Mara Proctor từng thiết kế nội thất cho những ngôi nhà sang trọng gần thành phố Kansas, Mỹ. Nhưng giờ đây cô làm công việc trông coi, dẫn khách và giới thiệu sản phẩm trong một cửa hàng bán tượng gỗ làm bằng tay. AP cho biết, để có được công việc thiết kế nội thất với mức thù lao ngất ngưởng, Proctor phải bỏ ra 6 năm để học ngành thiết kế trong một trường đại học.
Nhưng rồi cuối năm 2009 cô nằm trong số hàng triệu người Mỹ mất việc. Và cô bỗng nhiên thuộc về nhóm các nhân tài thất nghiệp như giám đốc, giáo viên, kỹ sư, lập trình viên, nhà thiết kế đang tìm mọi cách để có một công việc thời vụ vào những ngày lễ.
Ở tuổi 32, Proctor từng nhảy việc dễ dàng trong 6 năm trước đó. Cứ sau mỗi lần thay đổi công ty cô lại nhận được công việc với mức thù lao và chức vụ cao hơn. Năm 2008 cô làm việc cho một nhà thầu. Công việc của cô là dùng chương trình máy tính để vẽ các sàn nhà.
Proctor kể cô bị công ty cũ sa thải từ tháng 3 năm ngoái. Lúc đầu nhà thiết kế nghĩ cô sẽ chỉ thất nghiệp trong vài tuần và sẽ nhanh chóng tìm được chỗ làm mới.
“Đó là một suy nghĩ ngây thơ. Tôi lục danh bạ điện thoại và liên lạc với những người quen. Chẳng bao lâu sau tôi nhận ra rằng nhiều người trong số họ cũng vừa mất việc. Thế là danh bạ của tôi trở nên vô nghĩa”, Proctor kể.
Thị trường lao động đã sụp đổ. Khoản tiền tiết kiệm của Proctor nhanh chóng ra đi. Thế là cô quyết định tìm công việc bán hàng.
Những doanh nghiệp bán lẻ nhận thấy lượng đơn xin việc của những người có trình độ chuyên môn cao cho vị trí bán hàng trong năm nay có xu hướng tăng dần.
“Các nhân viên môi giới chứng khoán ở phố Wall, chủ doanh nghiệp nhỏ là hai trong số những đối tượng muốn tìm công việc bán hàng thời vụ trong những ngày lễ”, Ellen Davis, phó chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ, nói với AP.
Lương thấp, công việc chỉ mang tính tạm thời và không tương xứng với chuyên môn hay kinh nghiệm trước kia là những vấn đề mà đội ngũ nhân lực cao cấp phải đối mặt khi tìm kiếm công việc bán hàng. Nhưng cuộc khủng hoảng việc làm tại Mỹ khiến nhiều người trong số họ làm những công việc thời vụ lâu hơn nhiều so với dự tính ban đầu.
Trong một thị trường lao động ảm đạm, công việc thời vụ trong những ngày lễ là giải pháp cứu cánh cho những người thất nghiệp dài hạn. Nhưng ngay cả việc tranh giành những công việc như thế cũng không hề dễ dàng vì phần lớn doanh nghiệp bán lẻ đều thu hẹp hoạt động. Tính trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ, cứ mỗi vị trí bán hàng thì có tới 6 ứng cử viên nộp đơn. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu vào tháng 12/2007, chỉ có trung bình 1,7 người nộp đơn cho một vị trí ấy.
Đối với các cửa hàng hay siêu thị, việc sử dụng những nhân viên thu ngân hay bán hàng có trình độ chuyên môn cao hoặc kinh nghiệm quản lý là một sự xa xỉ.
“Tình trạng dư thừa nhân sự cao cấp cho phép chúng tôi chọn lựa những người có trình độ chuyên môn rất cao chỉ để làm công việc thu ngân, bán hàng hay hướng dẫn khách”, Glenn Album, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự của công ty Toys R Us, phát biểu. Album cho biết, Toys R Us từng tuyển giáo viên và kế toán làm nhân viên bán hàng trong năm 2009.
“Điều tuyệt vời nhất mà những nhân sự có trình độ cao mang đến là sự cải thiện về chất lượng dịch vụ”, AP dẫn lời Album.
Chính phủ Mỹ dự tính các công ty bán lẻ trả cho nhân viên bán hàng trung bình 13 USD một giờ. Proctor không nói cô mức thù lao mà cô được nhận, nhưng nói rằng nó thấp hơn rất nhiều so với mức lương của cô trước kia và cao hơn so với khoản trợ cấp thất nghiệp 400 USD mỗi tuần mà cô đang nhận.
Đối với công ty Hoffman's Chocolates, bang Florida, tìm kiếm nguồn lao động có trình độ cao trong những ngày lễ là việc khó khăn trong những năm trước. Nhưng cuối 2009, tình hình đột nhiên thay đổi. Fred Meltzer, giám đốc điều hành của Hoffman's Chocolates, cho biết, công ty đăng thông báo tuyển 45 vị trí làm việc trong nhà máy chocolate và cửa hàng. Sau đó Meltzer nhận được 550 hồ sơ. Trong số những ứng cử viên có những người từng làm trong ngành bưu điện và luật. Nhưng ứng cử viên có vẻ sáng giá nhất là Lisa Pagan, từng làm quản lý siêu thị.
Khi đọc thông báo tuyển dụng của Hoffman's Chocolates, Pagan nghĩ rằng cơ hội của cô rất lớn. Trên thực tế người phụ nữ 38 tuổi ứng tuyển một vị trí có mức lương chưa bằng một nửa so với mức lương mà cô nhận khi vẫn làm quản lý siêu thị. Nhưng sau khi sống trong cảnh thất nghiệp suốt một năm, Pagan không hề phàn nàn về mức lương ấy.
“Tình hình việc làm hiện nay rất đáng sợ. Các công ty có thể đưa ra hàng trăm lý do để không tuyển bạn. Sau vài lần như thế tôi bắt đầu phát hoảng”, bà mẹ của hai đứa con và đã li dị chồng tâm sự.
Tại cửa hàng quần áo Showtime Detroit trong thành phố Detroit, giám đốc Dan Tatarian nhìn thấy bản lý lịch của nhiều nhân viên môi giới thế chấp trong đống hồ sơ xin việc.
“Họ chỉ muốn một công việc và không quan tâm họ sẽ phải làm gì”, Tatarian nói với AP.
Những câu chuyện trên phản ánh tâm trạng tuyệt vọng của những người thất nghiệp có trình độ cao khi đối mặt với một thị trường lao động ảm đạm và khắc nghiệt. Đó là nhận xét của John Lonski, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của tập đoàn nghiên cứu thị trường vốn Moody. Mặc dù nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại, các công ty vẫn chưa đủ tự tin trong việc thuê thêm nhân công.
“Các công ty vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với đội ngũ nhân công mà họ đang có. Vì thế họ luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tuyển thêm người”, Lonski giải thích.
Tình trạng cạnh tranh diễn ra đặc biệt khốc liệt trong ngành bán lẻ vì ngành này đã cắt giảm khoảng một triệu việc làm kể từ tháng 1/2008. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ chủ trương duy trì số lượng nhân viên bán hàng ở mức tối thiểu do lo ngại người dân giữ chặt hầu bao.
“Số việc làm ngày càng giảm nhưng số người ứng tuyển lại tăng”, Davis nhận xét.
Điều đó giải thích tại sao Scott Beebe, một kỹ sư có hai bằng thạc sỹ và 8 năm kinh nghiệm phát triển sản phẩm cho hãng General Motors lại làm công việc bán hàng qua mạng cho công ty Moosejaw Mountaineering.
Chàng kỹ sư 33 tuổi bị General Motors sa thải hồi tháng 9 khi đang hưởng mức lương 75.000 USD/năm. Với kinh nghiệm 8 năm phát triển sản phẩm, anh tìm kiếm một công việc quản lý hoặc liên quan tới nghề cũ, nhưng không thành công.
Trong lúc quẫn bách, Beebe quyết định nhận công việc tạm thời trong trung tâm dịch vụ khách hàng của Moosejaw Mountaineering ở ngoại ô thành phố Detroit. Anh được trả 8 USD mỗi giờ.
“Công việc này giúp tôi tạm quên những ngày chạy khắp nơi để tìm việc”, anh nói.
Thái Dương (VnExpress)