Thứ Ba, 26/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Chủ Nhật, 1/12/2019 9:0'(GMT+7)

Những biện pháp nào để người dân Thành phố Hồ Chí Minh sống chung với “lũ” triều cường?

CUỘC SỐNG BỊ ĐẢO LỘN MỖI ĐỢT TRIỀU CƯỜNG DÂNG

Cứ mỗi đợt triều cường dâng cao là người dân lại khổ sở chống chọi với cảnh nước dâng cao vào tận từng hộ gia đình, đi lại khó khăn, bên cạnh đó nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm qua đường nước sinh hoạt cũng tăng cao. Gần đây nhất là trong hai ngày 29 và 30-9, khoảng 2 km của tuyến đường Bình Quới ở phường 28, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) chìm trong biển nước vì nước triều dâng cao từ sông Sài Gòn chảy qua cống, tràn vào nhà dân.

Biết trước đợt triều cường vào thời điểm này hằng năm, nhiều hộ dân đã chuẩn bị bao cát, tấm ván dằn chặt trước nhà ngăn không cho nước tràn qua, nhưng do nước lên quá nhanh và cao hơn hẳn so với mọi năm cho nên nhiều nhà vẫn bị ngập.

Tại khu phố 2, khu vực nằm cuối con đường Bình Quới, hàng chục hộ kinh doanh dịch vụ câu cá giải trí do nước tràn từ sông vào quá nhanh, không kịp trở tay. Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở dịch vụ câu cá Thu Nga 1 than phiền, chiều tối 29-9, nước từ sông vẫn ồ ạt tràn vào khu nhà hàng dù đã có bức tường kè chắn nước cao cả mét. “Cứ một năm tôi xây một tấc (10 cm) kè và 10 năm thì kè đã cao một mét nhưng vẫn không ăn thua. Triều cường cứ năm sau cao hơn năm trước” - bà Nga nói.

Cạnh đó, chủ nông trại Ong Vàng cũng phải dùng máy bơm công suất lớn để “đẩy” nước đang ào ào từ ngoài sông tràn vào. Nông trại này tạm dừng đón khách vì nước triều dâng gây ngập nặng.

Theo người dân địa phương, từ đầu năm 2019 đến nay, khi quận Bình Thạnh xây kè cao dọc theo tuyến cống để ngăn triều cường tràn vào thì tình trạng ngập do triều có giảm, nhưng khi xuất hiện đợt triều cường ngày 28-9 thì nước sông đã mấp mé, thậm chí tràn qua bờ kè cao gần một mét. Bà con cho rằng, xây kè chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài phải chờ các công trình chống ngập kiên cố của thành phố đầu tư xây dựng. Khu vực bán đảo Thanh Đa là vùng thấp và nằm trong quy hoạch xây dựng chỉnh trang của thành phố hàng chục năm chưa triển khai cho nên đời sống người dân hết sức khó khăn, nhất là vào những đợt triều cường lên cao.

Tương tự, tại khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2), được xem là khu “nhà giàu” mới của TP Hồ Chí Minh, nhưng do nằm gần sông và là bán đảo cho nên cũng phải “sống chung” với thủy triều. Ghi nhận vào thời điểm chiều tối 30-9, nước ngập lênh láng mặt đường, dâng cao hơn nửa mét, hàng trăm xe ô-tô, xe gắn máy nối đuôi dài cả cây số ở đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Hưởng - Quốc Hương khiến giao thông gần như tê liệt. Hàng loạt ô-tô chết máy, đứng im giữa đường, trong khi không ít người chạy xe máy phải hì hục dắt bộ.

Tình trạng đường biến thành sông do triều cường cũng đã xảy ra ở khu vực đường Nguyễn Khoái (quận 4); Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tất Phát, Lê Văn Lương (quận 7); khu vực bến Phú Định, Mễ Cốc (quận 8). Trong lúc triều lên cao vào chiều tối 29-9, một đoạn bờ bao dài khoảng 25 m bị vỡ đã gây ngập nhà của hàng trăm hộ dân ở khu vực bến Mễ Cốc. Nhiều hộ phải dọn dẹp đồ đạc đi gửi nhờ nơi khác vì nước tràn vào nhà cao gần cả mét. Đến sáng 30-9, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã đến ghi nhận thực tế và tìm biện pháp khắc phục...

TÌM GIẢI PHÁP CĂN CƠ DỨT ĐIỂM TÌNH TRẠNG NÀY

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (Trung tâm hạ tầng) trực thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, căn cứ số liệu quan trắc của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều cao nhất vào ngày 29-9-2019 là 1,73 m tại trạm Phú An và 1,75 m tại trạm Nhà Bè. So cùng kỳ năm 2018 (mực triều đạt mức 1,43 m tại trạm Phú An) thì mực triều năm 2019 đã tăng 0,32 m. Do đó, đây được xem là mực triều cao nhất từ trước đến nay.

Về các giải pháp chống ngập do triều nói riêng và chống ngập úng của thành phố nói chung, thành phố đã đầu tư thực hiện dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn I có vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng để chống ngập cho khu vực phía nam của thành phố với hơn sáu triệu dân (khu vực các quận 4, 7, 8, hai huyện Bình Chánh, Nhà Bè). Đây cũng được xem là dự án chống ngập đầu tiên của thành phố có lưu vực rộng, quy mô và nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhưng sau gần ba năm triển khai xây dựng, dự án mới đạt khoảng 75% khối lượng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là vướng đền bù giải phóng mặt bằng.

Ghi nhận thực tế từ các dự án chống ngập mà thành phố triển khai cho thấy, việc thi công chống ngập chủ yếu là nâng đường, nhưng cao độ của nền đường sau khi nâng ở nhiều nơi vẫn thấp hơn so với mực nước triều. Trong khi đó, mực nước triều có xu hướng tăng cao qua từng năm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khó lường đang diễn ra. Giám đốc Trung tâm hạ tầng TP Hồ Chí Minh Vũ Văn Điệp dẫn chứng, để chống ngập do triều ở tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), thành phố dùng giải pháp xử lý tạm là nâng cấp và mở rộng đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, sau khi nâng đường thì cao độ hoàn thiện công trình vẫn chưa đáp ứng mực triều cao 1,75 m cho nên vẫn gây ngập. Còn tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) bị ngập chủ yếu do cao độ mặt đường thấp hơn đỉnh triều cho nên cũng chỉ có thể dùng giải pháp tạm thời hỗ trợ bằng cách tổ chức vận hành các van ngăn triều tại các cửa xả dọc tuyến và bố trí các trạm bơm di động phục vụ thoát nước thải khi triều cường dâng cao...

Để giải quyết trước mắt tình trạng ngập do triều cường, thành phố đã và đang bố trí các trạm bơm kết hợp van ngăn triều ở khu vực quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Trần Xuân Soạn (quận 7). Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn thực hiện nghiêm các phương án dẫn dòng, khắc phục nhanh chóng, kịp thời các vị trí hư hỏng làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước hiện hữu; xây dựng phương án ngăn chặn tình trạng tràn bờ tại các khu vực thi công; đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn cho cả lưu vực nhằm sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác và phát huy hiệu quả thoát nước, chống ngập cho cả khu vực…/.

Nhật Minh

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất