“Tháng Giêng là
tháng ăn chơi”… Minh chứng cho câu nói này của các cụ là hàng loạt các
lễ hội lớn nhỏ tưng bừng diễn ra trong suốt những ngày mùa xuân. Trong
đó, nhiều nhất là các lễ hội bắt đầu vào tháng Giêng, ngay sau Tết Nguyên đán. Sau đây là các lễ hội đặc sắc khai hội trong tháng Giêng, thu
hút đông đảo du khách tham dự hằng năm.
1. Lễ hội Lồng Tồng (Tuyên Quang), khai hội 2 tháng Giêng
|
Lễ hội Lồng Tồng ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang)
|
Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội xuống đồng
của đồng bào dân tộc Tày. Lễ hội diễn ra từ mồng 2 tháng Giêng kéo dài
đến đầu tháng Hai âm lịch hàng năm. Ở Tuyên Quang, Lễ hội Lồng Tồng được
tổ chức quy mô, đậm nét nhất chủ yếu ở các xã của huyện Lâm Bình, Nà
Hang và Chiêm Hóa.
Đây là lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ
thần Nông, thần Thành Hoàng làng và thần bản địa của đồng bào dân tộc
Tày đã có từ lâu đời, với mục đích tạ ơn thần thánh đã giúp cho mùa màng
bội thu, cầu mong thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống của dân
bản ấm no, tươi vui... Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như
tung còn, múa lân, kéo co, đi cà kheo, hát đối đáp sli lượn…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa
quyết định đưa Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày ở Tuyên Quang vào danh
mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Lễ hội núi Bà (huyện Tràng Bảng, Tây Ninh), khai hội 4 tháng Giêng
|
Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)
|
Núi Bà Đen có nhiều truyền thuyết, tín
ngưỡng dân gian và và thu hút du khách không chỉ của Tây Ninh mà còn của
cả vùng đất Nam Bộ. Trên núi có nhiều hang động, đền đài, am miếu thờ
cúng nhiều vị thần linh, tiên thánh và cả Phật. Vị thần thờ chính trên
núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà
khoảng lưng chừng núi. Trong điện có tượng Bà Chúa Xứ và các nữ hầu đứng
phía sau.
Hội xuân Núi Bà không chỉ là sự tự do
tín ngưỡng tôn giáo mà còn biểu hiện đậm đà bản sắc dân tộc. Mọi người
tin rằng lễ Ðiện Bà để cầu phù hộ, giải toả nhu cầu tâm linh, cũng nhân
dịp du lịch ngắm phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.
3. Lễ hội Đống Đa (Hà Nội, Bình Định), khai hội 5 tháng Giêng
|
Quang cảnh rước kiệu vua Quang Trung trên đường phố trước khi tiến vào gò Đống Đa (Hà Nội)
|
Lễ hội được tổ chức hàng năm để kỉ niệm
chiến thắng Đống Đa lịch sử của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn
Huệ đã đánh tan 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm 1789 tại Ngọc Hồi,
Đống Đa (Hà Nội). Lễ Hội này được tổ chức vào 5 tháng Giêng tại cả Bình
Định và Hà Nội.
Tại Hà Nội, cuộc tế lễ diễn ra ở đình
Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước “rồng lửa
Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Ngày nay lễ hội được diễn ra
trong khuôn viên trước tượng đài Quang Trung, phía sau Gò Đống Đa.
Tại Bình Định, lễ hội diễn ra tại xã
Bình Khê, huyện Tây Sơn. Trong lễ hội ngoài các nghi lễ truyền thống,
nhân dân Bình Khê, quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn còn tổ chức nhiều
hoạt động như đánh võ, đánh côn, đi quyền… là những môn phái đặc trưng
của võ Bình Định với sự tham gia của nhiều phụ nữ. Độc đáo nhất là cuộc
thi đánh trống bộ, mỗi bộ 12 chiếc trống da, còn gọi là thi đánh trống
trận Tây Sơn.
4. Hội đua thuyền Tịnh Long (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), khai hội 5 tháng Giêng
Từ khoảng giữa tháng chạp người dân ở xã
Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã sửa soạn quyên góp tiền
bạc, chọn vận động viên và tập dượt để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền
đầu xuân. Tịnh Long có 4 thôn (An Lộc, An Đạo, Gia Hoà, Tăng Long), mỗi
thôn hình thành một đội đua gồm trai tráng ở cỡ tuổi 18-35, mỗi đội đua
có 22 đà công, thuỷ thủ, được nuôi ăn tập và phải chấp hành đúng nội quy
cũng như những điều cấm kỵ khác.
Thuyền đua là loại thuyền đặc biệt,
không giống thuyền thường, với dáng thon và dài để hạn chế tối đa lực
cản của nước. Bốn thôn trong xã mỗi thôn có một thuyền đua, được trang
trí theo hình Long (rồng), Ly (lân), Qui (rùa), Phụng (phượng). Thuyền
đua được thờ ở am miếu của thôn, hàng năm, đến kỳ đua mới được làm lễ hạ
thủy, có cờ, trống rộn ràng và khi đua xong lại đưa về am miếu cùng với
thủ tục như vậy.
Không chỉ là một trò chơi thể thao đơn
thuần, hội đua thuyền Tịnh Long còn là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng
mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
5. Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), khai hội mùng 6 tháng Giêng
Lễ hội chùa Hương 2013 được Bộ Văn hóa
Thể thao và Du lịch chọn là lễ hội trọng điểm của năm; đồng thời là lễ
hội đầu xuân của Hà Nội được chọn tham gia hưởng ứng Năm du lịch quốc
gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng. Ngày 15/2 (tức ngày 6 tháng Giêng
năm Quý Tỵ) sẽ khai hội chùa Hương với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn
hóa Việt”. Lễ hội chùa Hương năm nay sẽ có nhiều hoạt động mới như: lễ
phóng sinh trên suối Yến, trưng bày “những ngôi chùa Việt cổ”…
6. Lễ hội Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), khai hội 10 tháng Giêng
Ngày 18/2/2013 (tức ngày 9/1 Tết Quý
Tỵ), tại chùa Trình (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ diễn ra lễ đón Bằng
Công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và Danh lam thắng
cảnh Yên Tử, gắn với khai mạc hội Xuân Yên Tử.
Từ lễ hội năm nay, Yên Tử có thêm một hạng mục công trình là tượng Phật
hoàng Trần Nhân Tông cao 9,9m, ngồi trên đài sen cao 2m. Đây là bức
tượng nguyên khối lớn, được đúc theo công nghệ đúc trực tiếp trong điều
kiện địa hình chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt trên độ cao hơn 1.000m của
Yên Tử.
7. Lễ hội Cầu Ngư (huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), khai hội 11 tháng Giêng
Lễ hội Cầu ngư diễn ra tại sân đình làng
Thái Dương cạnh phá Tam Giang thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang,
tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là lễ hội đặc trưng của ngư dân vùng biển,
cầu cho đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng
yên, bể lặng…
Vào ngày diễn ra lễ hội, các nhà trong
làng đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Các tàu thuyền đều chăng đèn
kết hoa. Ngay trong chiều 11 Giêng, lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương
được bắt đầu bằng lễ cung nghinh và tiếp tục diễn ra suốt đêm với các lễ
cầu an, lễ chánh tế và lễ tưởng niệm. Sáng ngày 12, chánh lễ cầu ngư
bắt đầu diễn ra.
Sau phần lễ là phần hội với những trò
diễn trên cạn cùng hội đua ghe truyền thống và đoàn tàu xuất quân đánh
bắt vụ nam, vụ cá đầu năm của ngư dân vùng biển.
8. Lễ hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), khai hội 13 tháng Giêng
Lễ hội Lim là lễ hội đặc sắc của vùng
quan họ, gắn liền với những điệu hát, câu ca say đắm lòng người. Lễ hội
Lim bao gồm hai phần tách bạch là Lễ và Hội. Buổi sáng ngày 13 tháng
giêng toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng
Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong
khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần, bằng những giọng lề lối để ca
ngợi công lao của thần.
Phần Hội diễn ra tại đồi Lim với các lán
hát quan họ và các trò chơi dân gian, song đặc sắc nhất là phần thi hát
hội. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức
du thuyền hát quan họ.
Năm nay, Lễ hội Lim nằm trong “Tuần lễ
du lịch văn hóa Bắc Ninh” sẽ được tổ chức từ 18/2 đến 27/2. Ngoài Lễ hội
Lim còn có chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ” với chủ đề “Ngọn
nguồn tâm linh” tổ chức vào tối 14 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 23-2),
tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc - thành phố Bắc Ninh./.
Việt Hòa/VOV