Thứ Sáu, 15/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 24/2/2010 21:37'(GMT+7)

Hiện tượng "cô quan" ở Trung Quốc

Bành Gia Ngọc tại tòa án - Ảnh: Daily Mail

Bành Gia Ngọc tại tòa án - Ảnh: Daily Mail

Theo kinh nghiệm của các cơ quan chống tham nhũng, những ông quan này thường dính líu đến những vụ lạm dụng chức vụ để tham ô nhũng lạm. Người dân gọi những ông quan này là “cô quan”.

Cụm từ “cô quan” được các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc bầu chọn là một trong 10 cụm từ  thông dụng nhất năm 2009. Trong khi vợ con đều sống ở nước ngoài, các ông quan này sống một mình trong nước nhưng trong tay lúc nào cũng có thị thực nhập cảnh của một nước nào đó.

Hiện tượng “cô quan” đã có từ lâu ở Trung Quốc và thu hút mạnh mẽ sự chú ý dư luận trong nước. Đã có nhiều “cô quan” bị phát hiện tham nhũng và trả giá bằng những bản án đích đáng.

Một trong những “cô quan” khét tiếng nhất là Bành Gia Ngọc, sinh năm 1944, cựu phó chủ tịch hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân tỉnh Thiểm Tây, kiêm bí thư thành uỷ thành phố Bảo Khê. Vợ và con trai ông này định cư ở Canada từ năm 2002. Năm 2007, ông bị 11 bà vợ bé đồng loạt đứng đơn tố cáo ông tham nhũng và lạm quyền. Ông bị khai trừ đảng, cách chức và lãnh án 12 năm tù về tội tham nhũng và xao lãng trách nhiệm hồi năm 2008.

“Cô quan” thứ hai cũng khét tiếng không kém là Châu Kim Hoạt, cụu giám đốc văn phòng công thương nghiệp tỉnh Phúc Kiến. Tháng 6-2006, ông này bị bắt trong lúc tìm cách trốn đi nước ngoài khi các cơ quan chống tham nhũng điều tra những việc làm bất minh của y. Vợ và con y trước đó đã định cư tại Mỹ.

Luật sư Trọng Lợi, thuộc công ty luật Maxpro ở Bắc Kinh, nhận xét :”Các quan chức tìm cách đưa vợ con  ra nước ngoài sinh sống đáng để nghi ngờ tính thanh liêm và chính trực của ho”.

Giáo sư Hoàng Tùng Lượng công tác ở trường đại học Bắc Kinh nói cách hữu hiệu nhất để giảm nạn tham nhũng là thiết lập một hệ thống kiểm kê tài sản khả thi. Một vị giáo sư khác thuộc Học viện quản trị là Củng Vệ Bình đề xuất các quan chức có thân nhân ở nước ngoài phải làm báo cáo tài chính cá nhân, nơi ở và nơi công tác của thân nhân , lý do tại sao họ định cư ở nước ngoài.

Tháng giêng vừa qua, phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra thông tư quy định đảng viên phải báo cáo tài sản, ngành nghề đầu tư, việc làm của vợ con. Cũng theo thông tư này, chính quyền các cấp cần đặc biệt  giám sát các quan chức có thân nhân sinh sống ở nước ngoài.

Riêng chính quyền đặc khu Thâm Quyến, tháng 11-2009 có quy định cấm “cô quan” đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo đảng và chính quyền các cấp.

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy nhân dân Trung Quốc coi tham nhũng là mối quan tâm hàng đầu./.

(Theo Tuổi trẻ online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất