Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 17/4/2011 10:9'(GMT+7)

Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI nhấn mạnh, cần nhận thức và giải quyết đúng đắn 8 mối quan hệ chủ yếu xuất hiện trong quá trình đổi mới, trong đó có quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.

Đảng ta đã khởi đầu công cuộc đổi mới bằng đổi mới kinh tế và sớm chú trọng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.

Nội dung cơ bản của đổi mới kinh tế ở nước ta là chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; còn đổi mới chính trị là đổi mới tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó trọng tâm là đổi mới hệ thống chính trị.

Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý thành công mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta trên ba vấn đề then chốt. Một là, đã xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và dân tộc. Hai là, đã xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Ba là, đã xác lập hệ thống chính trị với mô hình, cơ cấu và cơ chế hoạt động phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội XI Đảng ta khẳng định, tăng trưởng kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Mục đích phát triển kinh tế thị trường không phải thuần túy là làm gia tăng giá trị, lợi nhuận kinh tế, mà là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là một nền kinh tế đa hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế cả nước (thành phần kinh tế tư nhân bình đẳng, tồn tại lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ với các thành phần kinh tế khác).

Phương thức vận hành nền kinh tế là vừa theo cơ chế thị trường, vừa phát huy cao độ vai trò điều tiết và chức năng quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chế độ phân phối kết hợp phân phối theo quy mô đóng góp và hiệu quả sử dụng các nguồn lực với các chính sách tái phân phối thu nhập, đảm bảo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội do nhà nước chủ trì triển khai.

Trong xây dựng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, sự gắn kết nêu trên được thể hiện trước hết qua bước chuyển từ hệ thống chuyên chính vô sản sang hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, trong đó nổi bật là bước chuyển từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tiếp đó, nó được thể hiện qua việc xác định cơ cấu thành phần gồm 8 thành tố hiện nay của hệ thống chính trị. Cả 8 thành tố đó đều là công cụ nhằm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Mọi quyền hành và lực lượng đều tập trung ở nơi dân. Theo tinh thần này, Đảng và Nhà nước (hai thành tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị) đã nỗ lực phấn đấu để các đường lối, chủ trương, chính sách ban hành phải phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và phải hợp lòng dân. Mặt trận Tổ quốc được giao chức năng quan trọng là tổ chức phản biện xã hội đối với một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, hệ thống chính trị của nước ta đã thích ứng với bối cảnh mới của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đồng thời với quán triệt Văn kiện Đại hội XI của Đảng, các cấp bộ Đảng phải chỉ ra những tồn tại và hạn chế, yếu kém thời gian vừa qua kể cả trong nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, như: Chưa xác định rõ và tạo được sự thống nhất cao về những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chậm được tăng cường. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ, thiếu ổn định, chồng chéo. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể tăng trưởng chậm, hiệu quả thấp, tỷ trọng ngày càng giảm đi trong tổng sản phẩm nội địa. Việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trên nhiều lĩnh vực đạt kết quả thấp so với yêu cầu, tạo nên bức xúc xã hội ở một số lĩnh vực. Hệ thống chính trị chưa có nhiều đổi mới đột phá, chưa theo kịp những chuyển động kinh tế - xã hội trong nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, nhất là trong kiểm soát quyền lực và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tình trạng quan liêu, xa rời thực tiễn, xa dân, tham ô, nhũng nhiễu của bộ máy quyền lực vẫn còn nghiêm trọng. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận xã hội trước không ít chủ trương, quyết sách lớn có dấu hiệu giảm sút đáng lo ngại...

Theo tinh thần Nghị quyết thì trong những năm tới, nền kinh tế nước ta sẽ chuyển từ giai đoạn tăng trưởng để thoát nghèo sang giai đoạn tăng trưởng để cất cánh. Giai đoạn tăng trưởng mới không cho phép tiếp tục duy trì kiểu tăng trưởng về lượng (chủ yếu là nhờ tăng đầu tư) mà đòi hỏi tăng trưởng với chất lượng cao chủ yếu dựa vào sự gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đảm bảo sự bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái. Trước yêu cầu mới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi đôi với tích cực đổi mới chính trị.

Dưới tác động của hai quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, sẽ xuất hiện nhiều chuyển động sâu sắc trong đời sống xã hội Việt Nam. Mặc dù Đảng cầm quyền và Nhà nước giữ vị trí, vai trò lãnh đạo và quản lý mọi mặt, nhưng cả Đảng và Nhà nước đều tồn tại và hoạt động trong điều kiện có sự ràng buộc về quy tắc, chuẩn mực và trách nhiệm đối với các định chế quyền lực quốc tế.

Để đảm bảo mối quan hệ thuận chiều giữa hai quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, cần dân chủ hóa và minh bạch hóa hơn nữa quá trình đề ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đảng lãnh đạo, nhưng không đưa ra trước các quyết định, mà trước hết là phải tạo điều kiện, cơ chế cho giới chuyên môn, cho nhân dân thảo luận, nêu các phương án khác nhau. Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong việc đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn một phương án cụ thể. Kiên quyết phòng chống nguy cơ một số nhóm lợi ích chi phối quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Đổi mới thể chế kinh tế là để giải phóng sức sản xuất, phát triển sức sản xuất; đổi mới chính trị là để tập hợp sức mạnh toàn dân, tổ chức toàn dân thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung. Chỉ như vậy, quá trình đổi mới mới tiếp tục được đẩy mạnh đồng bộ, hài hòa cả về kinh tế và hệ thống chính trị, đưa Việt Nam từng bước tới đích Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất