Cuốn "Lĩnh Nam chích quái" (Nhặt nhạnh (chích) những chuyện lạ (quái) ở Lĩnh Nam) - tập truyện viết theo lối huyền ảo nổi tiếng, thì đặt tên truyện là "Rùa vàng" thiên về kể cái kỳ lạ...
Nước Âu Lạc của An Dương Vương, theo dã sử là sự hợp nhất của hai nước Văn Lang và Nam Cương. Trong chính sử thì có nước Văn Lang, còn Nam Cương thì không. Theo nhiều cứ liệu thì An Dương Vương để mất Âu Lạc vào năm 208 trước công nguyên (TCN) để từ đó đến năm 938 nước ta mới giành lại được độc lập, sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc.
Trước đó, năm 257 TCN Thục Phán An Dương Vương, một thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt vùng Đông Bắc dời đô nước Văn Lang ở Phong Châu thuộc vùng trung du về Cổ Loa là vùng đồng bằng, dựng nên nhà nước Âu Lạc. Về thời điểm An Dương Vương dựng nước và để mất nước Âu Lạc là chưa thống nhất nhưng các sự kiện lịch sử chính chung quanh An Dương Vương là có thật.
Triều đại An Dương Vương là khoảng giao thời giữa những trang vàng dựng nước và những trang sử đen tối của bi kịch mất nước. Phải chăng vì nằm trong thời điểm nhạy cảm này mà truyền thuyết về An Dương Vương phủ lên nó dày đặc những sương mù huyền tích.
Câu chuyện rõ ràng có ý chê trách An Dương Vương mất cảnh giác mà mắc mưu Triệu Đà cho Trọng Thuỷ ở rể. Tên gián điệp ấy đã lừa Mỵ Châu tráo lẫy nỏ giả lấy lẫy nỏ thật để rồi bi kịch (đúng là bi kịch nước mất nhà tan: nước mất vào tay Triệu Đà, gia đình An Dương Vương tan vỡ) xảy ra. Đây là bài học giữ nước phải cảnh giác cao độ với kẻ xâm lược. Nhưng liệu điều chê trách An Dương Vương có thỏa đáng?
Một vị thủ lĩnh của một bộ tộc nổi tiếng, một nhà quân sự từng
trải vừa chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến thôn tính Văn Lang của các
vua Hùng hùng mạnh, chả lẽ lại mắc sai lầm sơ đẳng như thế? Phải chăng
cái sự chê trách An Dương Vương còn nằm ở chỗ dân gian không ủng hộ ông
vì họ còn luyến tiếc thời vàng son triều đại các Vua Hùng đã có nhiều
công lao trong việc dựng và giữ Văn Lang mà ông là người vừa gạt bỏ!?
Cũng rất có thể chi tiết thành cứ xây xong lại đổ là có ý muốn nói
ông chưa được lòng dân, vì dân không ủng hộ nên việc xây thành (giữ
nước) luôn gặp khó. Đến khi có sự giúp đỡ của thần Kim Quy thành mới xây
xong. Phải chăng "thần" ở đây cũng là dân: khi có dân giúp thì việc gì
khó (như việc xây thành, như sự phá hoại của yêu tinh ma quỷ) cũng thành
công!?
Trong hệ thống thần thoại Việt có mô tip chàng rể đáng chú ý. Bốn vị
thánh (Tứ bất tử) của văn hoá Việt là Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đạo Tổ,
Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì ba vị đầu là nhân vật thời Vua
Hùng dựng nước, chỉ có Thánh Mẫu Liễu Hạnh có gốc tích ở thế kỷ XVI. Dù
không được Vua Hùng thừa nhận nhưng về bản chất, Chử Đồng Tử vẫn là con
rể Vua Hùng, còn Sơn Tinh là con rể chính thức. Như vậy là trong ba
thánh "bất tử" thì có tới hai là con rể. Chi tiết này nằm trong một loạt
các sự tích Vua Hùng cho thấy các chàng rể đóng vai trò lớn trong việc
dựng nước và giữ nước, trong việc sáng tạo nên các kỳ tích văn hoá. Cũng
là con rể nhưng Trọng Thuỷ lại phản trắc? Đây là câu hỏi rất cần được
giải mã sâu hơn.
Có một lý do khi An Dương Vương gả con gái cho con Triệu Đà là nằm
trong tập quán ngoại giao thời cổ đại là mong muốn hoà hiếu giữa các
quốc gia, lãnh thổ, cộng đồng mà các lãnh chúa, các lãnh tụ bộ tộc, bộ
lạc… thường gả con cho nhau. Họ làm "thông gia", thân tín, gần gũi, chia
sẻ… Tập quán này kéo dài mãi về sau, ở thời trung đại ta vẫn thấy Vua
Trần gả con gái cho vua các nước lân bang…
Chuyện hôn nhân của các vương quyền ngày trước thường mang màu sắc
chính trị khá rõ. Hoàng đế Quang Trung lấy công chúa Ngọc Hân con gái
Vua Lê khó tránh khỏi mục đích vì sự hoà bình, êm ấm của quốc gia. May
mắn là giữa họ đã nảy sinh một mối tình thật sự giữa vị anh hùng và bậc
quốc sắc tài năng mà minh chứng là có một "Ai tư vãn" nổi tiếng đi vào
lịch sử văn học như là áng văn về một thiên tình sử đẹp và cũng đậm bi
kịch...
Như vậy, với truyền thuyết "An Dương Vương", đành rằng đó là bài học
cảnh giác với kẻ thù nhưng có nên trách cứ An Dương Vương là "nhẹ dạ" mà
"mất cảnh giác" để rồi mất nước? Liệu có nặng nề quá chăng? Liệu có
đúng với bản chất vấn đề lịch sử? Ông gả con gái cho con Triệu Đà đích
thực là một hoạt động văn hoá vì hoà bình, yêu hoà bình?!
Lẫy nỏ mà An Dương Vương được thần Kim Quy giúp là một thứ vũ khí lợi
hại "bắn một phát chết hàng vạn người". Sự thật đó có thể là những mũi
tên đồng mà thời nay khảo cổ học đã tìm thấy trong lòng đất vùng Cổ Loa.
Nhưng với một truyền thuyết thì sự thật không quan trọng bằng cái ý
nghĩa huyền thoại, mà ở đây là biểu hiện một ước mơ, một khát khao được
làm chủ một thứ vũ khí như thế để bảo vệ đất nước. Còn là bài học phải
có người làm chủ vũ khí đó.
Truyền thuyết cho ta một ý nghĩa thật sự mới mẻ, hiện đại: trong mọi
cuộc chiến tranh thì vũ khí là quan trọng nhưng con người mới là quyết
định, nhất là với những người có vị trí tối cao. Có vũ khí tối tân nhưng
con người không làm chủ được nó thì cũng vô giá trị, thậm chí phản tác
dụng. Đó là trường hợp An Dương Vương không biết bảo quản, bảo vệ vũ khí
để lọt vào tay kẻ thù. Mà kẻ thù đâu có xa lạ, lại chính là người
"trong nhà"…
Trọng Thuỷ mang trong nó gần như đầy đủ những "tiêu chuẩn" của một
điệp báo viên hiện đại "chui sâu leo cao". Một "lý lịch" rõ ràng: con
một vị vua nổi tiếng cai quản một đất nước hùng mạnh. Đó là bất ngờ đầu
tiên, đường đường là một hoàng tử hào hoa, phong nhã, lịch thiệp, giàu
có, sang trọng, là nhà ngoại giao, là một "đại sứ hoà bình"… mà bản chất
lại là kẻ cắp! Một sự "nhập cảnh" hoàn hảo: sang cầu hôn. Một "bình
phong" hoàn hảo: ở rể.
Một tính cách lọc lõi, thông minh: nắm bắt bí mật "lẫy nỏ". Một bậc
thầy tâm lý: biết che đậy, biết dựng kịch, biết tìm thời điểm: dụ dỗ,
lừa gạt Mỵ Châu… Nhưng vì sao lại nhảy xuống giếng tự tử? Còn nếu
sống, ít ra Trọng Thuỷ sẽ được vua cha Triệu Đà cho làm vua đất nước vừa cướp
được.
Có thể hiểu theo mấy lẽ sau: Đó là cái chết của sự hối hận. Là kẻ
có học, đã từng là "con rể" An Dương Vương, đã từng sống với phong
tục, tập quán, với tình người, tình đời nơi đây, Trọng Thuỷ thấu hiểu bản chất
phi nghĩa của cuộc chiến cướp nước của cha mình… Đó là cái chết vì tình
yêu.
Cái chết của Trọng Thuỷ chứng minh tình yêu thật sự với Mỵ Châu. Đấy cũng
là một định nghĩa cho tình yêu là sống không thiếu nhau. Mỵ Châu chết
tức là Trọng Thuỷ không thể sống... Đó là bài học cho sự phản trắc: kẻ nào
phản bội, tráo trở, bán đứng nơi nuôi mình, người cưu mang mình, kẻ ấy
phải chết… Đó còn là bài học đừng bao giờ lợi dụng tình yêu vào mưu đồ
chính trị bẩn thỉu hèn hạ.
Triệu Đà được đất nhưng mất con. Mà với bất kỳ ai, kể cả bạo chúa,
"hổ dữ không ăn thịt con", thì con cái vẫn là tài sản lớn nhất. Triệu Đà
chắc đau xót vô cùng trong hối hận bài học tình yêu là trong sáng, là
thiêng liêng, đừng bao giờ đặt nó vào bóng tối… Bao sắc thái biểu cảm
quanh cái chết Trọng Thuỷ: đáng thương, đáng giận hay đáng trách? Có lẽ
đều có cả! Phải là một trí tuệ, một tấm lòng, một sự bao dung, một thấm
thía tình người, một trải nghiệm sâu sắc lẽ thời… mới sáng tạo ra một
hình tượng bi kịch như thế!
Mỵ Châu mong manh và cả tin. Cái chết của nàng vừa đích đáng vừa oan
khuất. Nàng thành thực và hồn nhiên. Trọng Thuỷ đã nói tới chiến tranh
loạn lạc. Nàng cũng nghĩ tới điều đó nên mới nói rằng sẽ mặc áo lông
ngỗng… Nhưng sao nàng không nói điều ấy với vua cha? Phải chăng truyền
thuyết muốn đưa ra bài học, đừng như Mỵ Châu, dù yêu cũng đừng quên,
quên trách nhiệm con cái, quên trách nhiệm công dân. Người phụ nữ đâu
chỉ có bổn phận một người tình…?!
Mỵ Châu hiểu ra điều đó vào những phút cuối cùng. Khi lưỡi gươm của
vua cha vung lên, nàng không hoảng hốt, không van xin. Lời cuối cùng của
nàng vừa là lời than, vừa là lời thề. Than cho tình yêu bị lợi dụng.
Thề cho sự ngay thẳng, trắng trong… Máu nàng biến thành ngọc trai quý.
Ngọc ấy đem rửa trong nước giếng nơi Trọng Thuỷ chết thì càng sáng. Dân
gian công bằng và nhân ái để cho Mỵ Châu tái sinh trong một hình hài
mới. Trọng Thuỷ không được tái sinh nhưng tình yêu Mỵ Châu - Trong Thuỷ
là tình yêu đích thực nên vẫn phát sáng.
Cũng như viên ngọc trai ấy, truyền thuyết này mãi luôn lấp lánh những ánh sáng ý nghĩa để hậu thế soi lòng người, lòng mình!
Tại sao lại là áo lông ngỗng? Xét theo nghĩa đen thì con ngỗng rất
gần gũi với văn minh sông nước, lông ngỗng thường màu trắng, bản to dễ
kết nối làm áo (chống mưa, lạnh), làm quạt (quạt lông ngỗng). Cùng loài
với thiên nga (ngỗng trời), một loài chim quý, đẹp nên trong văn hoá
phương Đông cổ, ngỗng được ví như là sứ giả của trời đất nhưng được hiểu
thiên về nghĩa biểu trưng cho tình yêu chung thuỷ. Truyền thuyết khép
lại nhưng dư âm ý nghĩa thì mở ra: Hãy tỉnh táo trong tình yêu. Đừng để
cho những người phụ nữ phải mặc áo lông ngỗng mà chạy giặc như Mỵ Châu!./.
Nguyễn Thanh Tú
(Nguồn: Văn nghệ Công an)