Càng gần đến thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản ngày 30-8 tới, cuộc đua trên chính trường đất nước Mặt trời mọc càng trở nên sôi động.
Vực dậy nền kinh tế để Nhật Bản sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay được đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Ta-rô A-xô cũng như các đảng đối lập xem là lá phiếu "nóng" để giành giật cử tri. Theo kế hoạch, vào ngày 18-8 tới, chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Hạ viện đầu tiên kể từ tháng 9-2005 đến nay sẽ chính thức được khởi động.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Ta-rô A-xô, đồng thời là Chủ tịch LDP đưa ra cam kết đẩy mạnh phát triển kinh tế Nhật Bản trong cương lĩnh tranh cử của LDP. Đây là điều dễ hiểu bởi số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố gần đây cho thấy, số người không có việc làm ở nước này trong tháng 6 vừa qua đã tăng thêm 830 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 31,3%), đưa số người thất nghiệp tại Nhật Bản lên tới 3,48 triệu, chiếm 5,4% lực lượng lao động ở nước này so với mức 5,2% trong tháng 5. Đây là tháng thứ tám liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng và là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 4-2003. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tỷ lệ này lặp lại mức kỷ lục 5,5% sau Chiến tranh thế giới II chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trong khi đó, giá tiêu dùng cơ bản trong tháng 6 giảm ở mức kỷ lục 1,7% so với cùng kỳ năm 2008 và giảm 0,2% so với tháng 5. Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, mức giảm này phản ánh những dự đoán quan ngại của thị trường về tình hình giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Các con số trên đã phủ bóng đen lên những dự báo lạc quan về triển vọng nền kinh tế Nhật Bản sớm phục hồi sau khi đã qua khỏi tình trạng sụt giảm xuất khẩu và sản lượng hàng hóa nghiêm trọng nhất trong tháng 7 vừa qua.
Vì thế trong cương lĩnh tranh cử đã được công bố, LDP đặt mục tiêu đưa nền kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2% trong nửa cuối của tài khóa 2010 và tăng thu nhập bình quân đầu người lên mức cao nhất thế giới trong 10 năm, thông qua việc tăng thu nhập ròng bình quân của các hộ gia đình lên mức 1 triệu yên/hộ. Cùng với đó, LDP còn cam kết tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trong 3 năm tới và tiến hành cải cách thuế cơ bản, trong đó tăng thuế tiêu thụ 5% khi nền kinh tế nước này phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, LDP cam kết tiếp tục duy trì sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản để hỗ trợ cho sứ mệnh chống khủng bố của lực lượng đồng minh ở Ấn Độ Dương. Đặc biệt, LDP sẽ tích cực thúc đẩy các cuộc thảo luận để hướng tới việc sửa đổi hiến pháp hiện hành, đồng thời cam kết sẽ cắt giảm ít nhất 30% trong tổng số 722 ghế của Quốc hội Nhật Bản hiện nay trong vòng 10 năm tới.
Những gì đang diễn ra trên chính trường Nhật Bản cho thấy, cuộc tổng tuyển cử ngày 30-8 được xem là cơ hội cuối cùng để trả lời cho câu hỏi, liệu Thủ tướng Ta-rô A-xô có vượt qua giai đoạn thử thách này hay không? Thủ tướng Ta-rô A-xô từng khẳng định quyết tâm giữ chức Thủ tướng cho đến khi nền kinh tế nước này phục hồi trở lại. Vì thế, rất nhiều cử tri Nhật Bản hy vọng rằng, quyết định giải tán Hạ viện tổ chức tổng tuyển cử của Thủ tướng Ta-rô A-xô sẽ thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế Nhật Bản. Việc Thủ tướng Ta-rô A-xô đưa nền kinh tế Nhật Bản sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay cũng đồng nghĩa với việc LDP có thể chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Dường như những hy vọng trên của Thủ tướng Ta-rô A-xô đang được củng cố. Cho dù một số chỉ số nội địa có giảm, thì các số liệu công bố gần đây lại cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản quý II-2009 tăng trung bình 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một kết quả lạc quan nếu so sánh với sự sụt giảm 14,7% trong quý IV-2008 và 26% trong quý I-2009. Một số chuyên gia dự báo rằng, nền kinh tế Nhật Bản có thể tăng trưởng trong quý III-2009, do các doanh nghiệp sản xuất dự kiến tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 8-2009. Nếu được như vậy, nền kinh tế hàng đầu châu Á này sẽ sớm khôi phục đà tăng trưởng và chính trường Nhật Bản có thể thoát khỏi cơn "suy thoái" đang rình rập ở phía trước./.
(Theo: HNM)