Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 12/1/2012 14:36'(GMT+7)

Nhìn từ một bản án

Vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp của trong thời gian đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi lẽ đây là một vụ án quá tàn độc, dã man, hung thủ đã giết hại 3 mạng người và làm tổn thương một em bé. Ngay từ lúc điều tra vụ án cho đến quá trình hoàn thành cáo trạng đưa ra xét xử, vụ án luôn được báo chí quan tâm tường thuật cũng như thu hút sự chú ý của xã hội.

Đây là vụ án giết người, cướp của đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hành vi của Lê Văn Luyện đã phạm vào tội giết người dã man, có tính chất côn đồ..., khung hình phạt có thể lên tới tử hình. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam đã có quy định về bản án dành cho đối tượng chưa đủ tuổi thành niên là tổng cộng không quá 18 năm. Vì vậy, mức phạt với Luyện phải tuyên theo luật. Thậm chí, thẩm phán phiên toà sau khi tuyên án cũng trả lời báo chí: ‘Tôi không thể tuyên án tử hình”.

Có thể, Luyện đã biết hành vi phạm tội của mình không bị tuyên án tử hình, nên trước toà, anh ta trả lời một cách lạnh lùng, thản nhiên. Còn phía bị hại, cả gia đình đều đeo khăn tang trong phiên toà, họ muốn hình phạt cao nhất dành cho kẻ thủ ác. Nhưng…

Nnguyên tắc nhân đạo của Đảng và nhà nước ta không chỉ thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng khi căn cứ vào độ tuổi của những bị can để có những bản án thích hợp. Ngoài việc trừng phạt những hành vi phạm tội còn có mục đích giáo dục, cải tạo phạm tội nhưng với những kẻ như Lê Văn Luyện, câu hỏi đặt ra là liệu sau khi ra tù, Luyện có sám hối hay không? Có ân hận hay không? Có quay lại hướng thiện hay không? Đây cũng là câu hỏi mà dư luận luôn quan tâm day dứt.

Có nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai, có lỗi lầm rồi sẽ được tha thứ, nhưng sau một bản án, liệu người thân của những bị hại có ổn định được tinh thần, tiếp tục một cuộc sống mới với những mất mát đã bị tước đi, gia đình kẻ phạm tội sẽ sống như thế nào ở một khu dân cư, nơi cái ác sẽ bị nhớ đến, nói đến trong một thời gian dài nữa. Những câu hỏi còn được nối dài, bỏ ngỏ…

Một kẻ phạm tội nghiêm trọng khi chưa đến tuổi có thể bị tuyên tử hình, liệu rồi mai đây sẽ còn có nhiều tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên tiếp tục phạm tội, bởi chúng biết rằng hành vi phạm tội của mình sẽ vẫn được pháp luật nương tay. Đây cũng là một cảnh báo đối với xã hội.

Luyện gây án, nhưng đã làm liên luỵ đến cả gia đình, họ hàng, cái giá phải trả cho gia đình anh ta khá đắt, nhưng sẽ là gì so với những mạng sống đã bị tước đi. Trong vụ án này, chúng ta sẽ không thể nào tìm ra sự công bằng trong đánh giá, nhưng: luật là luật.

Từ bản án này hãy cùng nhìn lại và có sự điều chỉnh trong việc giáo dục đạo đức công dân cũng như cần phải hướng đến xây dựng một nền văn hoá đạo đức, mang đậm bản sắc dân tộc. Chúng ta luôn định hướng về một sự phát triển văn hoá: “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”; tuy nhiên, trong dòng chảy chung của xã hội và văn hoá, luôn tồn tại song hành giữa cái thiện và cái ác, giữa chính nghĩa và đê hèn. Quan trọng nhất phải làm thế nào để thế hệ trẻ, những chủ nhân của đất nước, luôn biết “gạn đục, khơi trong”, khơi gợi và khai thác những giá trị vốn quý của dân tộc, sống trách nhiệm, tình nghĩa, yêu cộng đồng, nỗ lực vươn lên. Chúng ta không thể đổ lỗi cho sự tha hoá về văn hoá trong quá trình hội nhập, tiếp biến văn hoá luôn diễn ra nếu năng lực nội sinh về văn hoá của chúng ta đủ mạnh, để tiếp nhận những giá trị chung của văn hoá nhân loại, bồi đắp cho giới trẻ cũng như xã hội những giá trị tích cực. Không thể vì một vài kẻ phạm tội cuồng tín khi phạm tội lại đổ lỗi cho “game online”, cho gia đình thiếu sự dạy dỗ, hay cho nhà trường chưa chu đáo với các em. Mong rằng, từ bản án này, cộng đồng xã hội nói chung và các gia đình nói riêng cùng nhau nhìn nhận, chia sẻ, định hướng để cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn./.

Tuấn Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất