(TG) - Tổ chức giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những công việc cần thiết nhằm góp phần lan tỏa những gương người tốt, việc tốt để xã hội chúng ta ngày càng nhiều những “bông hoa đẹp” như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn và mong muốn.
Sau thành công của chương trình giao lưu với các điển hình tiêu biểu khu vực miền Bắc, tại Hà Nội tối 24/8, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Thành ủy Hà Nội tổ chức Giao lưu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thế Kỷ, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình giao lưu; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đến tham dự Chương trình.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chủ trương lớn của Đảng ta, là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tại nhiều địa phương, đơn vị trên toàn quốc đã xuất hiện những tấm gương điển hình tiêu biểu. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, các cá nhân điển hình đã vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào công việc hằng ngày; mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
Đồng chí Võ Văn Thưởng trò chuyện với điển hình tiêu biểu Sùng A Lầu. (Ảnh: Minh Thế)
Theo Ban tổ chức chương trình, Giao lưu điển hình tiêu biểu học tập và làm theo gương Bác là một trong những công việc cần thiết nhằm góp phần lan tỏa những gương người tốt, việc tốt để xã hội chúng ta ngày càng nhiều những “bông hoa đẹp” như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn và mong muốn.
Tại buổi giao lưu, nhiều câu chuyện cảm động, chân thực đã được các điển hình tiêu biểu đến từ mọi vùng, miền Tổ quốc chia sẻ tới khán giả; khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự khơi lên ngọn lửa thi đua ái quốc gắn liền với đời sống, nhiệm vụ của đơn vị và địa phương; từ việc học và làm theo Bác, mỗi việc làm tốt đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội...
“ĐẠO PHÁP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”
Với phương châm “Đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội”, sư cô Thích Nữ Uyên Liên, Trụ trì Chùa Phổ Quang, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã luôn thành tâm, kêu gọi cộng đồng phật tử chung tay chia sẻ khó khăn với người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn và đồng bào bị lũ lụt thiên tai.
Sư cô Thích Nữ Uyên Liên chia sẻ về những điểm tương đồng trong giáo lý Đạo Phật với tư tưởng Hồ Chí Minh mà bản thân luôn tu tập và thực hành theo. (Ảnh: Minh Thế)
Trong nhiều năm qua, sư cô đã tiếp nhận, nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ và trẻ bị bỏ rơi, với mong muốn bù đắp, giúp các em vơi đi nỗi buồn, thiệt thòi, thiếu thốn về tình cảm để sau này khôn lớn là công dân có ích cho xã hội; răn rạy các em thông hiểu giáo lý của đức Phật để trở thành người đức độ, luôn giúp đỡ mọi người.
Nói về những điểm tương đồng trong giáo lý Đạo Phật với tư tưởng Hồ Chí Minh, sư cô Thích Nữ Uyên Liên khẳng định, dù là người xuất gia, nhưng sư cô luôn tâm niệm và làm theo những lời dạy của Bác Hồ về tình yêu Tổ quốc; về nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; đặc biệt là tình yêu thương nhân ái đối với con người.
Nhắc lại một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”, sư cô cho rằng chính những tư tưởng như thế của Bác Hồ đã luôn thôi thúc bản thân phải luôn cố gắng, quyết tâm làm nhiều việc thiện, việc tốt, sống “tốt đời đẹp đạo”...
Với những tâm niệm như thế, 13 năm qua, cùng với sự chung tay giúp đỡ của Phật tử gần xa, sư cô đã chăm sóc, nuôi dưỡng gần 50 em nhỏ khôn lớn, được học hành chu đáo. Trong đó có 7 em đã học Đại học Phật giáo, 2 em học Cao đẳng Phật giáo, 7 em học Trung cấp Phật giáo, tốt nghiệp cấp III có 4 em, nhiều em đang tiếp tục học từ cấp I đến cấp III. Sư cô cùng nhà chùa đang tiếp tục chăm sóc nhiều trẻ nhỏ từ sơ sinh đến lứa tuổi mẫu giáo.
Định kỳ hàng tháng, Chùa Phổ Quang cùng các phật tử còn cung cấp gần 1.000 suất cơm từ thiện tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, bản thân sư cô đã góp phần cùng với Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh tổ chức thành công các chương trình “Hỗ trợ mùa thi”...
HỌC VÀ LÀM THEO BÁC GIÚP MÌNH SỐNG TỐT HƠN
Đó là tâm sự của Sùng A Lầu, sinh năm 1985, dân tộc Mông trắng, hiện đang cư trú lại xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang. Anh nói: Là một trong số ít con em của thôn học hành “đến đầu đến đũa”, nên được tiếp nhận những kiến thức bổ ích, thiết thực cho cuộc sống của mình. Cùng với kiến thức được trang bị trong học tập, việc học và làm theo gương Bác Hồ đã cho “cái đầu của mình sáng ra”, giúp mình sống tốt hơn. Vận dụng những điều đó vào công việc và cuộc sống ở địa phương đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, không chỉ thay đổi dược tư duy, tập quán lạc hậu của bà con mình, mà còn từng bước nâng cao được đời sống kinh tế trong quá trình “hạ sơn” của đồng bào Mông trắng.
Bí thư Chi bộ Sùng A Lầu kể về quá trình thay đổi tập quán canh tác lúa nước của đồng bào Mông trắng ở thôn Lũng vài. (Ảnh: Minh Thế)
Là Bí thư chi bộ thôn Lũng vài, xã Côn Lôn (huyện Na Hang), nơi có 100% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó đa số là đồng bào Mông, Bí thư Sùng A Lầu đã vượt lên khó khăn, đi trước thử nghiệm những phương pháp canh tác mới rồi hướng dẫn bà con thôn bản làm theo. Nhờ những cố gắng, quyết tâm và sự gương mẫu “đi trước, nói trước, làm trước”, nên Bí thư Súng A Lầu đã có được những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế gia đình, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế tại thôn bản.
Bây giờ ở thôn Lũng Vài, người dân hoàn toàn tin tưởng vào Bí thư Sùng A Lầu, “Chỉ cần Sùng A lầu bảo, là chúng tôi làm theo”.
Không chỉ luôn gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sùng A Lầu còn là một cán bộ năng động, quyết đoán. Anh nói: Nhiều việc liên quan đến cuộc sống của đồng bào mình, nhất là thay đổi tập quán lạc hậu, chỉ đạo những phương pháp, cách làm cụ thể để bà con khắc phục thiệt hại do thiên tai… thì mình phải tự quyết thôi, chứ không thể ngồi nên ngồi chờ chỉ đạo của cấp trên.
Tại Hội nghị toàn tỉnh sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (dịp19/5/2018), đồng chí Sùng A lầu đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2018.
LAN TỎA NHỮNG VIỆC LÀM BÌNH DỊ MÀ CAO QUÝ
Cùng với Sư cô Thích Nữ Uyên Liên, Bí thư Chi bộ Sùng A Lầu, nhiều câu chuyện và kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến trong học và làm theo gương Bác được chia sẻ tại chương trình Giao lưu đã thực sự để lại ấn tượng với mọi người tham gia.
Đại úy Đoàn Tư Thiên tâm sự về những khó khăn trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. (Ảnh: Minh Thế)
Đó là Đại úy Đoàn Tư Thiên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, luôn phấn đấu làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Với sự cần mẫn, anh đã trực tiếp tham gia xác minh, hoàn chỉnh 1.154 bộ hồ sơ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với các trường hợp từng trực tiếp tham gia kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc... để đề nghị cấp trên giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó, anh còn phối hợp với đồng đội quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ và tổ chức đón tiếp các gia đình thân nhân liệt sĩ chu đáo tận tình.
Cùng với thực hiện tốt việc giải quyết chính sách, anh còn tham mưu Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện thường xuyên quan tâm chú trọng công tác giáo dục nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về công tác chính sách hậu phương quân đội.
Công nhân Lê Quốc Thanh giao lưu tại chương trình. (Ảnh: Minh Thế)
Đó là công nhân Lê Quốc Thanh, Công ty Cao su Lộc Ninh, không chỉ cùng với tổ và Chi đoàn Thanh niên quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt tư tưởng thông qua chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hằng tháng, mà anh còn luôn chủ động học tập, nâng cao tay nghề, đề xuất các giải pháp cải tiến trong chuyên môn. Năm 2016 với vai trò nhóm trưởng, Lê Quốc Thanh cùng với 2 công nhân trong dây chuyền đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp cải tiến dây chuyền sản xuất mủ cốm tạp, giảm bớt 2 công đoạn (bỏ qua máy cắt thô 2 và máy băm búa). Giải pháp này được đưa vào sử dụng năm 2017, cho chế biến thành công 3.155 tấn sản phẩm và tiết giảm chi phí điện năng cũng như nhân công lao động với tổng chi phí là 450.000.000đồng/năm. Sáng kiến này đã đạt giải trong cuộc thi Festival “sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X năm 2017.
Thiếu úy Nguyễn Duy Tưởng kể lại thời khắc băng mình xuống nước cứu người. (Ảnh: Minh Thế)
Hay như Thiếu úy Cảnh sát Giao thông Nguyễn Duy Tưởng, một trong những tấm gương điển hình về học tập và làm theo Bác của Công an tỉnh Nghệ An, người đã không đắn đo, quản ngại, mặc nguyên đồng phục cảnh sát lao mình xuống sông cứu người bị nạn. Hành động đó của Thiếu úy Nguyễn Duy Tưởng được nhân dân khâm phục và được cán bộ chiến sỹ, chỉ huy Công an huyện Đô Lương ghi nhận và đánh giá cao. Anh cũng đã từng được lãnh đạo tuyên dương về thành tích dũng cảm khống chế, bắt giữ các nghi phạm buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, lâm sản, ma túy....
Cán bộ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam giao lưu tại chương trình. (Ảnh: Minh Thế)
Đó còn là Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC), trực thuộc Đảng bộ Cục Hàng Hải Việt Nam với hơn 300 chiến sĩ thầm lặng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã có gần 22 năm “liều mình ngược bão”, chiến đấu với sự dữ dội của biển khơi, để gom góp niềm hạnh phúc bằng sự an toàn, bình yên của cuộc sống người dân trên biển.
Đồng chí Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam. (Ảnh: Minh Thế)
Đến từ những vùng miền Tổ quốc, ngành nghề, công việc khác nhau, nhưng tất cả những điển hình tiêu biểu tham dự cuộc giao lưu đều có điểm chung là nỗ lực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những việc làm bình dị nhưng cao đẹp của từng cá nhân đã góp phần lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, thiết thực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Ca khúc "Người là niềm tin tất thắng" - một trong những tiết mục văn nghệ tại chương trình giao lưu. (Ảnh: Minh Thế)
Tại buổi giao lưu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo chương trình giao lưu Nguyễn Thế Kỷ đã trao tặng Kỷ niệm chương cho những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Hoàng Thế