Thứ Ba, 26/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Sáu, 29/11/2019 17:0'(GMT+7)

Quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước khu vực miền Trung

Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại Hội thảo Quốc tế “Quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước khu vực miền Trung”

Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại Hội thảo Quốc tế “Quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước khu vực miền Trung”

Hội thảo nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm của chính quyền và người dân các địa phương miền Trung Việt Nam, trong công tác ứng phó lũ lớn năm 1999 và tái thiết sau thiên tai tại miền Trung. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, cũng như vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương trong giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Hội thảo Quốc tế “Quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước khu vực miền Trung”, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Đợt mưa lũ lịch sử tháng 11 năm 1999 là một trong những trận thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực 7 tỉnh miền Trung, Việt Nam.

Mưa lũ đã làm 818 người chết và mất tích, gần 1,2 triệu ngôi nhà, trụ sở bị đổ sập, hệ thống cơ sở  hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước tính gần 4.150 tỷ đồng (thời điểm năm 1999). Trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 372 người chết và mất tích.

Toàn cảnh hội thảo

Kể từ trận lụt khủng khiếp năm 1999, chính quyền và người dân miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã gượng dậy để xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động ứng phó tốt hơn với thiên tai. Trong 20 năm qua, tuy không bị lặp lại những trận lũ lớn như năm 1999 nhưng nhiều trận thiên tai xảy ra ở các tỉnh khu vực miền Trung cũng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai trong khu vực và trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp, cực đoan hơn. Là một trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam đã và đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn hơn và đặc biệt là trái quy luật.

Chính vì vậy, để chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm là rất quan trọng để đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Tại hội thảo các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan về diễn biến lũ năm 1999, công tác chỉ đạo, điều hành và bài học kinh nghiệm trong ứng phó với lũ khu vực miền Trung cùng giải pháp trọng tâm thời gian tới của đại diện Tổng cục phòng chống thiên tai; báo cáo kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác phòng chống thiên tai với lũ năm 1999; kinh nghiệm ứng phó với siêu bão Hagibis và quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Hương của đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam; vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương trong quản lý thiên tai tại Việt Nam, thành tựu và phương hướng hoạt động trong thời gian tới của đại diện tổ chức DWF.  Đặc biệt là tham luận “20 năm nhìn lại về trận lũ lịch sử năm 1999” của ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và tham luận về kinh nghiệm trong ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” của UBND xã Phương Mỹ (tỉnh Hà Tĩnh).

Ngọc Hà/Vụ Vụ TTCĐ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất