Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 30/1/2017 13:51'(GMT+7)

Những mảnh vụn của ký ức

Các nhà văn, nhà thơ: Anh Đức, Bảo Định Giang, Nguyễn Đình Thi (từ trái sang) trong Hội thảo Bản sắc văn hóa dân tộc tổ chức tại TPHCM năm 2001

Các nhà văn, nhà thơ: Anh Đức, Bảo Định Giang, Nguyễn Đình Thi (từ trái sang) trong Hội thảo Bản sắc văn hóa dân tộc tổ chức tại TPHCM năm 2001

 

 

Nhớ Bảo Định Giang - ông từ khu 9 Nam bộ ra Bắc, mang theo cả tâm tình, tâm tính miền quê Nam xa thương nhớ ra Hà Nội, lòng đắm đuối nghĩ về miền Nam, kết giao với văn nghệ sĩ ba miền. Ông làm Thường trực Đảng đoàn Văn hóa - Văn nghệ Trung ương (hồi đó Bộ Văn hóa và Hội Văn nghệ có 1 Đảng đoàn chung), nhưng đối với những tài năng văn nghệ như Chế Lan Viên, như Nguyễn Tuân, ông rất mực khiêm cung, chăm chút. Đi Trung Quốc in Từ tuyến đầu Tổ quốc, ông được các lãnh đạo cao nhất tiếp kiến, trọng đãi, vì trong giây phút ấy ông là miền Nam Việt Nam đang chiến đấu. Về thành phố này, tuổi đã cao, ông vẫn nhanh nhẹn, sinh động, năng nổ tổ chức, đoàn kết, làm trung tâm của những hoạt động văn nghệ vì sự tồn vong của chế độ. Ở chỗ ông, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Trần Hoàn… thường xuyên vào ra, bàn bạc công việc, tạo thành một trung tâm lãnh đạo hiệu lực.

Có lần, sau một cuộc họp, Chế Lan Viên bảo tôi: “Ông Thi dạo này trông oai lắm!”. Thực ra, chưa bao giờ Nguyễn Đình Thi “ra oai”. Tác giả của Người Hà Nội, Đất nước… bao giờ cũng tao nhã, hào hoa, như mang tất cả cái tinh hoa của Thăng Long vào đời thường. Ông sống cần kiệm, ăn uống thế nào cũng xong, chỉ dốc lực cho sáng tác. Ngoài thơ, nhạc, ông viết tiểu luận rất hay. Truyện ngắn, tiểu thuyết, nhất là kịch ông cũng cừ. Các vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc... giàu ý tưởng, giàu triết lý, chất thơ...; hay như kịch Tsêkhốp. Ở chỗ ông Giang, chỗ Viễn Phương, Anh Đức… cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu… khi vào Nam, là tới thăm anh em văn nghệ, dự hội thảo, tọa đàm… Phạm Văn Đồng mà tác phẩm Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ là tấm lòng của ông đối với sự nghiệp văn hóa - văn nghệ. Ông nói: “Một câu thơ hay là thuộc về vĩnh cửu”. Giữa lãnh đạo và nhà văn, văn nghệ sĩ là người nhà, là anh em, là tâm giao. Ông viết sách, bản thảo đưa cho anh em văn nghệ góp ý, cẩn trọng lắng nghe hết các ý kiến. Anh em cũng thật lòng yêu ông như yêu một người anh cả trong làng văn.

Anh Đức khi ở R, có cháu bé, được đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) ghé thăm lán, cho cháu bé mấy hộp sữa. Nhà văn của Hòn đất nhớ mãi cử chỉ ấy và tôi biết rằng, ông Mười Cúc nghe và tín nhiệm tuyệt đối ý kiến của Anh Đức về văn nghệ. Bởi ông biết rõ và tin những người đã qua thử lửa như vậy… Trần Bạch Đằng, nhà văn hóa lớn, khi có người “nói hành nói tỏi” về Anh Đức, gạt phắt đi: Tao biết nó từ khi nó 15 tuổi. 15 tuổi, Anh Đức tham gia kháng chiến và bắt đầu viết văn.

Những năm ấy, Viễn Phương viết Viếng lăng Bác, Hoàng Hiệp phổ nhạc và bài ca vang vọng cả nước đến bây giờ. Viễn Phương có biệt tài châm biếm, hài hước. Những truyện ngắn, hồi ức của ông đặc sắc ở phương diện đó. Một người qua tù ngục, bám trụ chiến trường suốt 30 năm được, có lẽ là nhờ đức tính lạc quan đó. Trịnh Công Sơn cứ sáng sáng đến uống cà phê với các nhạc sĩ bạn bè trong quán nhỏ ngoài vườn, dáng anh gầy mà thông tuệ trí thức. Và một giai đoạn đỉnh cao của nhạc Trịnh Công Sơn bắt đầu. Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường em lên biên giới, Em còn nhớ hay em đã quên… những đỉnh cao mang hồn Trịnh Công Sơn của nhạc cách mạng. Bây giờ mỗi lần nghe lại, lòng bồi hồi, rộn ràng yêu mảnh đất này…

Ở một góc xa khuất của thành phố - Bà Quẹo - những năm tháng ấy, Chế Lan Viên vừa bệnh vừa nghèo, viết hàng ngàn bài thơ, làm thành một đỉnh cao mới, một khám phá mới sau Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa. Đây là lời nhắn gởi cuối cùng của một tài năng thơ lớn của thế kỷ 20 cho cuộc đời này. “Hoa cỏ nghèo, xuân sắc bỏ quên / Mảnh vườn bé bỏng vốn không tên / Xanh um chỉ có màu xanh cỏ / Anh đặt cho lòng: Viên tĩnh viên”. Viên tĩnh viên, vườn của sự u tĩnh trọn vẹn, là ước nguyện của một người suốt đời như con tằm nhả tơ cho đời. Trong lễ tang Chế Lan Viên, có một người đã khóc những giọt lệ thương yêu: đó là anh Ba Hùng - Thường vụ Thành ủy, bạn cùng lớp với Anh Đức và rất quý Chế Lan Viên. Một thiên tài thơ ca đã nằm xuống ở một mảnh vườn nghèo, xa khuất.

Tất cả họ giờ đây đã là người thiên cổ… Thành phố lớn, thành phố cả chục triệu người, kiên định đi lên, sáng tạo mỗi ngày, mỗi việc. Nhưng thiếu vắng những con người ấy, ta cảm thấy trống vắng trong tâm hồn… Như vế câu đối của Bảo Định Giang viếng Chế Lan Viên: “Đại thụ ngã rồi, vườn cũ qua chơi, trời thấy trống”(1)…

Có bao giờ bên cạnh nhà cửa, tiện nghi, áo cơm… chúng ta nghĩ đến một cái gì đó cao hơn: cái Đẹp. Cái Đẹp thể hiện qua các tâm hồn văn nghệ sĩ lớn, cũng cần thiết cho mỗi chúng ta như cơm áo gạo tiền. Cần thiết và tồn tại vĩnh hằng. Vì thế, xin hãy nghiêng mình tưởng nhớ, ít ra là trong ký ức, những đấng tài hoa đã đi qua thành phố thân yêu của chúng ta…

-----------------------------------------

(1) Vế đối lại: Hùng văn để lại, người xưa đi vắng, mực còn thơm.

Mai Quốc Liên/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất