Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 15/3/2010 14:20'(GMT+7)

Từ các mô hình “hiểu dân” và “dân hiểu” tại TPHCM: Nghe dân nói, làm dân tin

Một lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo ở TTBDCT q. Tân Phú - Tp. Hồ Chí Minh

Một lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo ở TTBDCT q. Tân Phú - Tp. Hồ Chí Minh

Rủ nhau đi học chính trị

Tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Tân Phú, hình ảnh mấy chục người, trẻ có, già có là người dân trong quận cặm cụi ghi chép, chăm chú nghe thầy giảng về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc. Mục đích của việc tổ chức lớp học này, theo quận Tân Phú là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng nhưng không chỉ đơn thuần nâng tầm đội ngũ cán bộ đảng viên mà còn xây dựng một nền tảng tư tưởng vững chắc trong nhân dân.

Từ quan điểm này của Quận ủy Tân Phú, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của quận đã triển khai đề án “Công tác chính trị tư tưởng hướng về cơ sở”, trong đó tập trung công tác giáo dục lý luận chính trị cho lực lượng cán bộ khu phố, tổ dân phố và quần chúng nhân dân. “Ban đầu cũng lo lắm, không biết chiêu sinh được không, nhất là quần chúng cốt cán. Sau khi Đảng ủy 11 phường triển khai chủ trương này tới từng tổ dân phố thì đã có khá đông bà con ủng hộ. Từ đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của quận xây dựng kế hoạch và tổ chức thí điểm lớp sơ cấp lý luận chính trị dành cho quần chúng” - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Phú Lê Công Đồng nói.

Sau thời gian vận động, tuyên truyền, đã có 42 học viên tình nguyện tham gia theo học chính trị ngoài giờ vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần với số lượng 314 tiết học. Dù còn ít học viên, nhưng mọi người học tập với tinh thần sôi nổi, nghiêm túc hiếm thấy, nhất là vào giờ thảo luận. Một học viên ở phường 2, quận Tân Phú cho biết: “Anh chị em trong lớp học tập rất nghiêm túc. Lúc đầu nghe thầy giảng cũng thấy khô khan nhưng càng học càng thấy nhiều điều lý thú. Tôi thích nhất môn Triết học, vì nó giúp tôi điều chỉnh hành vi của mình qua cách nhìn nhận, đánh giá một sự việc khách quan và chính xác”. Học viên này cho biết thêm, nhiều học viên trong lớp say mê học tập là nhờ các bài giảng súc tích, ngắn gọn, dể hiểu và được minh họa bằng thực tiễn.

Dù mới là lớp đầu tiên làm điểm nhưng bước đầu quận Tân Phú đã thành công trong việc đưa chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng đến với một bộ phận người dân trên địa bàn dân cư. Dự kiến trong năm 2010, quận Tân Phú sẽ mở lớp sơ cấp chính trị cho quần chúng và sau đó sẽ mở lớp định kỳ hàng năm nhằm đưa những môn học chính trị, lý thuyết tưởng chừng khô khan đến với người dân.

Thăm dò ý dân

Ở quận Bình Thạnh, để nắm bắt tâm tư, tình cảm và kiến nghị của bà con trong việc thực hiện các dự án đền bù, giải tỏa, Ban Tuyên giáo Quận ủy Bình Thạnh đã tổ chức lấy phiếu thăm dò dư luận trong nhân dân. Đây là mô hình “hiểu dân” được quận Bình Thạnh triển khai thời gian qua nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Mục đích của mô hình này chính là lấy kết quả thăm dò dư luận nhân dân để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Qua kết quả khảo sát, có gần 36% ý kiến người dân đồng tình với chủ trương quy hoạch, giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới và các công trình phúc lợi “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tuy nhiên, có đến gần 49% hộ dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc thu hồi đất vì lợi ích chung của cả cộng đồng mà chỉ nghĩ đơn giản là ảnh hưởng tới cuộc sống bản thân và gia đình. Lại có một bộ phận người dân (51,2%) chưa hiểu rõ thu hồi đất để làm gì; gần 50% người dân chưa thỏa mãn về những chính sách hỗ trợ sau khi thu hồi đất; hơn 41% chưa đồng tình phương án tái định cư và đặc biệt, có tới 44,4% người dân được hỏi bất bình với cán bộ công chức trong khi làm nhiệm vụ.

Từ kết quả điều tra này, Ban Tuyên giáo quận Bình Thạnh tham mưu cho Ban Thường vụ Quận ủy kịp thời có những chỉ đạo sâu sát và chặt chẽ hơn khi thực hiện các dự án trên địa bàn. Trong đó tập trung xem xét phương án đền bù tái định cư, đưa công tác tuyên tuyền sâu rộng tới khu phố, tổ dân phố, đồng thời chấn chỉnh thiếu sót của cán bộ công chức khi thực hiện chuyên môn.

Với cách làm tương tự khi thực hiện khảo sát trên đội ngũ trí thức, Ban Tuyên giáo có cơ sở tham mưu cho Ban Thường vụ Quận ủy Bình Thạnh thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TƯ về xây dựng đội ngũ trí thức sát với tình hình địa phương, từ đó quận thường xuyên gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe ý kiến của trí thức đồng thời tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng sáng tạo, cống hiến./.

(Theo SGGP online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất