Thứ Tư, 9/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 28/8/2009 16:7'(GMT+7)

Những cuộc hội ngộ của niềm tự hào

Một cảnh trong phim “Đừng đốt”.

Một cảnh trong phim “Đừng đốt”.

 

 Văn nghệ sĩ nói chung có triển lãm các tác phẩm VHNT với hàng trăm công trình đang trưng bày, giới thiệu tại TT Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam; âm nhạc có Đêm nghệ thuật "Hồ Chí Minh - cả một đời vì nước, vì dân", Hòa nhạc "Hồn thiêng sông núi", Đêm nhạc Văn Cao "Đàn chim Việt"… Điện ảnh cũng hòa vào dòng kỷ niệm với các dự án phim truyện, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc ra mắt lần thứ 3 của giới văn học - nghệ thuật

Kể từ sau 2 triển lãm giới thiệu tác phẩm VHNT được Nhà nước hỗ trợ lần thứ nhất năm 2003, lần thứ 2 năm 2005, triển lãm năm 2009 về các công trình VHNT sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu được Nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2006-2010 được coi là cuộc ra mắt lần thứ 3 của giới VHNT.

Khai mạc tối 25-8 tại TT Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam - Hoa Lư, Vân Hồ, các công trình mà văn nghệ sĩ giới thiệu với công chúng là hơn 300 cuốn sách văn học, nghiên cứu, sưu tầm; 100 bức tranh, tác phẩm điêu khắc; gần 100 tác phẩm nhiếp ảnh cùng nhiều ảnh chụp đồ án kiến trúc, tác phẩm múa, áp-phích các tác phẩm điện ảnh "nổi" gần đây như "Đừng đốt", "Sống trong sợ hãi", "Trái tim bé bỏng"…

Bên cạnh trưng bày tĩnh, có hai chương trình "động" nhằm giới thiệu thành quả của VHNT tới công chúng. Trong đó, tác phẩm "Đừng đốt" với hiệu ứng khán giả tốt đã được Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức giao lưu, giới thiệu và chiếu tại TT Chiếu phim quốc gia vào 19h30 ngày 27-8. 19h ngày 28-8, tại TT triển lãm diễn ra chương trình ca nhạc giới thiệu một số tác phẩm nổi tiếng qua từng thời kỳ.

Âm nhạc và những cuộc hội ngộ lớn

Đêm nhạc "Hồ Chí Minh - cả một đời vì nước vì dân" là chương trình nghệ thuật được dàn dựng quy mô, hoành tráng với sự chỉ đạo của nhiều cơ quan: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Báo CAND, Đài TH TP Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra vào 20h ngày 29-8 tại Quảng trường Ba Đình. Khán giả cả nước có thể hướng về Ba Đình cùng thưởng thức đêm nghệ thuật qua sóng VTV1, HTV9, VTV4, VTC1 và một số kênh truyền hình địa phương.

Đây là cuộc hội tụ của khoảng 1.000 ca sĩ Việt - Nga cùng 220 nhạc công thuộc 14 đơn vị nghệ thuật. Kịch bản kiêm tổng đạo diễn chương trình là Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước. Bên cạnh đó, NSƯT Quang Vinh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, người có bề dày kinh nghiệm và sáng tạo trong chỉ đạo các sự kiện nghệ thuật lớn thời gian qua đã tiếp tục được mời chỉ huy nghệ thuật chương trình này.

Hơn thế, đây cũng sẽ là cuộc hội tụ của những ca khúc tiêu biểu về đất nước, về Bác kính yêu. 28 ca khúc trong chương trình vừa là những nhạc phẩm đã đi qua thời gian, ở lại trong lòng công chúng, vừa là tác phẩm mới đầy xúc động từ cảm hứng đất nước, lãnh tụ. Đó là "Quốc ca" (Văn Cao), "Lãnh tụ ca" (Lưu Hữu Phước), "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" (Văn Cao), "Cả một đời vì nước vì dân" (Hữu Ước)…

Cũng trong tối 29-8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, công chúng Thủ đô có thêm một chương trình nghệ thuật về một chân dung nhạc sĩ mà tên tuổi đã gắn liền với Quốc ca của đất nước - nhạc sĩ Văn Cao. Đêm nhạc mang tên "Đàn chim Việt" với một loạt tác phẩm bất hủ của ông sẽ góp một giai điệu trữ tình và đầy hào khí cách mạng vào bản hòa tấu chung của niềm tự hào từ cuộc Cách mạng mùa thu Tháng Tám đến ngày Tết độc lập.

Một chương trình đặc biệt khác không thể không nhắc đến là buổi hòa nhạc "Hồn thiêng sông núi" (diễn ra tối 1-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Công ty HPT tổ chức. Một chương trình mà sự chuẩn bị cả về nội dung và tổ chức có thể xứng đáng với kỳ vọng của công chúng.

Và điện ảnh

Gần đây, nhiều bộ phim về Bác đã được khởi động như "Hành trình ba bể" - Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục tái hiện chặng đường cứu nước của Bác Hồ. Có thể xem như là sự tiếp nối của bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công" do Hãng phim Hội Nhà văn và Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc) sản xuất 6 năm trước. Bên cạnh đó là bộ phim "Nhìn ra biển cả" của Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam dựng từ kịch bản đã đoạt giải kịch bản hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 2-9 năm nay, 6 tập đầu của dự án phim tài liệu 25 tập về "40 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ" do Hãng phim truyện Việt Nam và Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh phối hợp sản xuất sẽ được giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Như vậy, trên rất nhiều lĩnh vực, VHNT đã có sự chuẩn bị và góp phần cho ngày Tết độc lập với nhiều chương trình tác phẩm và cả những công việc đang tiến hành một cách thiết thực và ý nghĩa.

Thi Thi-HNM

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất