Chủ Nhật, 24/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Ba, 5/7/2022 10:16'(GMT+7)

Những kết quả sản xuất kinh doanh đáng khích lệ

Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn huyện Sông Lô thu hút nhiều người dân đến thăm quan và mua sắm.

Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn huyện Sông Lô thu hút nhiều người dân đến thăm quan và mua sắm.

Sản xuất công nghiệp

 Sau Tết Nguyên đán, diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh phức tạp làm cho hoạt động sản xuất nói chung trong đó có sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp triển khai các biện pháp, giải pháp để đảm bảo phòng, chống dịch, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Từ tháng 4 đến nay, tình hình dịch trên địa bàn cơ bản ổn định, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã hoạt động tở lại bình thường, do đó, kết quả sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ, cụ thể:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 15,75%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt… tăng 7,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 8,39% so với cùng kỳ năm 2021, riêng ngành khai khoáng giảm 27,03% so với cùng kỳ năm 2021.

Hầu hết sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các hãng công nghệ lớn liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới đã khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao, sản lượng sản xuất và doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, doanh thu linh kiện điện tử tăng cao với mức tăng 25,64% so với cùng kỳ; Ngành sản xuất ô tô phục hồi tích cực,sản lượng ô tô các loại tăng 4,06%; Ngành sản xuất xe máy: Trên địa bàn tỉnh có thêm 01 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xe máy (công ty Northstar, xuất khẩu xe máy sang Mỹ, mức giá bình quân là 10 nghìn USD/xe), ước sản lượng sản xuất xe máy 6 tháng đầu năm  tăng 5,25% so với cùng kỳ năm 2021…

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản và xây dựng nông thôn mới

Sáu tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp chịu tác động của biến đổi khí hậu, từ tháng 02 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 đợt không khí lạnh (có 03 đợt rét đậm rét hại) và đặc biệt từ ngày 22-24/5/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập úng diện tích lớn khi cây lúa đang ở thời kỳ mới trổ bông và chuẩn bị thu hoạch… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Song việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo sản xuất, đáp ứng tốt an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Ước 6 tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 53,42 nghìn ha, giảm 0,11%, tương đương giảm 57 ha so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng lương thực có hạt ước đạt 180,95 nghìn tấn, giảm 18,61% so với cùng kỳ năm 2021. 

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được cơ quan chức năng và các hộ chăn nuôi thực hiện tốt; Trên địa bàn tỉnh xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm tại 1 hộ chăn nuôi làm chết 2.000 con gia cầm, xong đã được kiểm soát tốt. Từ đầu năm đến nay đã có 6 đợt điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi gây không ít khó khăn cho hoạt động chăn nuôi, người chăn nuôi đã và đang tích cực tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phối trộn nguồn thức ăn đa dạng để tiết giảm chi phí đầu vào. 

Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng khá so với cùng kỳ, trong đó sản lượng sữa bò tươi tăng 14,71%; thịt lợn xuất chuồng tăng 6,3%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 3,62%; trứng gia cầm tăng 6,22%; riêng thịt bò hơi xuất chuồng giảm 0,61% so với cùng kỳ năm 2021. 

Các hoạt động trồng, chăm sóc, quản lý rừng được tập trung triển khai. Các cấp, các ngành chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo kế hoạch. Toàn tỉnh đã trồng mới rừng tập trung ước đạt 470,5 ha, tăng 3,41% (tương đương tăng 15,5 ha) so với cùng kỳ; số cây trồng phân tán ước đạt 542 nghìn cây, nguyên nhân do quỹ đất trồng cây phân tán của các địa phương ngày càng giảm.  6 tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 điểm phát lửa do cháy cây bụi tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và 01 vụ cháy rừng trồng sản xuất tại xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch (tổng diện tích cháy: 8,05ha, diện tích thiệt hại: 2,0ha).

Các hoạt động chỉ đạo sản xuất thủy sản được tăng cường, cơ quan chức năng đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, thực hiện quan trắc môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, cấp hỗ trợ giống thủy sản theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, xây dựng Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2023-2030… Tuy nhiên do tác động của giá thức ăn tăng cao làm tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng của mưa lớn gây ngập úng đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất thủy sản. Ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 6.473 ha, giảm 8,4ha, giảm 0,13% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thủy sản đạt 11.239,4tấn, tăng 66 tấn, tăng 0,59% so với cùng kỳ năm trước.

UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo rà soát để hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương thực hiện đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2021; ban hành Bộ tiêu chí NTM theo phân cấp giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022; chỉ đạo các địa phương triển khai đăng ký, xét chọn 65 ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2022.

Từ tháng 4, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường và ổn định, hoạt động du lịch, vui chơi giải trí hoạt động kinh doanh thương mại phục hồi và tăng trưởng. Kết quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 30.563 tỷ đồng, tăng 14,27% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 27.463 tỷ đồng, tăng 14,32%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.918,7 tỷ đồng, tăng 18,32%...

Sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch vụ du lịch của tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc; Ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3/2022 trong điều kiện bình thường mới, UBND tỉnh đãtập trung chỉ đạo mở cửa du lịch, bình thường hóa các hoạt động dịch vụ theo quy định, ban hành các kế hoạch, chương trình, các hoạt động khôi phục hoạt động du lịch của tỉnh, đã tổ chức khai mạc du lịch Xuân Vĩnh Phúc năm 2022 với chủ đề “Du Xuân trên đỉnh Tây Thiên”, phát động Chương trình Du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” và đặc biệt tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo, Khai mạc Du lịch hè Vĩnh Phúc 2022 và tổ chức thành công các nội dung thi đấu Seagame 31 tại tỉnh… Tổng số lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 4,2 triệu lượt khách, tăng 109,7% cùng kỳ, trong đó có hơn 36,65 nghình lượt khách quốc tế và hơn 4,16 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu du lịch ước đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 93,3% so cùng kỳ. Riêng trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 toàn tỉnh đón khoảng 80 nghìn lượt du khách.

Ước 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 2.295,8 tỷ đồng, tăng 22,51% so với cùng kỳ năm trước.

Trọng Quý
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất