Thứ Tư, 27/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 14/4/2011 9:4'(GMT+7)

Nhận thức mới về Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, quan điểm “bất biến” đó cũng như kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội luôn luôn được Đảng ta không ngừng suy nghĩ tìm tòi, lựa chọn để bổ sung, vận dụng kể cả trong lý luận và thực tiễn sao cho ngày một sâu sắc hơn, đúng bản chất hơn.

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa VI (tháng 8-1990), Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “Lúc này, chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ ra toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc, phương pháp lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta… Sau này khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước”.

Với quan điểm đó, một trong những  bài học kinh nghiệm rút ra sau hơn 60 năm cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh năm 1991 viết : “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau. Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết bài học của hơn 80 năm cách mạng Việt Nam, tiếp tục khẳng định  bài học: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”.

Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định, làm rõ bài học kinh nghiệm “nắm vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” được xây dựng trên nền móng của tư tưởng Hồ Chí Minh và mối quan hệ sống còn giữa “độc lập dân tộc” và “chủ nghĩa xã hội”; đáng chú ý là bỏ hai từ “vẫn là” và trong phần mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh đã bổ sung thêm nội dung “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình” để khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát quan điểm, mối quan hệ của hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Hiểu sâu sắc, quán triệt cho rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa rất quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng vào cuộc sống, nhất là phân tích nội hàm “mục tiêu, nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc” sẽ càng thấy rõ quan điểm của Đảng ta về tư tưởng “hòa hiếu”, về “môi trường hòa bình; đối tác, đối tượng…”. Đây là cơ sở, là nền móng để Đảng ta hoạch địch đường lối lãnh đạo trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được thể hiện trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Báo cáo chính trị khóa X trình bày tại Đại hội XI.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội không phải là một mô hình đã hoàn chỉnh, một công thức bất biến, nên xây dựng chủ nghĩa xã hội phải thiết thực, phù hợp với điều kiện khách quan, phải nắm được quy luật và phải biết vận dụng quy luật một cách sáng tạo, tránh giáo điều, rập khuôn máy móc… mà cơ sở để hướng tới, để xem xét,  để đánh giá chính là những điều kiện về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa… Theo Người: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và được sống đời hạnh phúc”. Và để xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải có độc lập dân tộc, chỉ có độc lập dân tộc mới có cơ sở để thực hiện những mục tiêu tốt đẹp “vì con người” vì “tiến bộ xã hội” của chủ nghĩa xã hội.

Thấm nhuần tư tưởng của Người,  trên cơ sở Cương lĩnh 1991, Đảng ta tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và từng bước hoàn chỉnh thêm những nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu đó (đồng nghĩa với thực hiện tư tưởng của Người) - như Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng đất nước ta, cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”.

Phân tích sâu sắc những điểm mới của Đảng trong bài học “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhìn lại chính mình để khắc phục những tư tưởng chủ quan, nóng vội, coi “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội rải đầy hoa hồng” mà một thời chính chúng ta đã từng nhầm tưởng; đồng thời trang bị kiến thức, hiểu biết, củng cố trận địa tư tưởng để vững bước đi lên trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chọn - xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất