Thứ Hai, 28/10/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 1/2/2016 15:7'(GMT+7)

Đồng thuận xã hội - động lực phát triển

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Khi thông tin về kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vẫn vang vọng, ngân xa thì trong phiên họp thường kỳ sau đó một ngày của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã có sự đồng thuận cao khi đánh giá: Tháng đầu tiên của năm 2016, trên tất cả các mặt hoạt động đời sống kinh tế-xã hội đều có chuyển biến rất tích cực, tạo không khí phấn khởi để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong năm 2016, tạo đà để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2021. Tin vui tiếp nối tin vui về một “năm mới, thắng lợi mới” mang tầm vĩ mô mà lại rất thiết thực, tác động tới từng mái ấm gia đình Việt Nam trong dịp Tết đến, Xuân về.

Những chủ trương, đường hướng, giải pháp, mục tiêu lãnh đạo mang tầm chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra cần sớm đưa vào cuộc sống bằng những kế hoạch hành động cụ thể; bằng sự vào cuộc quyết liệt, thực chất, có trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương; nhất là cần tạo sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thuận là cơ sở, nền tảng của đoàn kết thực sự. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh, góp phần làm đổi thay cuộc sống theo chiều hướng tích cực, tiến bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, luôn biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết, đồng thuận. Trong bài thơ “Hòn đá”, Người viết: "Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong", phần nào thể hiện tư tưởng về sự đồng thuận, đồng lòng trong xã hội, từ đó tạo sức mạnh để thực hiện vì mục đích chung.  

Theo các chuyên gia xã hội học, đồng thuận xã hội là sự đồng tình cả về nhận thức và hành động của đại đa số thành viên trong xã hội về một hoặc một số vấn đề nhằm đạt được mục tiêu, mục đích chung. Có thể nói, việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân trong quá trình lãnh đạo, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước để tạo đồng thuận xã hội. Hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng lợi ích chung của mọi thành viên trong xã hội, của mọi tầng lớp nhân dân. Bởi vì, suy cho cùng, bản chất của đồng thuận xã hội là đồng thuận về lợi ích giữa các thành viên. Sự đồng thuận không phải ngẫu nhiên mà có, mà đó là quá trình thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách rộng rãi. Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe, tiếp thu, lĩnh hội và điều chỉnh kịp thời các quyết sách để khi đưa vào cuộc sống thể hiện rõ “ý Đảng, lòng dân”, thống nhất nhận thức và hành động, trở thành sự tự giác, tự nguyện của mỗi người dân, từ đó đạt được sự đồng thuận cao. Thực tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt trong 30 năm kiên trì thực hiện đường lối Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm, chăm lo đến quyền lợi chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó rất chú trọng đến việc phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo; nâng cao chất lượng đời sống vật chất-tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...; khuyến khích sự phát triển của mọi thành phần kinh tế; khơi gợi tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể. Do đó, mỗi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đều nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Tuy nhiên, cũng có những người vì thâm ý cá nhân, bất mãn, tiêu cực hoặc mượn danh “phản biện xã hội”, “xây dựng, góp ý” để hạ thấp những giá trị đích thực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực thực hiện. Những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan công quyền, nếu có, chỉ là những hiện tượng xã hội đơn lẻ, đã và đang từng bước khắc phục, chấn chỉnh, thậm chí xử lý trước pháp luật. Thế nhưng vẫn bị họ bóp méo, xuyên tạc, ít nhiều gây hồ nghi trong xã hội, bị các thế lực lợi dụng, chống phá. Các biểu hiện gây nhiễu loạn thông tin, nhất là trên các trang web, mạng xã hội... một cách thiếu thiện chí, không mang tính xây dựng đó cần phải kiểm soát và xử lý, vì gây ảnh hưởng xấu đến sự đồng thuận xã hội.

Lẽ dĩ nhiên, trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng và Nhà nước vẫn rất cần những lời góp ý tâm huyết, chính đáng, kể cả sự phản biện xã hội một cách tích cực. Thông qua các tổ chức, đoàn thể xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... cũng như việc mở rộng các diễn đàn trực tiếp, có sự tham dự của đại diện các cơ quan công quyền, Đảng và Nhà nước sẽ có điều kiện trao đổi, lắng nghe, đi đến thống nhất về tư tưởng, hành động, tạo ra sự đồng thuận cao và thực chất trong nhân dân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển./.

Lê Thiết Hùng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất