10 ngày sau khi lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế ở Áp-ga-ni-xtan do NATO chỉ huy bắt đầu mở chiến dịch Mu-sta-rắc truy quét Ta-li-ban, đã xảy ra hàng loạt sự kiện rắc rối liên quan tới vùng đất dữ Áp-ga-ni-xtan: Nội các Hà Lan sụp đổ, sự phản đối của người dân và quan chức các nước trong NATO ngày càng tăng và bi kịch hơn là hàng chục thường dân Áp-ga-ni-xtan đã bị chết oan trong các vụ bắn nhầm của NATO... NATO đang lúng túng do tranh cãi nội bộ về cuộc chiến ở đất nước Nam Á này.
Sau khi Chính phủ Hà Lan sụp đổ hôm 20-1 do bất đồng trong quyết định có kéo dài hay không sứ mệnh của lực lượng quân đội nước này ở Áp-ga-ni-xtan (theo đề nghị của NATO), dư luận nhiều nước châu Âu ngày càng thể hiện tâm lý lo ngại về việc triển khai thêm quân tại Áp-ga-ni-xtan. Truyền thông nước Đức trong mấy ngày qua đã liên tục đưa tin về sự kiện này ở Hà Lan, đặc biệt sau khi Thủ tướng Hà Lan G.Ban-kê-nen-dơ (Jan Peter Balkenende) tuyên bố ngày 21-2, rằng Am-xtéc-đam sẽ bắt đầu rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan từ tháng 8 tới. Sự hiện diện của khoảng 4.300 lính Đức tại Áp-ga-ni-xtan đang trở thành đề tài tranh luận trên chính trường Béc-lin.
Trong khi nhiều chính khách mong muốn Đức sớm rút quân khỏi “vũng lầy” Áp-ga-ni-xtan thì Thủ tướng A.Méc-ken (Angela Merkel) vẫn giữ cam kết sẽ phái thêm khoảng 500 quân sang Áp-ga-ni-xtan. Liên minh cầm quyền tại Đức hiện cũng bị chia rẽ trong vấn đề kéo dài thời gian hoạt động của lực lượng Đức. Mới đây, Ngoại trưởng Đức G.Vét-xtơ-ven (Guido Westerwelle), thuộc đảng Dân chủ Tự do tuyên bố, Đức có thể sẽ bắt đầu rút quân vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, bà Méc-ken lại không khẳng định thời điểm cụ thể, nhưng nhấn mạnh đến 2014, khi Áp-ga-ni-xtan có thể tự bảo đảm an ninh.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù NATO và Mỹ đang rất mong đợi có thêm quân chi viện hòng mở các chiến dịch phản công và truy quét Ta-li-ban, nhưng thực tế diễn ra tại Áp-ga-ni-xtan trong gần 10 năm qua cho thấy, chưa có gì đáng để người dân nơi đây cũng như các nước gửi quân tới Áp-ga-ni-xtan tin tưởng vào tương lai sáng sủa hơn. Hiện tại, ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Đức và Pháp… cũng ngày càng “lánh xa” những đòi hỏi tăng quân.
Trong khi việc “đi hay ở lại” đang khiến nhiều nước chia rẽ thì những vụ bắn nhầm trong chiến dịch quân sự Mu-sta-rắc khiến hàng chục dân thường Áp-ga-ni-xtan thiệt mạng và bị thương đang khiến Liên quân ngày càng rơi vào tình thế khó khăn. Người dân không mặn mà với các chiến dịch quân sự chống Ta-li-ban. Chính phủ sở tại cũng cực lực lên án các vụ tấn công “nhầm” này và gọi đó là hành động “không thể biện hộ được”. Có thể thấy rõ, càng dùng quân sự nhiều, tâm lí chống đối Liên quân ngày càng tăng lên.
Cho dù tình hình không mấy sáng sủa nhưng các tướng Mỹ vẫn khẳng định lập trường cứng rắn, quyết tâm dùng sức mạnh quân sự để khuất phục Ta-li-ban. Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng Đ.Pê-tra-ớt (David Petraeus) cảnh báo chiến dịch tấn công của Liên quân nhằm vào thành trì Ma-gia (Marjah) của Ta-li-ban ở miền Nam Áp-ga-ni-xtan chỉ là sự khởi đầu một chiến dịch lâu dài, có thể tới 18 tháng. Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của kênh truyền hình NBC (Mỹ), Tướng Pê-tra-ớt, người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động quân sự ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, nhấn mạnh đây chỉ là sự khởi đầu của một chiến dịch kéo dài từ 12 đến 18 tháng như Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) và Tướng Xtan-li Mắc Crai-xtan (Stanley McChrystal), Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Áp-ga-ni-xtan, đã vạch ra. Sau khi “giải quyết” xong Ma-gia, ngày 22-2, tờ “Thời báo” của Anh dẫn lời Tướng Xtan-li Mắc Crai-xtan cho biết, Can-đa-ha (Kandahar) ở miền Nam Áp-ga-ni-xtan nhiều khả năng sẽ là mục tiêu tiếp theo trong chiến dịch truy quét các phần tử Ta-li-ban của liên quân.
Theo các chuyên gia, để duy trì chiến dịch quân sự lớn trong một thời gian dài tới 18 tháng rất khó khả thi, khi không giành được sự ủng hộ của nội bộ các nước trong NATO, cũng như tâm lí chán chường của người dân./.
(Theo: QĐND)