Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 2/7/2009 21:8'(GMT+7)

Nhân quyền và nhân ái trong truyền thống Việt Nam

Bảo vệ nhân quyền và thực hành nhân ái là những phẩm chất đã từng tồn tại hàng nghìn năm trong cuộc sống đời thường của con Lạc cháu Hồng. Bởi vì từ khi lập quốc đến nay, dân tộc Việt Nam luôn phải đấu tranh giành cho kỳ được quyền được sống trong độc lập tự do – một nhân tố cơ bản trong nhân quyền, và xây dựng cuộc sống nhân ái – yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người và người. Trong hiện thực xã hội Việt Nam, hai phạm trù nhân quyền và nhân ái luôn gắn bó với nhau một cách hữu cơ và biện chứng. Trong nhân quyền có nhân ái và ngược lại trong nhân ái có nhân quyền. Cũng như khi hành động thì cái này là nhân cái kia là quả, cái này là hiện tượng, là bản chất của cái kia và ngược lại. Cụ thể như trong lời khái quát tinh hoa truyền thống yêu nước của dân tộc ta, Nguyễn Trãi đã viết:

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược

Có nhân, có trí, có anh hùng.

Thực tế thì, có: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược” để bảo vệ quyền sống con người mới có được nhân, được trí, được anh hùng. Như vậy là từ cái “nhân” trên mà có cái “quả” dưới. Và ngược lại, người có nhân, có trí, có anh hùng thì tất yếu không thể không đấu tranh để “trừ độc, từ tham, trừ bạo ngược”.

Luận đề có tính triết học này có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ hai phẩm chất “Bảo vệ nhân quyền” và “Thực hành nhân ái” của dân tộc ta trong quá khứ trường tồn cũng như trong đấu tranh hiện tại.

Trước hết nói về nhân quyền. Từ khi lập quốc, ông cha ta đã quyết hy sinh xương máu giành cho kỳ được quyền sống trên giải đất Giao Chỉ, Cửu Chân yêu quý ngày xưa, mà sau là Đại Việt, nay là Việt Nam. Ông cha ta lập quốc trên lưu vực sông Hồng, sông Mã nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Hai dòng tộc Lạc Việt và Âu Việt từng tồn tại cùng với nhiều tộc Việt khác, được mệnh danh là Bách Việt ở phía Nam Trung Quốc, mà Hán tộc kỳ thị gọi chung là Nam Man. Hiểm họa bị thôn tính và đồng hóa luôn treo trước mắt các tộc phương Nam này. Âëy vậy mà sau khi các tộc Việt khác không còn thì hai tộc Lạc Việt và Âu Việt hợp nhất thành Đại Việt vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Đó là nhờ ở đấu tranh kiên trì bất khuất cho quyền được sống trong độc lập tự do trên giải đất mà ông cha mình đã lựa chọn, tên tuổi mình được khắc ghi.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền đó luôn đi đôi với truyền thống đối xử nhân ái giữa người với người:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Còn đoàn kết yêu thương giữa các tộc người thì:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Khi có ngoại xâm thì “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Cả đến thiếu niên nhi đồng cũng đánh. Thực tế này đã được ghi thành huyền thoại về “Phù Đổng Thiên Vương”.

Còn trong cuộc sống đời thường thì: “Thương người như thể thương thân”. Chính vì biết thương thân mình mà mới biết thương thân người khác. Bà Triệu, một nữ anh hùng đã biết thương thân mình, tự hào với vai trò “Người con gái đất Việt anh hùng”, đã nói lên lời bất hủ: “Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người” (LSVN, t.1, Nxb KHXH, 1971, tr.109).

Đây cũng là sự khẳng định sớm nhất quyền con người của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử.

Nhờ có cuộc sống cộng đồng làng xã nhằm chống thiên tai địch hoạ, nên chế độ chiếm hữu nô lệ – chế độ người đối với người tàn bạo như người đối với vật – đã không tồn tại sâu đậm trong dân tộc Việt Nam. Những gia nô, nô tỳ – thuộc hình thái đặc thù của nô lệ ở Việt Nam, tuy tồn tại đến tận thời Lý, Trần nhưng họ vẫn có thân phận con người, có quyền sống và có cơ hội để thành đạt như Dã Tượng, Yết Kiêu, từng là gia nô, trở thành danh tướng.

Cả trong đấu tranh giành độc lập tự do, cha ông ta cũng cố tránh đổ máu, thực hành nhân ái khoan dung để tránh nạn can qua. Họ Khúc dấy nghiệp ở thế kỷ X giành được quyền tự chủ nhờ khôn khéo, không dùng binh mà dùng cải cách để chiếm lấy chính quyền. Trước đó bọn đô hộ Tùy Đường chỉ nắm được chính quyền từ trên xuống, từ Thái thú, Thứ sử… đến quận lệnh, huyện lệnh, thì nay họ Khúc nắm chính quyền từ thôn xã trở lên. Đối lập với chính sách tàn bạo của Tuỳ Đường, họ Khúc đã thi hành chính sách “Khoan, giản, an, lạc” tức “Khoan sức dân, giản chính sự, sống an cư, lạc nghiệp”.

Tới các thời đại độc lập tự chủ, từ thế kỷ X đến nay, quyền sống của con người Việt Nam luôn được chăm lo bảo đảm trên hai phương diện: Độc lập dân tộc và cải thiện dân sinh. Các chiến công thắng Tống, thắng Nguyên, thắng Minh, thắng Thanh xưa và thắng Pháp, Nhật, Mỹ ngày nay đều là những chiến công bảo vệ nhân quyền – bảo vệ quyền sống cho mình và góp phần vào bảo vệ quyền sống của cả loài người tiến bộ. Các cuộc phục hưng kinh tế, văn hóa, xã hội sau chiến thắng cùng với hàng chục cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử đều là từng bước nâng cao quyền sống con người.

Những anh hùng dân tộc trong lịch sử chỉ có thể làm nên sự nghiệp lớn khi biết cố kết cộng đồng, yêu nước thương dân. Nhà Lý dời đô ra Thăng Long để dân giàu nước mạnh. Nhà Trần thì sau chiến thắng Nguyên Mông đã nhân ái, khoan dung cho thiêu hủy hết sổ sách ghi tên những kẻ phản dân, hàng giặc để lôi kéo họ trở về với dân với nước. Trần Hưng Đạo khuyên vua Anh Tông: “Lúc thường thì khoan sức cho dân làm kế sâu rễ, bền gốc”. Nhân ái đó vừa vì nhân quyền, nhân sinh, vừa để tăng cường nội lực, cảnh giới ngoại xâm.

Đến Lê Lợi, Nguyễn Trãi thì:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Nhân quyền Việt Nam đã được bảo đảm với phương châm hành động:

“Vì đại nghĩa mà thắng hung tàn

Lấy chí nhân mà thay cường bạo”.

Tới thời cận đại, Phan Châu Trinh đi tiên phong trong bảo vệ nhân quyền được Hội nhân quyền Pháp ủng hộ, Phan Bội Châu thì quyết hy sinh xả thân cho quyền độc lập tự do của dân tộc. Trong “ái Quốc ca” Phan Bội Châu đã gắn lòng yêu nước thương nòi với tình yêu non sông gấm vóc:

“Nay ta hát một thiên ái quốc

Yêu gì hơn yêu nước nhà ta

Trang nghiêm bốn mặt sơn hà

Ông cha ta để cho ta lọ vàng…”

Phan Bội Châu lên án thực dân xâm lược bạo tàn:

Nó coi mình như trâu như chó

Nó coi mình như cỏ như rơm

Trâu nuôi béo cỏ coi rờm

Cỏ moi rễ cỏ, trâu làm thịt trâu…

Để cuối cùng nêu cao đoàn kết, cổ vũ mọi người đứng lên lấy nhân nghĩa mà chống bạo tàn:

“Hợp muôn sức ra tay quang phục

Quyết có phen rửa nhục báo thù…”

Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học yêu nước bất khuất, khi tình thế buộc phải nổi dậy, biết chưa giành được thắng lợi nhưng cũng tin rằng “Không thành công cũng thành nhân”. Cái “nhân” ở đây chính là nhân quyền, nhân sinh, nhân đạo, nhân ái, nhân nghĩa… mà các nhà yêu nước đã lựa chọn và mong đạt tới.

Đến phong trào dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì đấu tranh cho nhân quyền và nhân ái được phát huy đến một đỉnh cao mới: đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc mình luôn đi đôi với việc đấu tranh giành quyền sống cho mọi con người trên trái đất, giữ quyền tự quyết của dân tộc mình đi đôi với tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc khác, đưa cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta thành lá cờ đầu trong phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới:

“Ta vì ta ba chục triệu người

Cũng còn vì ba ngàn triệu trên đời” (Tố Hữu).

Trong cuộc đấu tranh này, cái nhân đi đôi với cái dũng:

Ngước mắt coi khinh nghìn lực sĩ

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng.

Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà Bác Hồ đúc kết đã trở thành một danh ngôn của thời đại. Nhân quyền và nhân ái trong tư duy chính trị của Đảng và Nhà nước ta với khẩu hiệu: “Tất cả do con người, tất cả vì con người” đã bao trùm lên mọi hoạt động đối nội lẫn đối ngoại. Ngay cả trong khi có bất đồng quan điểm trong nội bộ Đảng thì cũng lấy “cầu đồng tồn dị”, trị bệnh cứu người là chính, không sát hại lẫn nhau. Năm 1967, khi đoàn dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, đến thăm Bác Hồ, lúc ra về Bác tiễn ra tới cổng còn nhắn nhủ: “Các cô, các chú, lúc chiến đấu gian khổ có nhau thì khi thành công, có cuộc sống hạnh phúc đừng có quên nhau”.

Ngày nay nhân quyền, nhân ái ở Việt Nam được bảo đảm cả trong pháp luật lẫn trong cuộc sống đời thường và vẫn với tinh thần “Thương người, trừ bạo”. Có trừ bạo nghịch như bọn phá hoại quốc tế, bọn phản động dưới chiêu dân tộc, tôn giáo, bọn sâu mọt xã hội, mới bảo đảm được nhân quyền.

Đại đoàn kết toàn dân và phát huy truyền thống nhân quyền, nhân ái Việt Nam là một nét thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nét đặc sắc đó được coi là một đóng góp vào “Đa dạng văn hóa – Phát triển và toàn cầu hóa” do UNESCO đề xướng. Bởi vì chính nó đã xác định lập trường vững vàng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh để thực hiện và bảo vệ nhân quyền, đang được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ./.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất