Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 5/3/2010 14:43'(GMT+7)

Để kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng bền vững

Trước tình hình đó, Chính phủ đã nhanh chóng sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô để thích nghi với tình hình cụ thể, đồng thời đưa ra 8 nhóm giải pháp để khắc phục. Mục tiêu trực tiếp là kiềm chế lạm phát và tăng giá, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đến nay đã thành công trên các mặt sau đây: Đà suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP đã dừng lại từ quý I/2009; sản xuất tuy còn có những khó khăn nhất định, song nhìn chung các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều duy trì được sản xuất, cá biệt còn có trường hợp tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2008, không xảy ra tình trạng hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa hay phá sản như ở nhiều nước khác trên thế giới; sức mua của thị trường tăng trưởng khá (hơn 10%); không xảy ra tình trạng thất nghiệp cao, thậm chí hiện nay đang thiếu lao động trong các khu công nghiệp và ở một số ngành may mặc, xây dựng…; sức cầu lao động và tiền lương có xu hướng tăng; xuất khẩu là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của suy thoái kinh tế toàn cầu, song kim ngạch xuất khẩu năm 2009 vẫn đạt trên 56,5 tỷ USD, nhập siêu chỉ còn ở mức 12 tỷ USD; kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức 7%, giá cả thị trường dần dần ổn định, đời sống dân sinh vẫn được bảo đảm, không bị xáo trộn lớn; tốc độ tăng trưởng GDP 2009 đạt 5,32% đây là mức hợp lý và cũng là nước có tốc độ tăng trưởng cao ở Châu Á trong bối cảnh khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên tình hình kinh tế nước ta vẫn còn một số khó khăn như: nền kinh tế tuy vượt qua được giai đoạn suy giảm sâu, song vẫn còn nguyên vẹn những hạn chế cố hữu của cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, còn tiềm ẩn những nguyên nhân gây bất ổn định vĩ mô; sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang - chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu v.v… Tốc độ phục hồi của nền kinh tế còn chậm, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, vẫn hoạt động trong trạng thái "cầm cự" để tồn tại. Nền kinh tế vẫn còn có nguy cơ tiềm ẩn tái lạm phát do việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất, tăng dư nợ tín dụng và tăng bội chi ngân sách cùng một số nguyên nhân khác, đòi hỏi Chính phủ phải hết sức quan tâm trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả kinh tế vĩ mô trong thời gian tới để nền kinh tế hồi phục nhanh và tăng trưởng bền vững.

Đến nay có thể kết luận nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn suy giảm để hướng tới mục tiêu hồi phục và tăng trưởng bền vững. Từ thành công của chỉ đạo và thực hiện các giải pháp, chính sách "ứng phó" kịp thời với cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh mẽ đến nước ta ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, cho phép chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

- Phải nhận thức sát, đúng kịp thời diễn biến của cuộc khủng hoảng; việc đề xuất và thực thi các giải pháp "ứng phó" phải linh hoạt và phù hợp với tình hình đã thay đổi để đạt được mục tiêu đề ra.

- Phát huy cao độ ưu thế của chế độ XHCN, tập trung được các nguồn lực và sự đồng thuận của toàn xã hội để khắc phục khủng hoảng. Đảng phải giữ vai trò lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời; Chính phủ phải quyết liệt trong điều hành và giám sát việc thực thi các chính sách "ứng phó" đã đề ra, để đạt được kết quả nhanh nhất, cao nhất; từ đó động viên, khích lệ toàn xã hội từ hệ thống chính trị đến các doanh nghiệp kinh tế Nhà nước, tư nhân và người tiêu dùng tham gia tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, tăng giá và ngăn chặn suy giảm kinh tế.

- Tiếp cận chính sách "ứng phó" khủng hoảng phải đứng trên quan điểm phát triển bền vững, không chỉ chú trọng ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý mà còn phải luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường…, phải coi đây là các trụ cột chủ yếu để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

- Muốn phát triển bền vững, phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh.

- Phải bám sát sự vận động của thực tiễn, diễn biến của thị trường, kịp thời điều chỉnh mục tiêu và giải pháp cho phù hợp khi tình thế đã thay đổi, đồng thời phải chỉ đạo thực hiện khẩn trương và quyết liệt.

- Kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa các giải pháp "ứng phó" ngắn hạn khắc phục khủng hoảng, suy giảm với các giải pháp phát triển trung hạn và dài hạn, đồng thời tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững sau suy thoái kinh tế toàn cầu.

Để kinh tế Việt Nam nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng bền vững, năm 2010 và những năm tiếp theo, trong quản lý điều hành nền kinh tế đòi hỏi Chính phủ cần tập trung thực thi có hiệu quả các giải pháp tối ưu và có tính khả thi sau đây:

Một là, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất kinh doanh ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Hai là, tập trung mọi nỗ lực, thúc đẩy đầu tư phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cả ở thị trường trong nước và thị trường thế giới. Thực hiện từng bước vững chắc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên quan điểm phát triển bền vững. Thực thi biện pháp này cần coi trọng hai nhân tố hàng đầu đối với tăng trưởng bền vững và cạnh tranh cao đó là: Thứ nhất, phát huy nhân tố con người để phát triển bền vững. Con người là nhân tố hàng đầu của phát triển bền vững. Con người, với nguồn tiềm năng trí tuệ vô tận, là nguồn lực quyết định, là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Trong bất kỳ thời đại nào, con người vẫn luôn là lực lượng sản xuất cơ bản, hàng đầu của toàn xã hội, giữ vị trí trung tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Con người ngày càng thể hiện rõ vai trò là "chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hóa, mọi nền văn minh của các quốc gia". Mọi máy móc dù hoàn thiện, dù thông minh đến đâu cũng chỉ là kẻ trung gian cho hoạt động của con người. Do đó, con người luôn luôn đã, đang và vẫn sẽ là chủ thể duy nhất của mọi hoạt động trong xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế tri thức ở thời đại ngày nay. Con người là yếu tố hàng đầu, vừa quyết định năng suất, chất lượng, vừa đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, coi trọng nhân tố con người là coi trọng sự phát triển bền vững. Vì vậy phải tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể lực. Thứ hai, phát huy nội lực, coi trọng thị trường nội địa gắn với tranh thủ sử dụng hợp lý hiệu quả ngoại lực để tạo thế cạnh tranh cao cho nền kinh tế. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi "nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, gắn kết với nhau thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước" là đúng đắn. Song cũng có một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại quan điểm về mối quan hệ giữa phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, rằng cách đúng nhất đối với Việt Nam hiện nay là huy động tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế, không phân biệt đó là nội lực hay ngoại lực, ý kiến này không phù hợp. Thực tiễn đã cho thấy, kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu với những ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với những nước lệ thuộc nhiều vào các nguồn lực bên ngoài, khiến cho nhiều nước phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của các nguồn nội lực, đặc biệt là thị trường nội địa. Xu thế "hướng nội", thể hiện dưới những hình thức khác nhau, đã và đang xuất hiện ở nhiều nước. Có thể nói rằng các nguồn lực nội lực vẫn đóng vai trò quyết định. Nguồn ngoại lực đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, muốn khai thác, tiếp thu ngoại lực, thì nội lực phải mạnh. Một yêu cầu hết sức quan trọng trong giải quyết mối quan hệ giữa phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực là phải nội sinh hóa ngoại lực và hiện đại hóa nội lực, làm cho nội lực phát huy ngày càng tăng cường và phát triển. Muốn vậy, đầu tư phát triển con người, chăm lo giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhân cách, nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển nhân lực, khoa học và công nghệ, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc,… chính là điều kiện để nội sinh hóa ngoại lực và hiện đại hóa nội lực phục vụ cho phát triển đất nước nói chung và phát triển kinh tế bền vững nói riêng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu và nhập khẩu hiện tại cũng như tương lai rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững của nước ta, trước mắt nến tăng mạnh được xuất khẩu và giảm tới mức thấp nhất nhập siêu sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta hồi phục nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao. Song do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên xuất khẩu của nước ta đang gặp khó khăn, trong hai năm 2008 và 2009 kim ngạch xuất khẩu đều giảm, để đẩy mạnh xuất khẩu chúng ta phải mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế cả về chiều rộng và chiều sâu, giữ vững và cải thiện thị trường xuất khẩu đã có, đồng thời tích cực khai thác "thị trường lách" ở tất cả các nước đối với những mặt hàng ta có ưu thế suất, họ có nhu cầu nhập để tăng kim ngạch xuất trong những năm tới. Do đó, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế đối với nước ta hiện nay là rất quan trọng.

Bốn là, tiếp tục thực hiện các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt, thận trọng đối với chính sách tài chính, tiền tệ, thị trường (vì đây là những lĩnh vực rất nhạy cảm) để ổn định vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm là, tăng cường các giải pháp, chính sách về tạo việc làm để thu hút hết số lượng lao động vào guồng máy sản xuất tạo ra của cải cho xã hội và thu nhập cho người lao động, giảm nghèo tới mức thấp nhất, ổn định đời sống nhân dân…

Sáu là, từng bước tái cấu trúc nền kinh tế theo phương hướng thiết lập một cơ cấu kinh tế dựa trên công nghệ xanh và giá trị gia tăng cao, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và thân thiện với môi trường. Đây là thời điểm cơ hội và thuận lợi nhất để tái cấu trúc nền kinh tế theo phương hướng trên nhằm phục vụ mục tiêu "vàng" - tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bảy là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ tất cả các thủ tục hành chính gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh, thực hiện "cơ chế một cửa"; nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện của bộ máy Nhà nước, đưa chính sách và mục tiêu thành hiện thực trong cuộc sống.

Tám là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chủ trương chính sách, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội từ nhận thức đến hành động. Phải công khai và minh bạch thông tin, làm rõ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác thông tin tuyên truyền phải vì lợi ích của đất nước, của nhân dân và phải kịp thời bác bỏ những thông tin thất thiệt; tạo ra nhận thức đúng đắn và sự đồng thuận xã hội cao, hành động theo cùng một hướng. Thời gian qua chúng ta đã ngày càng làm tốt hơn yêu cầu này. Cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Các giải pháp trên đây phải được tiến hành đồng bộ trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân và các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như: ngân hàng, tài chính, tín dụng …

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý thông minh của Chính phủ và sự đồng thuận cao của nhân dân, cùng với những giải pháp tối ưu nói trên, chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu hồi phục nhanh, tăng trưởng cao và bền vững.

 

  • PGS. TS Cao Duy Hạ  (Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất