Thứ Hai, 28/10/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/2/2016 20:58'(GMT+7)

Nhân văn lễ hội

Du khách dâng hương tại chùa Thiên Trù, Lễ hội chùa Hương. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Du khách dâng hương tại chùa Thiên Trù, Lễ hội chùa Hương. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Người Việt có tính ham vui, chuộng hội hè. Ngày xưa sống trong xã hội làng xã cổ truyền, hầu như quanh năm suốt tháng phải tất bật, tảo tần với nghề nông tang lam lũ, người dân ít có điều kiện giao du với nhau. Chỉ mỗi khi đến Tết Nguyên đán, dịp đầu Xuân “ngày rộng tháng dài”, bà con ta mới có thời gian rỗi rãi, thảnh thơi để đi chùa chiền, lễ hội. Đi chùa để cầu phúc, cầu lộc, cầu may. Đi lễ hội để giao lưu văn hóa, để hòa mình vào cộng đồng, để gắn kết tình thân và cũng là để một phần thỏa mãn tâm lý “xả hơi” sau những tháng ngày làm việc vất vả.

Những cái hay, cái thiện, cái đẹp của nhiều lễ hội truyền thống đến nay vẫn còn giá trị và đang phát huy, lan tỏa trong cộng đồng. Tuy vậy, vẫn có một số nghi thức, tập tục, hành vi trong lễ hội truyền thống chưa toát lên vẻ đẹp văn hóa và tinh thần nhân văn của con người, đã được công luận cảnh báo và cơ quan chức năng khuyến cáo là không nên duy trì trong cộng đồng. Thật đáng mừng là mới đây, một số nơi có lễ hội từng gây phản cảm trong dư luận đã tự ý thức được điều này và bước đầu có những động thái tích cực, đáng hoan nghênh. Đó là phần lớn người dân làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã đồng ý không tổ chức tục lệ chém lợn giữa sân đình như trước nữa. Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng vừa yêu cầu dừng việc tổ chức hội chọi trâu huyện Phúc Thọ năm 2016. Trước khi diễn ra lễ hội đền Sóc đầu Xuân 2016, Ban tổ chức và chính quyền địa phương đã phổ biến, tuyên truyền, yêu cầu người dân không được đem gậy gộc vào lễ hội để tránh xảy ra xô xát khi thực hành nghi lễ tranh giành “hoa tre”. Ban quản lý di tích danh thắng Chùa Hương sẽ kiên quyết dẹp bỏ mọi hình thức quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực di tích và lễ hội Chùa Hương 2016…

Nghe những thông tin trên, chắc hẳn phần lớn chúng ta đều rất vui. Vui, vì cả chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa và người dân-chủ thể chính của lễ hội, đã hiểu ra những nghi thức, tập tục chưa lành mạnh, hành vi thiếu chuẩn mực trong lễ hội, để tự loại bỏ dần. Vui, vì môi trường lễ hội từ nay sẽ dần tiết giảm được những hình ảnh phản cảm, không phù hợp với đời sống xã hội hiện đại. Và vui hơn nữa, đó là xã hội ngày càng đồng thuận hơn về việc tổ chức lễ hội văn minh, an toàn theo tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”.

Vẫn biết lễ hội truyền thống là của cộng đồng, ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng hàng nghìn đời nay, thì dù lễ hội có tính chất bạo lực, tội ác với động vật nhưng cũng không dễ một sớm một chiều loại bỏ được ngay. Thế nên, mấu chốt vấn đề là chúng ta phải kiên trì vận động, giáo dục, tuyên truyền, giải thích để người dân nhận thấy rõ mặt trái của lễ hội đó để tự giác đào thải; đồng thời chủ động tạo ra những không gian lễ hội lành mạnh, nhân văn, đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn người dân tham gia để không ai còn tâm lý “vấn vương, lưu luyến” những hủ tục lạc hậu của lễ hội cũ. Một khi không cổ súy, không tổ chức các lễ hội có nội dung bạo lực, hành vi tội ác đối với động vật hay những lễ hội có những cảnh thiếu nhân văn, là chúng ta thiết thực góp phần giữ gìn và tôn vinh truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam./.

Thiện Văn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất