Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 12/7/2010 9:40'(GMT+7)

Những chuyển biến lớn trong hợp tác kinh tế

Mỹ là đối tác thương mại, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam

Mỹ là đối tác thương mại, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Con số thống kê 6 tháng đầu năm 2010 của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy,  Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam và chiếm hơn 20% tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm 2010 ước có thể đạt lên đến con số 19 tỷ USD, thậm chí là 20 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hoá có thể đạt hơn 14 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt hơn 5 tỷ USD.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam, ông Michael W.Michalak cũng khẳng định: “Năm 2010 sẽ là năm đột phá về thương mại giữa hai nước”.

Số liệu Thống kê Hải quan ghi nhận từ năm 2003 đến nay, Hoa Kỳ luôn là thị trường giành vị trí quán quân về tiêu thụ hàng hóa có xuất xứ từ việt Nam với tỷ trọng trung bình giai đoạn 2005 - 2009 chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường chính (đứng ở vị trí thứ 7) cung cấp hàng hóa cho các nhà nhập khẩu Việt Nam.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Ken Fairfax, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhấn mạnh: “Khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 15 năm, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ có 400 triệu USD. Cả hai phía đều hy vọng thương mại sẽ tăng trưởng, nhưng tôi nghĩ không ai trong chúng ta hình dung ra thương mại hai chiều đã đạt tới 16 tỉ USD trong năm 2009. Trong đó Mỹ xuất sang Việt Nam khoảng hơn 3 tỉ USD giá trị hàng hoá, và phần còn lại là giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường xuất khẩu đang phát triển nhanh nhất của Mỹ. Hoàn toàn đáng kinh ngạc”.

Trong thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, xuất khẩu sang Mỹ của rất nhiều nước giảm và Việt Nam cũng giảm nhẹ 4,3% so với năm 2008.

“Nhưng nếu so sánh với một số nước như Italia, xuất khẩu sang Mỹ giảm đến 50%, thì có thể nói Việt Nam không bị ảnh hưởng” - ông Ken Fairfax nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Mỹ đã và đang là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế-thương mại của Việt Nam. Quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là mối quan hệ quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây cũng đã lựa chọn Việt Nam là một trong sáu thị trường gắn bó tiếp theo trong Đề xuất về xuất khẩu quốc gia của mình, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

“Tổng thống Mỹ Obama đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm tới, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên mà Mỹ mong muốn đạt mục tiêu này” - ông Fred P. Hochberg - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ (US Ex-Im Bank) khẳng định nhân chuyến thăm làm việc tại Việt Nam hồi đầu tháng 6 vừa qua.

Cán cân thương mại luôn duy trì mức thặng dư lớn

Trong nhiều năm qua, cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu ngày càng tăng nhưng trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ - cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam luôn duy trì mức thặng dư.

Cụ thể trong năm 2005, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 5,04 tỷ USD; sang năm 2008 con số này là 9,23 tỷ USD; trong năm 2009, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ và trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ giảm so với một năm trước đó trong khi nhập khẩu từ thị trường này lại tăng nên xuất siêu của Việt Nam đạt 8,35 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong những năm qua bao gồm hàng dệt may, gỗ & sản phẩm gỗ, giày dép các loại, dầu thô, hàng hải sản, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, ...

Dệt may là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ (khoảng 43% trong giai đoạn 2005-2009). Sản phẩm dệt may của Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự chú ý của các nhà nhập khẩu và được Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) nhận định: “Việt Nam là một trong những nước hàng đầu ở châu Á có khả năng cạnh tranh được với Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may”.

Bên cạnh Hiệp định Thương mại Việt Nam (BTA) ký năm 2001 làm nền tảng. Hai bên đã ký nhiều hiệp định chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực như: Hiệp định Dệt may, Hiệp định Bảo hiểm đầu tư (OPIC), Hiệp định Hỗ trợ tín dụng EXIMBANK, Hiệp định Hàng không, Sáng kiến Nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) Việt - Mỹ.

Hai bên đang tiếp tục đàm phán ký kết Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) và khả năng Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Mỹ là một thành viên.

Hiệp hội Nhập khẩu Dệt may Hoa Kỳ cũng cho biết Việt Nam là sự lựa chọn thứ hai của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sau Trung Quốc khi tìm kiếm nguồn cung cấp hàng từ châu Á.

Nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam

Tính đến nay Mỹ không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

Theo các con số thống kê mới nhất số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam lên tới gần 10 tỉ USD chỉ trong những tháng đầu năm 2010.

Đại sứ Mỹ Michael W. Michalak dẫn con số 9,8 tỷ USD tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam trong năm 2009 và khẳng định: “Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới Việt Nam trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và không có bất kỳ dấu hiệu suy giảm nào trong mối quan tâm đó”.

Đại sứ Michael W. Michalak cũng xác định một số lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh và hai nước có thể hợp tác tốt, đó là: viễn thông, công nghệ thông tin, khai thác dầu khí, sản xuất điện, xây dựng đường cao tốc, quản lý dự án và công nghệ môi trường, hàng không...

Còn nhiều tiềm năng gia tăng kim ngạch

Đại sứ Michael W.Michalak cho rằng, những bất lợi lớn của doanh nghiệp Việt Nam là kinh nghiệm trong thương mại và khác biệt về ngôn ngữ, “đói” thông tin…

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, để tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý tăng cường sức cạnh tranh, nhất là ở những mặt hàng công nghiệp chế biến và chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, từ trước đến nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ làm hàng gia công cho những đối tác thương mại, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Số liệu Thống kê Hải quan cho thấy, trị giá hàng gia công chiếm hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này. Do đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm đồng thời phải quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu nhằm tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường và tạo niềm tin tốt hơn đối với người tiêu dùng ở thị trường có tiềm năng rất lớn này.

Đại sứ Michael W. Michalak nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam, hãy luôn đảm bảo có thể đáp ứng hoặc đáp ứng cao hơn nữa những yêu cầu và kỳ vọng về chất lượng của người tiêu dùng Mỹ.

Đại sứ cho biết, người Mỹ luôn đánh giá cao các doanh nghiệp hay lĩnh vực kinh doanh có trình độ quản lý cao và mang lại lợi ích cho cộng đồng. “Làm được việc này Việt Nam có thể tạo nên sự khác biệt hơn nữa so với các đối thủ trong khu vực” - ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Đại sứ Michael W.Michalak cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần tìm đến những đối tác có uy tín, triển vọng để hợp tác đầu tư. Và quan trọng là cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia Mỹ để tiếp cận thị trường này một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hai nước cần đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) và phối hợp đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các chuyên gia cũng cho rằng, chừng nào Mỹ dành cho Việt Nam quy chế hưởng Hệ thống thuế quan phổ cập (GSP) và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường thì khi đó xuất khẩu nông sản vào Mỹ mới thuận lợi./.

Nhân Trí - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất