Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 8/9/2016 16:50'(GMT+7)

Những điểm mới trong phương án tuyển sinh 2017

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga và cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng THCS, THPT Nguyễn Tất Thành tại buổi tọa đàm

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga và cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng THCS, THPT Nguyễn Tất Thành tại buổi tọa đàm

Sáng 8/9, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phương án tuyển sinh 2017”. Chương trình có sự tham gia của  Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga; PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng THCS, THPT Nguyễn Tất Thành; TS. Sái Công Hồng – Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vừa qua, trong dự thảo tuyển sinh 2017 trình Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương án mở rộng việc đánh giá toàn diện học sinh bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 để xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017. Theo đó, phương án này được tổ chức cơ bản như năm 2016 với một số nội dung điều chỉnh về tổ chức cụm thi, bài thi, hình thức thi, đề thi, nội dung thi, thời gian làm bài thi và lịch thi… Đáng chú ý nhất là bài thi được điều chỉnh theo phương án 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Hình thức thi là: Môn văn thi tự luận, 4 bài thi còn lại thi trắc nghiệm trên giấy và được chấm trên hệ thống máy tính. Thời gian diễn ra kỳ thi rút lại chỉ còn hai ngày so với 4 ngày như trước đây.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm 2015 là năm đầu tiên chúng ta áp dụng và tổ chức thi THPT quốc gia tại 38 cụm thi trong cả nước và đạt được những thành công nhất định. Năm 2016 chúng ta tiếp tục tổ chức thi tại tất cả các tỉnh thành và được đánh giá là kỳ thi thành công. Tuy nhiên, kỳ thi 2016 còn một số bất cập tồn tại như: Tổ chức 2 cụm thi với số lượng ngày thi quá nhiều: 4 ngày 8 môn, gây mệt mỏi. Đề thi chưa thực sự đảm bảo khách quan. Công tác chấm thi cũng chưa tốt nên cần tiếp tục cải thiện để có một kỳ thi nghiêm túc, độ tin cậy cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng cho biết, đề thi năm 2017 nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu ở lớp 12. Hình thức thi trắc nghiệm đã quen với các học sinh. Do đó, cách học của học sinh không có gì thay đổi, không có sự phân biệt giữa học sinh nông thôn và thành thị. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức kỳ thi đảm bảo tính nghiêm túc để các trường sử dụng kết quả xét tuyển. Nếu các trường không tin tưởng kết quả kỳ thi này, tổ chức thi riêng thì chúng ta không đạt tới mục tiêu: thi, xét tuyển ngày càng giảm áp lực, thiết thực hơn với các thí sinh.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phương thức thi lý tưởng nhất là trên máy tính nhưng trong bối cảnh hiện nay chưa đủ điều kiện. Vì vậy, kỳ thi năm 2017, các thí sinh vẫn thi trên giấy sau đó chấm bằng máy quét. Về lâu dài, chúng ta sẽ chuẩn bị hạ tầng đầy đủ để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, việc thay đổi phải theo kế hoạch tổng thể và phải thực hiện từng bước theo lộ trình, không phải năm nào cũng thay đổi hoàn toàn mà năm sau hoàn thiện phương án thi năm trước, không đổi mới hoàn toàn, gây sốc cho thí sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị 3 năm để có kỳ thi năm 2017 với những bước đi theo đúng lộ trình và căn bản; có thông báo với các thí sinh. Ví dụ, đối với việc sử dụng tổ hợp xét tuyển, năm 2015, Bộ quy định các trường phải sử dụng 75% chỉ tiêu để xét tuyển các khối truyền thống (A,B,C,D), năm 2016 còn 50% chỉ tiêu xét các khối truyền thống, năm 2017 sẽ còn khoảng 25% chỉ tiêu xét tuyển các khối truyền thống”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định lại, bài thi sẽ theo hướng tổ hợp của các môn học riêng rẽ chứ không phải tích hợp liên môn. Ví dụ, bài thi khoa học tự nhiên sẽ có 20 câu Hóa học, 20 câu Sinh học, 20 câu Vật lý chứ mà không có việc tích hợp trong câu hỏi về Vật lý có cả kiến thức Hóa học hoặc Sinh học.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chậm nhất là cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đề thi minh họa để các em biết cấu trúc đề và ôn tập. Những trường thi riêng bằng cách đánh giá năng lực cũng phải công bố đề thi minh họa cho các thí sinh biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cũng cho rằng, trong năm học 2016-2017, việc dạy và học chắc chắn có thay đổi, sẽ không còn môn chính, môn phụ mà thầy cô phải dạy hết sức nghiêm túc tất cả các môn học, học sinh cũng vậy. Khi có đề thi minh họa, các em học sinh sẽ bớt lo lắng và chuyên tâm ôn kiến thức hơn.

TS. Sái Công Hồng cũng cho biết, hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội đã có ngân hàng câu hỏi với hơn 17.000 câu. Trường sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều câu hỏi phù hợp với trình độ học sinh và mục đích thi tốt nghiệp để bảo đảm mỗi em có một đề thi không trùng nhau. Muộn nhất đến tháng 5/2017, ngân hàng đề thi sẽ hoàn thiện.  TS. Sái Công Hồng cũng cho biết thêm, ĐH Quốc gia từng tổ chức thi thử ở huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và Thừa Thiên Huế, các em đã thi rất thuận lợi nên không lo lắng sự chênh lệch giữa học sinh các vùng miền.

Về xét tuyển đại học, cao đẳng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm 2016, đợt đầu thí sinh chỉ được đăng ký 4 nguyện vọng ở hai trường. Trong năm 2017, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng. Như vậy, tỷ lệ thí sinh ảo sẽ còn cao hơn năm 2016. Do đó, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo để hỗ trợ các trường khắc phục lượng thí sinh ảo, giảm bớt khó khăn phát sinh trong năm 2017.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất