Thứ Sáu, 6/12/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Năm, 28/11/2019 17:10'(GMT+7)

Những tỉnh nào ở nước ta hay xảy ra động đất

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

ĐỘNG ĐẤT Ở QUẢNG NAM

Tỉnh Quảng Nam là một trong những tỉnh thành của Việt Nam xảy ra một số trận động đất.

Cụ thể, vào hồi 11 giờ 49 phút ngày 24/10/2018, một trận động đất có cường độ 2.7 độ richter đã xảy ra tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, gần khu vực hồ chứa thủy điện sông Tranh 2.

Trận động đất có tọa độ 15.221 vĩ độ Bắc, 108.224 độ kinh Đông với độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.

Trước đó, ngày 21/10/2018, hai trận động đất có độ lớn 2,6 độ richter xảy ra ở huyện Bắc Trà My vào lúc 9h32. Hơn 2 tiếng sau, một trận động đất có độ lớn 2,8 độ richter đã xảy ra ở huyện Nam Trà My.

Riêng trong tháng 8, từ ngày 21-28/8, đã có 3 trận động đất xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, vào hồi 11 giờ 42 phút ngày 21/8/2018, một trận động đất có độ lớn 3,2 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 9,7 km cũng xảy ra tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Khoảng hơn 20 phút sau, cũng tại nơi đây xảy ra một trận động đất khác có độ lớn 2,6 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 7,1 km.

Động đất tại hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, được cho là vì gần nơi có hồ chứa thủy điện sông Tranh 2 nên được xác định là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện tích nước, tạo áp lực nên đứt gãy phía dưới.

Theo các nhà khoa học, đây có thể là kích động chính của động đất kích thích. Tuy nhiên, các trận động đất vẫn tiếp tục diễn ra song không vượt qua kích động chính này, vì thế không gây thiệt hại lớn cho người dân.

Từ năm 2012 đến nay, khi hồ thủy điện sông Tranh 2 tích nước, động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực này. Trận động đất lớn nhất ghi được có độ lớn 4,7 độ richter.

Kết quả hình ảnh cho Động đất tại Quảng Nam

2 trận động đất tại Bắc Trà My và Nam Trà My của Quảng Nam, đây là hệ quả của việc thủy điện sông Tranh vào mùa tích nước hồ chứa

ĐỘNG ĐẤT TẠI ĐIỆN BIÊN

 


Mới đây, vào hồi 17h19 phút ngày 6/11/2018, một trận động đất mạnh 3,9 độ Richter đã xảy ra tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 21.167 vĩ độ Bắc, 102.994 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.0 km, khiến nhiều người lo lắng. Hiện vẫn chưa có trường hợp thiệt hại nào về người và tài sản được ghi nhận.

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, trong năm nay, Điện Biên xảy ra nhiều trận động đất nhỏ, hầu hết có độ lớn dưới 4,0 độ richter, mạnh nhất là trận động đất ngày 9/1 với độ lớn 4,3 độ richter, xảy ra ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia địa chất cho biết: Điện Biên nằm trong khu vực có đới đứt gãy hoạt động mạnh với nhiều đứt gãy lớn như như đứt gãy Điện Biên – Lai Châu, đứt gãy Sơn La, đứt gãy Sông Mã, đứt gãy Sông Đà.

Trước đó, năm 1983, trận động đất xảy ra ở Tuần Giáo, Điện Biên có độ lớn tới 6,8 độ richter, đây là trận động đất lớn nhất Việt Nam ghi nhận được.

TỈNH HÀ TĨNH XẨY RA ĐỘNG ĐẤT

Vào khoảng 6h ngày 18/10, 2 tiếng nổ lớn cách nhau tầm 15 phút xuất hiện, tạo dư chấn, gây rung lắc nhà cửa của người dân tại một số xã thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp đó, vào khoảng 3h40 ngày 22/10, cũng tại huyện Kỳ Anh, 2 tiếng nổ lớn liên tiếp nhau kèm hiện tượng mặt đất rung lắc khiến người dân các xã ven biển hoảng loạn, bồng bế nhau tháo chạy trong đêm.

Ngay sau đó, Viện Vật lý địa cầu đã phát đi thông báo về vụ rung chấn này. Thông báo nêu rõ, khoảng 3h42 ngày 22/10, một trận động đất với cường độ 2,3 richter xảy ra ngoài khơi khu vực biển Hà Tĩnh, cách bờ biển huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 5km. Độ sâu chấn tiêu 8km.

Kết quả hình ảnh cho Động đất tại Hà Tĩnh

2 trận động đất ở ngoài khơi Hà Tĩnh có thể xuất phát từ những đứt gãy nhỏ nằm giữa 2 đứt gãy lớn là đứt gãy Rào Nậy và đứt gãy Sông Cả

Còn vụ động đất trước đó vào ngày 18/10 cũng đã được Viện Vật lý địa cầu xác định xảy ra tại tọa độ 18.31 độ vĩ độ Bắc, 106.174 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Động đất xảy ra tại ngoài khơi khu vực biển Hà Tĩnh, cách bờ biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 5km, có cường độ khoảng 3,8 độ richter ở độ sâu khoảng 10km.

Hiện nay, trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

HÀ NỘI CHỊU NHỮNG ĐỢT DƯ CHẤN 

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay vào 9h31 ngày 8/9/2018, một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 23,453 vĩ độ Bắc, 101,620 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra tại khu vực biên giới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118 km đã gây ảnh hưởng đến Hà Nội.

Người dân ở quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thấy nhà rung chuyển, người chóng mặt như bị tụt huyết áp, nhất là trên các chung cư cao tầng.Hà Nội,động đấtNhiều công nhân phải rời khỏi tòa nhà đang thi công trên phố Lương Yên. Ảnh: Đoàn Bổng

ĐỘNG ĐẤT CÓ KÈM THEO SÓNG THẦN HAY KHÔNG?

 PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý địa cầu cho biết: Động đất thường đi kèm với tiếng nổ, rung lắc mặt đất. Nếu động đất nhỏ sẽ có tiếng nổ như nổ mìn từ xa vọng lại. Thông thường với độ lớn dưới 3 độ richter được coi là động đất yếu, nông, không có khả năng gây sóng thần.

Nếu động đất lớn ngoài vùng biển (từ 6,5 độ richter trở lên) kèm theo tiếng động ầm ầm như tiếng tàu hỏa từ xa chạy tới thì khả năng xảy ra sóng thần rất cao. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, không hoảng loạn, chạy ngay lên vùng đất trống trên cao.

Khu vực Bắc Trung bộ có 2 đứt gãy lớn là đứt gãy Rào Nậy và đứt gãy Sông Cả. Hai đứt gãy này chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam. Hai trận động đất ở ngoài khơi Hà Tĩnh có thể xuất phát từ những đứt gãy nhỏ nằm giữa 2 đứt gãy lớn này và không nằm ngoài dự đoán của các nhà địa chất Việt Nam. Tuy nhiên, với cường độ 3,8 độ richter thì trận động đất hôm 18/10 là trận mạnh nhất được ghi nhận bởi máy đo địa chấn tại khu vực Hà Tĩnh. Đây cũng là lý do gây ra tâm lý hoang mang lo sợ của người dân.

Đối với 2 trận động đất tại Bắc Trà My và Nam Trà My của Quảng Nam, đây là hệ quả của việc thủy điện sông Tranh vào mùa tích nước hồ chứa.

Đây là những trận động đất rất nhỏ hay còn gọi là động đất kích thích, không gây thiệt hại về tài sản. Nếu người dân đã được tập huấn giáo dục cộng đồng thì hoàn toàn có thể bình tĩnh trải qua như những hiện tượng thiên nhiên bình thường.

Hiện thế giới chưa có nước nào dự báo được chính xác thời điểm xảy ra hiện tượng thiên tai này. Không giống như mưa bão có thể dự báo trước vài ngày thậm chí cả tuần, hiện tượng động đất chỉ có thể được thông báo nhận định về địa điểm, độ lớn khi nó đã xảy ra. Nhiều hiện tượng khác lạ trong tự nhiên cũng đã được ghi nhận trước khi xảy ra động đất như ếch nhái di cư, chó nằm trong nhà chạy ra sân… nhưng không thể dùng những hiện tượng này để khuyến cáo người dân, tổ chức sơ tán được. Tùy thuộc vào hệ thống kỹ thuật, từ lúc phát hiện động đất tới khi ra được bản tin thông báo nhanh cũng phải mất từ 15-30 phút./.

Tuấn Anh (Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất