Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 15/5/2013 21:58'(GMT+7)

Nhân rộng mô hình Quỹ CEP trợ vốn CNVC-LĐ nghèo

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong những năm qua, với uy tín và hiệu quả hoạt động, Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm – Quỹ CEP (trực thuộc LĐLĐ TPHCM) và các quỹ trợ vốn khác thuộc hệ thống Công đoàn đã thu hút gần 360 tỉ đồng từ các dự án chương trình trợ giúp người lao động nghèo của địa phương, vốn tài trợ của các tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức tài chính nước ngoài.

Nổi bật nhất là Quỹ CEP đã cấp vốn đến tận tay 1,7 triệu lượt hộ công nhân nghèo (76% là lao động nữ) với tổng số vốn phát vay hơn 10.500 tỉ đồng; giúp 214.075 công nhân tiết kiệm được 183 tỉ đồng; hỗ trợ 23.634 lượt hộ sửa chữa nhà cửa với số vốn hơn 183 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn của Quỹ CEP và các quỹ khác là chỉ đáp ứng được từ 1% đến 10% nhu cầu vay vốn của CNVC-LĐ nghèo trong khi cả nước có đến 450.000 CNVC-LĐ nghèo cần hỗ trợ vốn. Từ thực tế này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Đề án "Nhân rộng mô hình quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước".

Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, hiện cả nước vẫn còn khoảng 15% hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đang cần trợ giúp vốn làm ăn với mức vay trên dưới 7 triệu đồng/người, trong đó có nhu cầu của hơn 450.000 CNVC-LĐ nghèo. Đây là khoản tiền vượt sức của tổ chức Công đoàn các cấp. Mặc dù quỹ CEP đã hỗ trợ hàng chục ngàn người thoát nghèo nhưng cũng chỉ mới phục vụ được 15-20% nhu cầu của người lao động. Trong thời gian tới, quỹ CEP và các quỹ trợ vốn khác sẽ bị giảm do phải trả nợ vốn vay. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước ít nhất 3.000 tỉ đồng để giải quyết vốn vay cho hơn 450.000 CNVC-LĐ nghèo nói trên. 

Góp ý cho Đề án, nhiều đại biểu cho rằng, xuất phát điểm thành lập từng quỹ khác nhau, nên việc tổ chức hoạt động của các quỹ chưa có sự thống nhất về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động. Do vậy, để nhân rộng mô hình Quỹ CEP, nhất thiết phải có quy định thống nhất về tổ chức bộ máy hoạt động, cơ chế quản lý tài chính chung. Cụ thể, Chính phủ phải có văn bản hướng dẫn thêm về tổ chức, hoạt động của các quỹ trợ vốn trực thuộc Công đoàn. Nội dung tổ chức hoạt động của quỹ cần quy định rõ đối tượng, phạm vi cho vay, cơ chế huy động tiết kiệm. Đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cho phép Quỹ CEP và các quỹ trợ vốn khác của CĐ tiếp tục thực hiện mục đích hoạt động phi lợi nhuận, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực tài chính, Quỹ CEP và các quỹ trợ vốn Công đoàn cần tích cực huy động tiết kiệm của CN; khai thác nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các cá nhâ, tổ chức Công đoàn trên địa bàn để bổ sung nguồn vốn hoạt động.

Một số ý kiến còn cho rằng, đối tượng phục vụ của quỹ là người lao động nghèo, không có tài sản thế chấp nên khả năng thu hồi dễ gặp rủi ro. Do vậy ngoài việc cung cấp thêm vốn, cần có các thiết chế cần thiết để hoạt động của quỹ được đảm bảo và phát huy mục đích. 

Theo Đề án "Nhân rộng mô hình quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước", mô hình quỹ CEP sẽ được nhân rộng với sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước, nằm trong hệ thống tổ chức công đoàn giúp CNVCLĐ nghèo tiếp cận được vốn tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm bình quân 2%/năm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2020. Trong đó, phấn đấu giúp tăng thêm từ 100.000 – 150.000 người được sử dụng vốn ở giai đoạn 2013-2015 và 200.000-250.000 người trong giai đoạn 2016-2018. Đến năm 2018, phấn đấu thành lập 40 quỹ theo mô hình quỹ CEP trên phạm vi cả nước.

 Quỹ CEP ra đời đầu tiên tại TPHCM (1991). Hiện nay, ngoài quỹ CEP tại TPHCM còn có 4 quỹ trợ vốn của 4 địa phương khác là Hà Nội, Quảng Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu đang phát huy hiệu quả.

Nhật Thụy


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất