Tín hiệu vui
Từ xa xưa, Quảng Nam là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Cách đây gần 30 năm, mỗi khi về vùng đất Duy Xuyên, Ðiện Bàn... chúng tôi thường bị cuốn hút bởi những biền dâu xanh mướt, ngút ngàn trải dài ven sông Thu Bồn, Vu Gia. Hồi ấy, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải ở vùng đất này thịnh vượng lắm. Dọc theo tuyến đường từ thị trấn Nam Phước, ngược lên Trà Kiệu, đến đâu cũng nghe tiếng thoi đưa rộn rã, nhưng rồi có một thời gian dài, các làng nghề dệt vải xứ Quảng Nam rơi vào khốn khó, mai một dần... Những năm gần đây, do thị trường xuất khẩu vải bắt đầu phục hồi, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Quảng Nam từng bước khôi phục các làng nghề.
Anh Trần Hữu Nghĩa, Trưởng ban Quản trị HTX tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên) bộc bạch: Làng nghề hình thành cách đây khoảng 500 năm, những năm sau ngày giải phóng, làng nghề ươm tơ, dệt lụa ở đây phát triển rất mạnh, bà con sống được bằng nghề. Lúc cao điểm, HTX thu hút đến 300 lao động, nhưng sau đó, do thị trường xuất khẩu sang các nước Ðông Âu, Liên Xô biến động; đầu ra sản phẩm bị bế tắc, nên hàng loạt hộ bỏ nghề...
Thời gian gần đây, nhu cầu xuất khẩu vải trên thị trường bắt đầu sôi động, giá cả sản phẩm vải ổn định dần, năm 2009, để khôi phục lại nghề truyền thống của cha ông, một số người tâm huyết với nghề bắt tay khôi phục lại nghề tơ lụa. Ban đầu do không có tài sản thế chấp, HTX không vay được vốn ngân hàng, một số xã viên phải đem sổ đỏ thế chấp, vay được 1,5 tỷ đồng. Với số tiền này, HTX đầu tư lập một trang trại trồng dâu diện tích 10 ha, đồng thời nâng cấp phân xưởng lụa và hoàn thiện quy trình sản xuất, cho ra 100 mẫu hàng mới được khách hàng ưa chuộng. Ðến nay, HTX đã khôi phục sản xuất với 30 máy dệt, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 30 lao động ở địa phương, mức thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, nhu cầu của khách hàng rất lớn, nhưng do thiếu vốn và nguyên liệu đầu vào không ổn định, mỗi năm sản xuất khoảng 70-100 nghìn m2 vải lụa các loại, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu khách hàng...
Ở làng chiếu cói Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An (Phú Yên) những ngày đầu tháng 5, cả làng nghề đang bước vào mùa thu hoạch cói. Khắp làng trên, xóm dưới tất bật trong mùa thu hoạch. Phó Chủ tịch UBND xã Tiếu Văn Cừ cho biết: Vài năm trở lại đây, làng nghề truyền thống này từng bước khôi phục, xã dành quỹ đất 30 ha để trồng lác. Hội Nông dân tỉnh tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, vay tín chấp 500 triệu đồng để bà con đầu tư mua máy chẻ lác, máy dệt chiếu mở rộng sản xuất đem lại thu nhập ổn định cho hơn 700 lao động, với mức thu nhập bình quân ba triệu đồng/tháng.
Cơ sở sản xuất chiếu cói của chị Nguyễn Thị Kim Phương thu hút 35 lao động, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Chị Phương cho biết: Từ nguồn vốn vay tín chấp của Hội Nông dân và sự hỗ trợ dạy nghề của hội, gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, lập cơ sở sản xuất. Mỗi năm sản xuất hơn 54 nghìn chiếc chiếu, với tổng doanh thu 4,38 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về gần 390 triệu đồng.
Gắn phát triểncác làng nghề với du lịch
Những năm gần đây, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của trung ương, hằng năm, các tỉnh Quảng Nam và Phú Yên đã dành một khoản kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng làng nghề, tổ chức liên kết đào tạo lao động nông thôn. Anh Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Quảng Nam cho biết: Ngoài số tiền hỗ trợ mỗi năm khoảng năm tỷ đồng cho các chương trình: đào tạo nghề, truyền nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, từ năm 2003 đến nay, tỉnh đã đầu tư gần 40 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng đường giao thông, nhà trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu thu hút khách hàng, tìm lối ra xuất khẩu; tạo các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để thu hút du khách.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Tiếp cho biết: UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Dự án cụm làng nghề Ðông Khương, xã Ðiện Phương, huyện Ðiện Bàn với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 38 tỷ đồng. Khi dự án này được triển khai, làng nghề có đường giao thông, mặt bằng để mở rộng sản xuất, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm mộc, chạm khắc truyền thống phục vụ du khách đến tham quan. Cách cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ của anh Tiếp chừng 500m là làng đúc đồng Phước Kiều (Ðiện Phương) nổi tiếng, cũng được tỉnh phê duyệt dự án đầu tư làng nghề gắn với phát triển du lịch, với nguồn vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu hơn bốn tỷ đồng, gần đây nghề đúc đồng Phước Kiều đã khôi phục, quy tụ các nghệ nhân. Hiện cả làng có hơn 20 lò đúc đồng và 25 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, mỗi năm sản xuất và cung cấp cho thị trường gần 100 tấn sản phẩm, với tổng doanh thu lên đến 30 tỷ đồng. Ðến nay, tỉnh Quảng Nam đã khôi phục và phát triển được 89 làng nghề tiểu thủ công nghiệp; giải quyết việc làm cho hơn 16 nghìn lao động có thu nhập ổn định và đóng góp khoảng hơn 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Qua trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Yên chúng tôi được biết, để các làng nghề và nghề truyền thống của tỉnh đi đúng hướng, năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ có hàng loạt nghề truyền thống được sắp xếp lại. Trong đó, nghề gốm sẽ theo hướng sản xuất hàng gốm sứ thủ công mỹ nghệ theo mẫu mã đặt hàng của các cửa hàng buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ; đồng thời tiến hành quy hoạch lại các làng nghề sản xuất như: bánh tráng, bún, phở; sản xuất hàng thủ công... Ðặc biệt, Phú Yên sẽ dành một khoản ngân sách để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng tại các làng nghề đã được tỉnh công nhận; tiếp tục đổi mới thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện tham quan, tập huấn, tìm hiểu mẫu mã mới, quy trình sản xuất tiên tiến và khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ hải sản.
Ði qua các làng nghề ở hai tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, chúng tôi thấy địa phương nào cũng có chương trình, dự án vực dậy làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch, đầu tư đúng mức nên các làng nghề vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; máy móc, công nghệ lạc hậu, chủ yếu sản xuất theo phương thức thủ công; thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp. Nhiều dự án, chương trình khuyến công hiệu quả thấp, các làng nghề ít chú ý đến xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất những mặt hàng truyền thống cung cấp cho thị trường.
Giám đốc Sở Công thương Phú Yên Ðào Tấn Cam cho rằng, để giải quyết khó khăn cho các làng nghề và tạo việc làm cho người lao động, trước mắt, các địa phương và ngành hữu quan cần quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh kích cầu; nhanh chóng thiết lập hệ thống bán hàng chuyên nghiệp. Ðẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm dịch vụ cho người lao động...
Cùng với nhanh chóng xây dựng quy hoạch, tiếp tục dành vốn đầu tư hạ tầng các làng nghề, cần có chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng cho các HTX và doanh nghiệp, tạo điều kiện giữ gìn, phát huy các sản phẩm truyền thống, tạo ra những sản phẩm mới có giá trị kinh tế, phát triển sản phẩm du lịch; qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn.
Theo Nhân Dân