) Có biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài của nguồn nhân lực, trong đó, có vấn đề khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ, nhân lực trong các ngành, nghề. 5) Có chính sách sử dụng nguồn nhân lực cho đúng. Có chính sách đúng đắn đối với việc sử dụng nhân lực trí thức và trọng dụng nhân tài. 6) Cải thiện mạnh mẽ chính sách tiền tệ và tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, là những vấn đề quan trọng nhằm tạo ra nhân lực chất lượng cao hiện nay. 7) Không ngừng nâng cao trình độ học vấn của nhân dân. Hiện nay, trình độ học vấn của nhân dân cả nước, bình quân mới chỉ lớp 6 đầu/người. 8) Cải thiện và tăng cường thông tin về các nguồn nhân lực theo hướng rộng rãi và dân chủ, làm cho mọi người thấy được tầm quan trọng của vấn đề phát triển nguồn nhân lực ở nước ta và trên thế giới. 9) Cần có sự nghiên cứu, tổng kết thường kỳ về nguồn nhân lực Việt Nam. 10) Cần đổi mới tư duy, có cái nhìn mới về con người, nguồn nhân lực Việt Nam.

Để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là mục tiêu mà chúng ta đang vươn tới. Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, dồi dào, lành mạnh./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất