Bên lề Đại hội XII của Đảng, nhiều ý kiến của đại biểu đã trao đổi, làm
rõ hơn về những nội dung quan trọng được đề cập tại dự thảo các Văn kiện
trình Đại hội.
Đại biểu Nghiêm Xuân Thành (Khối doanh nghiệp Trung ương) cho biết, qua
các phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cao về đánh giá những
thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua. Trong bối cảnh có nhiều diễn biến
phức tạp, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế vĩ mô cơ
bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng kinh tế ở mức phù
hợp. Trong những thành quả đó, đại biểu đánh giá ngành ngân hàng đã có
những đóng góp tích cực thông qua các chính sách tiền tệ.
Về nhiệm vụ trong 5 năm tới, Đại hội xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu
lại các lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm
là đổi mới đầu tư, trước hết là đầu tư công, cơ cấu lại các ngân hàng
thương mại, các tổ chức tín dụng, kiểm soát có hiệu quả nợ xấu, bảo đảm
an toàn nợ công đối với doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp
theo hướng trọng tâm là cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là hết sức lớn lao - đại biểu
bày tỏ.
Đại biểu Phạm Mạnh Thường (Bắc Giang) đánh giá báo cáo chính trị trình
Đại hội XII lần này được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, hội tụ được tất
cả những ý kiến đóng góp của đảng viên cả nước, đã tổng kết được 30 năm
đổi mới và phát triển đất nước, qua đó rút kinh nghiệm những cái đã đạt
được và những cái không đạt được. Đặc biệt, đất nước đang hòa nhập sâu
rộng với thế giới, vì lẽ đó Đại hội lần này đòi hỏi trí tuệ của tất cả
các đại biểu để tiếp tục đổi mới, đưa đất nước phát triển, hội nhập.
Đại biểu tin tưởng rằng, Đại hội XII sẽ phát huy được những thành quả đã
đạt được trong 30 năm đổi mới. Chúng ta có đầy đủ hành trang để hội
nhập, phát triển; chắc chắn Việt Nam sẽ sớm trở thành một nước công
nghiệp, giàu mạnh.
Theo đại biểu Phạm Minh Đạo (Đồng Nai), hội nhập là một sân chơi, vì vậy
phải có sự chuẩn bị kỹ, phải tự nâng "sức đề kháng," đó là năng suất,
giá thành, chất lượng. "Hiện nay đặc điểm mình là nhỏ lẻ, đây là vấn đề
cần phải xử lý, đó là bài toán trong chiến lược. Trong điều kiện hiện
nay, tôi nghĩ như Đồng Nai là chuyện liên kết."
Từ câu chuyện của tỉnh, đại biểu nêu một thực tế, thương lái là rất quan
trọng với đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, nếu không có thương lái, nông dân
tiêu thụ sản phẩm ở đâu? Vì vậy cần đặt ra vấn đề quản lý thương lái và
Đồng Nai đã thấy vấn đề này. Vai trò thương lái có, nhưng làm sao để
phân phối lợi ích cho hài hòa nên vai trò liên kết, hình thành các hợp
tác xã để giải quyết dịch vụ đầu vào, dịch vụ đầu ra là một vấn đề lớn,
một chuyên đề có nghị quyết riêng.
Theo đại biểu, còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong việc này để kinh tế hợp tác đủ mạnh, vươn lên - đại biểu chia sẻ.
Đại biểu Phan Văn Sử (Tây Ninh) cho rằng, Báo cáo chính trị tại Đại hội
đã đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc, có giải pháp, hướng đi cho
giai đoạn tới, là thể hiện trách nhiệm cao và rất phù hợp.
Theo đại biểu Phạm Thiện Nghĩa (Đồng Tháp), đang có những chuyển dịch cơ
cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Thời gian qua, công
nghiệp phát triển nhiều ngành nghề nhưng chính sách chưa sâu. Do đó,
thời gian tới nên quan tâm hơn đến ngành này để tạo động lực cho kinh tế
phát triển và lực lượng này phải có sự đầu tư, phát triển tương xứng./.
(TTXVN)