Một trong những nội dung quan trọng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) thông qua tại Đại hội XI là Đảng ta đã nêu lên định hướng về văn hóa với nội hàm toàn diện, sâu sắc: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
Đây là thành quả của tư duy không ngừng tìm tòi, sáng tạo và ngày càng hoàn thiện lý luận về văn hóa trong lịch sử hơn 80 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là: Từ việc xác định “văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm” (Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943), “một trong ba cuộc cách mạng phải tiến hành đồng thời” (Đại hội IV), rồi nâng tầm “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội” (Hội nghị Trung ương 5, Khóa VIII), đến khẳng định “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước” (Hội nghị Trung ương 10, Khóa IX) và chỉ rõ “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011).
Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng và vị thế, tầm vóc dân tộc. Thực tế đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển bền vững, ngoài dựa vào các “yếu tố cứng” như tài nguyên thiên nhiên, tiền vốn, cơ sở vật chất,…thì cần phải biết tận dụng, khai thác “yếu tố mềm”, đó chính là nguồn nhân lực con người với vai trò là nhân cách văn hóa năng động, sáng tạo nhất, đóng góp quyết định nhất đến sự hùng mạnh, phồn vinh của xã hội. Hay nói cách khác, văn hóa là một “nguồn lực mềm” làm động lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển và làm “hài hòa hóa” các mối quan hệ xã hội và “lành mạnh hóa” môi trường xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) từng khuyến cáo các nước trên thế giới: “Tiếp thêm sức mạnh của nền văn hóa đương thời và nâng nó lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế và sự phồn vinh của xã hội”(1). Và: “Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội”(2).
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người rất quan tâm đến vai trò của văn hóa. Ông khẳng định: “Cách mạng là đổi mới, một quá trình đổi mới cho đến đích cuối cùng cho nên cách mạng càng cần văn hóa…Văn hóa là cội nguồn sức mạnh và tài năng làm nên chiến thắng” (3).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: Văn hoá không chỉ là kết quả của phát triển nhanh, bền vững mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh, bền vững. Phải đặt yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế.
Việc Đảng ta luôn quan tâm xây dựng văn hóa thực chất là coi trọng và đề cao “sức mạnh mềm” của đất nước. “Sức mạnh mềm” là sức mạnh bắt nguồn, xuất phát điểm từ bên trong được kết tinh từ trí tuệ, ý chí, tâm hồn, cốt cách, truyền thống lịch sử vẻ vang, tinh thần anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn đời nay.
Đánh thức những “tiềm năng” còn tiềm ẩn trong mỗi con người và kết nối những tiềm năng ấy thành sức mạnh vật chất trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu; trong xây dựng xã hội văn minh; trong tôi luyện thành những con người mới XHCN chính là nhiệm vụ của văn hóa; đồng thời thể hiện sức mạnh nội sinh của văn hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội. Vậy, cần phải làm gì, làm như thế nào để văn hóa thực sự “trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng?
Trước hết, cần kiên trì, tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về nhận thức, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các cấp, cách ngành hiểu biết đầy đủ và thấm nhuần sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước.
Trên cơ sở đó, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo yếu tố văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy văn hóa là một trong những đòn bẩy chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Kiên quyết khắc phục cho được các quan niệm hời hợt, phiến diện, coi văn hóa chỉ là “cờ, đèn, kèn, trống” hay là yếu tố “bên ngoài, đi sau” kinh tế, hoặc chỉ chạy theo sự tăng trưởng kinh tế thuần túy, mà thiếu quan tâm đúng mức đến các giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thứ hai,
tiếp tục duy trì, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết hợp hài hòa, đồng bộ và thực hiện bền bỉ hai cuộc vận động này thực chất là tạo điều kiện cho mọi người dân được “tắm mình” trong môi trường văn hóa lành mạnh, được thưởng thức đời sống văn hóa tinh thần phong phú, sinh động và luôn hướng đến một nhân cách văn hóa tiêu biểu, mẫu mực để từng bước xây dựng, hoàn thiện phẩm chất văn hóa của chính mình.
Đó cũng là giải pháp căn bản nhất để xây dựng con người Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn “Giàu lòng yêu nước, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, có văn hóa và có tinh thần quốc tế chân chính” như Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đã xác định.
Thứ ba, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa không chỉ là sức mạnh nội sinh của một dân tộc, mà còn là phương tiện, công cụ quảng bá hình ảnh dân tộc, vị thế đất nước ra thế giới rất hữu hiệu.
Do vậy, cùng với mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa và nâng cao nguồn nhân lực văn hóa, cần có những chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển ngành công nghiệp văn hóa đúng hướng, phù hợp với sự phát triển của thời đại mới. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phim ảnh, ca múa nhạc, sách báo, truyền thông…để vừa tạo ra những tác phẩm bổ ích, phong phú đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của công chúng trong nước; vừa chủ động giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu các “sản phẩm văn hóa Việt” ra thị trường văn hóa khu vực và thế giới.
Làm tốt công việc này chính là đưa văn hóa vào trong kinh tế và trực tiếp tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước ngày càng phát triển.
Thứ tư, tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ sở văn hóa trong cả nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Văn hóa gắn liền với con người, do con người, của con người và vì con người.
Phải nắm vững vấn đề cốt tử đó để cùng với việc nâng cao dân sinh, dân trí, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thưởng thức đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú. Đây không chỉ là việc làm nhân văn, mà còn thiết thực góp phần bảo đảm công bằng xã hội- một trong năm yếu tố của mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ năm, văn hóa là lĩnh vực rất phong phú nhưng cũng không kém phần phức tạp, nhạy cảm. Trong điều kiện và bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để văn hóa không đi “chệch hướng”, nhất thiết phải nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về văn hóa của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng từ trung ương đến cơ sở.
Sự lãnh đạo, quản lý này vừa nhằm xây dựng những cơ chế, chính sách thông thoáng cho mọi hoạt động văn hóa phát triển toàn diện, lành mạnh; vừa góp phần tạo ra “bức tường lửa” ngăn ngừa các loại “vi rút xấu độc” thâm nhập vào môi trường xã hội và đời sống văn hóa của nhân dân.
Trước mắt, cần tiếp tục thấu triệt và thực thi nghiêm chỉnh Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc kiên quyết ngăn ngừa, phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thấm nhuần lời dạy của Bác và những quan điểm văn hóa tiến bộ của Đảng cũng như thực hiện những giải pháp trên đây, là chúng ta đang chung tay góp sức đưa văn hóa ngày càng trở thành “sức mạnh nội sinh” phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; quyết tâm phát triển nền văn hóa Việt Nam với mục tiêu cao cả: “Tổ quốc ta mãi mãi là một quốc gia văn hiến, dân tộc ta là một dân tộc văn hóa, nền văn hóa nước ta không ngừng phát triển, xứng đáng với tầm vóc dân tộc ta trong lịch sử và trong thế giới hiện đại” như Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng đã chỉ ra.
Theo Nguyễn Văn Hải/ Đại đoàn kết
-------------
(1) Trích theo cuốn sách: Phạm Văn Đồng- Đổi mới và văn hóa, Nxb CHTG, HN, 1995, trang 14.
(2) Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa -Thông tin và Thể thao, HN, 1992, trang 23.
(3) Phạm Văn Đồng- Đổi mới và văn hóa, Nxb CHTG,