Khi nhắc đến hài kịch trên truyền hình, một nhà văn khá nổi tiếng cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa, truyền thông phải “tuýt còi” một số chương trình hài có nội dung nhảm nhí, phản cảm, dung tục. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho văn hóa Việt bị "ô nhiễm", lai căng và xuống cấp.
Hiện nay, theo thống kê, cả nước có hơn 50 chương trình hài được chiếu trên các kênh truyền hình. Đáng chú ý, có nhiều chương trình mua bản quyền từ nước ngoài, đầu tư rất công phu về trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu, nhưng không quan tâm đầu tư chất lượng diễn xuất của diễn viên nên trở thành hài nhảm.
Hài kịch vốn là một loại hình nghệ thuật phản ánh thực tiễn cuộc sống, đem lại tiếng cười sảng khoái cho người xem, qua đó để giáo dục con người hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Trong các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như chèo, tuồng (hát bội), cải lương… hài chỉ chiếm lượng nhỏ. Giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, hài kịch đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Từ đây, đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ có tên tuổi, cống hiến cho khán giả, cho nghệ thuật, mang lại tiếng cười sâu cay, sảng khoái và được xã hội yêu thích, đón nhận. Khán giả có chung nhận xét yêu thích, những nghệ sĩ, diễn viên hài chuẩn bị công phu, biểu diễn mang tính nghệ thuật và cống hiến. Đó là quá trình sáng tạo nghệ thuật thực sự.
Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình hài chất lượng, gây được tiếng vang thì đây đó vẫn tồn tại những chương trình hài mà các nhà văn hóa gọi là... hài nhảm. Gọi là hài nhảm vì người xem bị “tra tấn” bởi cử chỉ, hành động, lời nói, vần thơ, bài hát nhái, hát chế với những tình huống ỡm ờ, lấp lửng, thô tục, phản cảm của diễn viên, khiến người xem đỏ mặt, xấu hổ. Một số người bao biện, gọi đây là hình thức giải trí như để “né” sự giám sát của xã hội. Đã có một vài nghệ sĩ biểu diễn hài nhảm bị phạt khá nặng, song có lẽ vì lợi ích vật chất tầm thường nên hài nhảm vẫn có “đất để sống”. Tuy nhiên tác động tiêu cực về mặt đời sống tinh thần mà hài nhảm gây ra đối với xã hội là rất lớn, nhất là đối với khán giả nhỏ tuổi, đối tượng cần giáo dục, định hướng thẩm mỹ công phu.
Trên truyền hình đã vậy, các chương trình hài trên Internet còn nguy hiểm hơn. Chỉ cần gõ từ khóa “clip hài” và en-tơ thì chỉ trong 0,27 giây sẽ có hơn 6 triệu kết quả tìm kiếm. Nội dung thì… cái gì cũng có. Nào là trang dành riêng cho hài, clip hài do nghệ sĩ, khán giả đưa lên và cả những trang web dành riêng đăng tải clip hài. Ngay trên YouTube, có vô số clip hài để người xem lựa chọn, trong đó có nhiều clip hài “3 không” đó là không nội dung, không trí tuệ, không thẩm mỹ và nhảm nhí đến vô độ.
Một số nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, hài nhảm sống được là do có sự bùng phát của truyền thông, quảng cáo và các hoạt động tài trợ. Chính “những cái bắt tay” đôi bên cùng có lợi đã làm cho môi trường văn hóa nghệ thuật của người Việt bị ô nhiễm trầm trọng. Thứ hai, rõ ràng là, sau thời gian làm việc căng thẳng, mệt mỏi thì nhu cầu được giải trí, được cười thỏa thích, nhất là vào những ngày cuối tuần của người dân là chính đáng. Song, điều này không có nghĩa là công chúng dung túng cho những tác phẩm hài nhảm trên các show truyền hình và Internet mặc nhiên tồn tại. Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần phải có những chế tài mạnh tay để hài nhảm không có đất tồn tại. Mặt khác, mỗi khán giả cũng phải là những người thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật có văn hóa, để từ đó tự mình miễn dịch với những sản phẩm hài hời hợt, dung tục.
Hướng tới xây dựng một xã hội văn minh thì cần phải tạo ra môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh. Chính môi trường ấy sẽ nâng đỡ, tạo cho con người động lực sáng tạo, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ cao đẹp của cuộc sống. Thực tế cho thấy, khi đời sống tâm hồn bị đầu độc bởi những sản phẩm văn hóa tầm thường, lai căng, nhảm nhí thì khó có thể xây dựng được một xã hội văn minh, hiện đại đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Thế nên, việc cơ quan chức năng “tuýt còi”, ngăn chặn các chương trình hài nhảm nhí là việc cần làm ngay./.
Mạnh Thắng (Báo QĐND)