Chúng ta phải kiên trì đường lối, định hướng ta đã có, bảo đảm độc lập tự chủ nhưng phải linh hoạt khi tình hình kinh tế thế giới và khu vực biến động...
“Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, gặt hái nhiều thành tựu to lớn, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững cho nền kinh tế nhưng cần đổi mới hơn nữa” - TS. Cao Sĩ Kiêm, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII, đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên về chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước và những vấn đề đặt ra hiện nay.
Chuyển đổi mô hình kinh tế thành công
PV: Là một chuyên gia kinh tế đã có nhiều trải nghiệm trong 30 năm đổi mới, ông có đánh giá gì về thành tựu 30 năm đổi mới đất nước, nhất là thành tựu trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Sau khi thống nhất đất nước, ta bị bao vây, cấm vận cộng với nhiều khó khăn khác khiến đất nước lâm vào tình trạng trì trệ rồi khủng hoảng toàn diện. Có lúc, lạm phát lên tới ba con số (777%), đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Đến nay, nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước, có thể nói, đây là công trình vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau 30 năm, với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, nước ta phát triển tương đối đồng bộ trên tất cả lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa... Đất nước đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ một nước nghèo, thiếu lương thực, ta đã vượt qua nhóm nước kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển. Khi kinh tế phát triển, đời sống nhân dân cải thiện thì nội lực của đất nước được củng cố và tăng cường. Cùng với đường lối đối ngoại đúng đắn, linh hoạt, nước ta ngày càng hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc hơn, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định.
Lĩnh vực tài chính-ngân hàng có nhiều thành tựu mang tính đột phá. Trước đổi mới, các ngân hàng thực hiện nhiệm vụ cấp phát, ngân sách khan hiếm do đời sống nhân dân khó khăn, chức năng kinh doanh của ngân hàng không phát triển. Hiện nay, ngành tài chính, ngân hàng đóng vai trò “huyết mạch”, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững cho nền kinh tế.
PV: Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, chúng ta đã trải qua nhiều sóng gió của các đợt khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới. Ông có thể cho biết những thành công nổi bật?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Những năm đầu đổi mới, lạm phát ở nước ta rất nghiêm trọng, là bài toán gian nan. Tình trạng hàng ít, tiền nhiều dẫn tới mất cân đối nền kinh tế, xã hội hỗn loạn. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á (năm 1997), khủng hoảng tài chính Mỹ (năm 2007)… tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Song Nhà nước đã tập trung xử lý lạm phát, tìm giải pháp cân đối tiền-hàng, làm sao để rút được tiền về, tăng hàng lên; tham gia lại các hoạt động tài chính quốc tế mà ta bị khai trừ do nợ quá hạn. Lạm phát từ 777% xuống còn 5-6% (năm 1991) và được kiểm soát vững chắc còn 2,8% vào năm 2015.
Qua các kỳ đại hội, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, quan điểm về xây dựng CNXH, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đưa đất nước đi lên. Đảng chủ trương lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp, pháp luật phù hợp, linh hoạt với xu thế phát triển đất nước, tình hình quốc tế.
Định hướng dài hạn tốt hơn
PV: Ông đánh giá như thế nào về thành công của Đảng, Nhà nước trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, lĩnh vực tài chính-ngân hàng nói riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XI vừa qua?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Nhiệm kỳ Đại hội XI có nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp, không thuận lợi đối với nền kinh tế nước ta. Tiếp đến là do khuyết điểm nội sinh đã tích tụ từ nhiều khóa trước để lại; một số vấn đề ta chưa giải quyết được triệt để như năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, tiêu cực, tham nhũng của một số cán bộ công quyền... Nhưng chúng ta đã có những đường lối, chính sách tập trung tháo gỡ khó khăn do tác động khủng hoảng, diễn biến thế giới và quan hệ giữa chúng ta với các nước lớn. Thành công nữa là ta đã kiên quyết đưa nền kinh tế hội nhập theo kinh tế thị trường, với chủ trương phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát thành công, nhất là trong những năm cuối nhiệm kỳ này. Chúng ta đã xử lý được một số vấn đề nhiều năm tồn động.
Một điểm nổi bật nữa là chúng ta đã bắt đầu định hình và đi vào những vấn đề trung, dài hạn tốt hơn như: Cấu trúc lại nền kinh tế; thay đổi mô hình sản xuất; sắp xếp lại hệ thống ngân hàng-tài chính; giải quyết nợ công; tập trung vào ba đột phá chiến lược về mặt thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn lực. Chúng ta đã tập trung xây dựng pháp luật được rất nhiều, nhất là sửa đổi Hiến pháp theo tình hình mới, làm các luật mới đáp ứng những vấn đề bức xúc của xã hội. Trong 5 năm qua, chúng ta đã ký nhiều hiệp định song phương, đa phương, khu vực, đòi hỏi phải có sự vươn lên rất lớn. Đây là những yếu tố giúp chúng ta tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Về tài chính-ngân hàng, chúng ta có 3 thành công lớn, kiểm soát lạm phát thành công, sắp xếp tái cấu trúc ngân hàng thành công, tránh được sự đổ vỡ và tránh được dàn trải trong nợ công.
PV: Từ thành công và những bài học rút ra trong 30 năm đổi mới, để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, theo ông, Đảng, Nhà nước cần tập trung vào những vấn đề gì?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Chúng ta phải kiên trì đường lối, định hướng ta đã có, bảo đảm độc lập tự chủ nhưng phải linh hoạt khi tình hình kinh tế thế giới và khu vực biến động. Phải chú ý đổi mới nhanh, cơ cấu lại nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, giải quyết nhanh cải cách hành chính, điều hành kinh tế phải theo nguyên tắc thị trường. Phải có sự chọn lựa nguồn nhân sự có đủ năng lực, chất lượng, loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, giải quyết những bộ máy cồng kềnh, chất lượng kém, tạo lòng tin cho dân, điều hành phải công khai, minh bạch, rõ ràng, dân chủ, tạo động lực cho người lao động hăng hái sản xuất, kinh doanh...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Nhưỡng-Phan Huyền (thực hiện)
(Nguồn: QĐND)