Sáng 10/9, Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận công bố kết quả sơ bộ khai quật di tích Động Bà Hòe, thuộc thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc.
Sau gần 2 tháng tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều di tích, di vật phong phú với nhiều thông tin khoa học quan trọng.
Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã khai quật trên 5 hố với tổng diện tích khoảng 324m2. Các di tích xuất lộ trong hố khai quật gồm có mộ táng và một số cụm đá. Các nhà khảo cổ đã khai quật được tổng cộng 43 mộ táng với hai loại hình chủ yếu là mộ nồi và mộ đất. Mộ được chôn trong tầng văn hóa, độ sâu trung bình khoảng 60-70cm.
Đồ tùy táng được chôn theo chủ yếu là đồ đá và đồ gốm, loại hình chủ yếu là công cụ sản xuất như rìu, cuốc, dọi se chỉ hay các đồ dùng sinh hoạt nồi, bình bát bồng, cốc…
Ông Trương Đắc Chiến, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam chủ trì cuộc khai quật cho biết cùng với các mộ táng và hiện vật chôn theo, trong tầng văn hóa của di tích, còn thu được một khối lượng lớn di vật của người xưa chủ yếu là đồ đá và đồ gốm. Tuy chưa chỉnh lý hết chi tiết nhưng qua nghiên cứu sơ bộ có thể thấy đồ đá ở đây có các loại hình như công cụ ghè đẽo, bàn mài, mảnh tước, phác vật…
Đó là những tín hiệu cho thấy có thể là một công xưởng chế tác đá của người xưa, mà sản phẩm chế tác có thể là vòng tay. Đồ gốm chủ yếu là các mảnh vỡ của các loại đồ nấu, đồ đựng dùng trong sinh hoạt như nồi, bình, bát bồng.
Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Động Bà Hòe là một nơi cư trú của người xưa. Nhưng không chỉ là nơi cư trú đơn thuần mà ở đây còn diễn ra hoạt động chế tác đá rất rõ. Do vậy có thể khẳng định đây là một di chỉ xưởng.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện phổ biến của các cụm mộ trong tầng văn hóa còn cho thấy là một di chỉ-mộ táng. Chứng tỏ một di tích có tính chất khá đa dạng gồm cư trú-sản xuất-mộ địa.
Qua đợt khai quật, có thể xác định khung niên đại của di tích này thuộc tiền văn hóa Sa Huỳnh, niên đại chung của di tích này vào khoảng 3.500-2.500 năm BP (hiện tượng một di tích phát triển trực tiếp từ giai đoạn Hậu kì Đá lên Sơ kì Sắt, với các di tích tiêu biểu như Đa Kai, Suối Chồn, Lung Len.
Trong thời gian tới, những tài liệu mộ táng, di vật này sẽ được chỉnh lý chi tiết để xác định những thông tin quan trọng về mối quan hệ giữa tầng văn hóa và di tích mộ táng, cũng như mối quan hệ của di tích này với các di tích khác trong khu vực./.
Theo VN+