Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 31/3/2009 15:41'(GMT+7)

Những mưu đồ đen tối núp bóng tôn giáo đã lộ nguyên hình

Bị cáo Nguyễn Thị Nhi đứng trước vành móng ngựa. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Bị cáo Nguyễn Thị Nhi đứng trước vành móng ngựa. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Nếu ai đã tới nhà thờ Thái Hà - Hà Nội vào tối 27-3-2009 để nghe bài giảng của linh mục Nguyễn Văn Khải về vụ xử án phúc thẩm, hẳn sẽ kinh ngạc, khó tin đó là bài giảng của một vị "chăn chiên". Thật đáng xấu hổ khi người ta cố tình lợi dụng niềm tin Thiên chúa để tiến hành những hành vi mà đức Chúa lòng lành chắc chắn không chấp nhận. Chấp nhận sao được khi có những công dân theo Thiên chúa giáo bất chấp luật pháp, bất chấp tinh thần "sống phúc âm trong lòng dân tộc", bị sự kích động của một số linh mục kéo nhau gây sức ép với chính quyền, làm trái pháp luật? Chấp nhận sao được khi người ta nhân danh Thiên chúa để "con chiên" bỏ bê công việc ra đứng giữa vườn hoa trời nắng chang chang để hô theo lời linh mục: "Thái Hà vô tội" và hát thánh ca dưới sự hướng dẫn của linh mục phó Bề trên Thái Hà Giuse Nguyễn Văn Thật và linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong? Nhìn gương mặt chất phác của các công dân theo Thiên chúa giáo (trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em nông thôn), người có lương tri không khỏi đau xót, bất bình.

Cuối năm 2007, khi ông Ngô Quang Kiệt - Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, cùng một số linh mục ở Giáo xứ Thái Hà rục rịch khởi động kế hoạch "đòi quyền sở hữu đất đai" ở 42 phố Nhà Chung và 178 phố Nguyễn Lương Bằng, những người quan tâm tới sự kiện này đều nhận thấy dấu hiệu bất thường. Bởi cái gọi là cơ sở pháp lý mà ông Ngô Quang Kiệt và một số linh mục dựa vào, trên thực tế đã không còn giá trị từ hơn nửa thế kỷ trước. Cũng từ thời điểm đó, hình ảnh vị Tổng Giám mục từ ngày nhậm chức (19-2-2005) tỏ ra thân thiện đã dần lu mờ. Ðứng bên ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, còn có một số vị chức sắc Thiên chúa giáo như Vũ Khởi Phụng, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong,... Họ phụ họa với nhau, "kẻ xướng, người tùy". Họ lợi dụng sự khoan dung của Nhà nước để từng bước lấn tới. Họ cố tình đẩy một sự việc thuần túy dân sự sang lĩnh vực chính trị, từ đó vừa tìm cách khuếch trương thanh thế, vừa vu cáo Nhà nước Việt Nam "đàn áp tôn giáo", "vi phạm nhân quyền"(!)

Ðể thực hiện được ý đồ, người ta đã có vô số thủ đoạn như xưng gán cho hai mảnh đất ở 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng danh nghĩa là "linh địa Ðức Bà"; tung ra tin đồn "Ðức Mẹ chảy nước mắt", "Ðức Mẹ hiển linh" để mê hoặc niềm tin ngây thơ của một số người. Trên nhiều diễn đàn và qua hành động thực tế, một số chức sắc Thiên chúa giáo còn tỏ ra thành thạo trong việc sử dụng thủ đoạn nói một đằng làm một nẻo. Trả lời phỏng vấn trên vietcatholic ngày 19-9-2008, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói: "Nếu có cái gì chưa nhất trí thì có thể đối thoại, có sức thuyết phục để tạo nên cái sự đồng cảm", nhưng   trong   đơn   khiếu   nạikhẩn cấp gửi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông ta lại thách thức chính quyền: "Chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi". Trả lời phỏng vấn trên RFA ngày 23-9-2008, linh mục Nguyễn Văn Khải lớn tiếng: "Chúng tôi vẫn muốn đối thoại với nhà nước trên các cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, hợp với đạo lý, hợp với luật pháp, hợp theo lẽ công bằng. Như vậy mới mang lại sự ổn định bền vững cho xã hội, mới tốt cho mọi người". Nhưng thử hỏi, ngày 15-8-2008, sau khi kết thúc buổi lễ tại nhà thờ Thái Hà, ai là người đã xúi các công dân theo Thiên chúa giáo ra khu đất thuộc Công ty cổ phần may Chiến Thắng để cầu nguyện, đòi lại đất, sau đó dùng kìm cắt dây thép gai, dùng cuốc và đá xẻ, ván gỗ để đập phá, đẩy đổ một đoạn tường rào rồi tràn vào? Trong bài giảng tại Giáo xứ Thái Hà tối 27-3-2009, linh mục Vũ Khởi Phụng nói: "Ðã có một lần tôi thưa với một vị cao cấp rằng có những điều mà chẳng có ông giáo sĩ nào, chẳng có ông linh mục nào bảo mà người ta làm đâu bởi vì đó không phải là điều Chúa bắt buộc". Nhưng sự thật đã bác bỏ điều này, vì nhiều sự kiện đã diễn ra ở 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng đi đầu là các linh mục, tu sĩ trong áo thụng đen và đoàn thánh giá, nến giơ cao. Theo lý lẽ của các chức sắc tôn giáo kể trên, đó là hành động "đối thoại", là "hợp với luật pháp", là "mang lại sự ổn định bền vững cho xã hội" hay sao?

Vậy nhưng, sau khi Nhà nước nhắc nhở thì linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành - Giám tỉnh Dòng Chúa cứu thế Việt Nam, lại bao biện trên RFA ngày 18-12-2008 rằng: "về phương diện giáo luật, về phương diện mục vụ, chúng tôi thấy những người này không sai"(!) Cho nên, lúc ông Ngô Quang Kiệt tuyên bố: cầu nguyện không phải chỉ để đòi lại mảnh đất, mà là để đòi công lý và sự thật, thì ai cũng hiểu, hai mảnh đất ở 42 Nhà Chung, 178 Thái Hà chỉ là cái cớ để mấy chức sắc Thiên chúa giáo thực hiện ý đồ của họ. Ðến khi hành vi đi quá giới hạn của luật pháp thì họ "trưng" giáo luật, mục vụ ra làm bình phong che chắn. Song, chính cái sự "trưng" ra kia lại cho thấy họ là người không trung thực. Họ đang sinh sống và hành đạo trên đất nước Việt Nam nhưng lại coi thường kỷ cương phép nước, bất chấp luật pháp Việt Nam. Như thế có thể nói, cái gọi là "đòi quyền sở hữu đất đai" chỉ là một ngụy tạo để họ dấn sâu vào sự phi pháp, âm mưu "chính trị hóa" vấn đề. Ðã không trung thực về mục đích thì phải bao biện bằng hành vi cùng lời nói dối. Thật nực cười, khi họ coi sự kiện do họ khuấy lên có liên quan tới "nhân quyền", cố gắng đưa sự việc ra ngoài địa phận để kêu gọi "hiệp thông". Thậm chí ở hải ngoại, có người soạn sẵn văn bản, lấy chữ ký để có thể gửi tới lãnh đạo một số quốc gia nhằm "quốc tế hóa" một sự việc hoàn toàn có tính nội bộ của một địa phương. Còn gì đáng nói hơn, khi chính linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành trong Thư gửi "anh em toàn tỉnh" ngày 2-9-2008 khẳng định: "sự kiện Thái Hà là dấu chỉ quan trọng mà Chúa gởi đến cho chúng ta, chúng ta phải đọc được dấu chỉ đó". Nhân danh Chúa để thực hiện hành vi không liên quan gì tới Chúa, nhân danh "chăn chiên" để tổ chức gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản, nhân danh Chúa để biến vườn hoa Hà Ðông thành nơi tụ tập hát thánh ca, gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của người khác,... các sự kiện đó, phải chăng là kết quả của việc đã "đọc được dấu chỉ" của Chúa?

Nhận rõ bản chất của sự kiện, vào tối 17-9-2008, bà Phùng Tuệ Châu - người Mỹ gốc Việt theo đạo Thiên chúa, trước năm 1975 làm luật sư sống tại Sài Gòn, hiện là Trưởng ban biên tập Ðài phát thanh Tiếng quê hương (trụ sở tại quận Cam, Califonia - Hoa Kỳ) đã trả lời phỏng vấn trên VTV1 rằng: "Tôi đã gặp rất nhiều người theo đạo Thiên chúa ở hải ngoại, họ không đồng ý, họ quý trọng sự yên bình của đất nước và họ nói rằng tại sao cha Phụng lại không làm sáng danh Chúa... Nếu cho rằng Giáo xứ Thái Hà đã đòi hỏi, điều kiện thế này thế kia nhưng không được đáp ứng, thì mình phải đặt câu hỏi trở lại là những điều kiện mà Giáo xứ Thái Hà đòi hỏi có hợp pháp hay không. Nếu hợp pháp, tôi tin Nhà nước Việt Nam sẽ trả lời, còn nếu Giáo xứ Thái Hà đòi hỏi những quyền lợi do thực dân Pháp ban ơn huệ, thì bây giờ thực dân Pháp đã buộc phải trả lại chủ quyền cho Nhà nước Việt Nam thì mảnh đất đó thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, không thể nói đây là đất của cha, cha có chủ quyền". Trên BBC, bạn Quang Minh viết: "Qua những hình ảnh được đưa lên mạng YouTube cho thấy, Giáo xứ Thái Hà đã chuẩn bị rất kỹ để tuyên truyền cho giáo dân... Họ kích động giáo dân bằng các tin tức, thông tin tại các bản tin. Họ đưa lên các bản tin trong giáo xứ các website chống nhà nước cho giáo dân truy cập tin tức, xem thông tin. Các hình ảnh đưa lên mạng cho thấy các giáo dân rất quá khích, họ chửi bới, mạt sát rất dữ dội... Các giáo dân biểu tình cũng đã bố trí sẵn các camera để quay lại hình ảnh của cuộc biểu tình, nhưng không có hình ảnh nào cho thấy rõ ràng là công an đàn áp người biểu tình, mà chỉ thấy hình ảnh sau cùng là chảy máu mà như vậy thì ai mà tin được, chắc chắn là vu cáo"... Người bình thường cũng nhận rõ bản chất của sự kiện.

Hơn một năm qua, các sự kiện chung quanh 42 Nhà Chung và 178 Thái Hà đã nhận được sự tiếp tay của một số thế lực đã và đang rắp tâm gây mất ổn định xã hội, phá hoại quá trình phát triển của nước Việt Nam. Thậm chí mấy "nhà dân chủ cuội" ở trong nước cũng xăng xái tham gia vào trò vè này bằng các lời lẽ ngây ngô, thể hiện mưu đồ "đục nước béo cò". Sự phối hợp trong - ngoài diễn ra thật trắng trợn và lộ liễu, mọi thông tin đều được nhanh chóng đưa lên một số phương tiện truyền thông nước ngoài, hay công bố trên internet với mục đích là càng bóp méo sự kiện càng tốt, càng reo rắc hoang tin càng hay. Trong những văn bản này, người ta dựng đứng ra rất nhiều sự kiện, trắng trợn xuyên tạc thái độ nghiêm túc của Nhà nước Việt Nam; các từ ngữ phỉ báng, thiếu văn hóa, có màu sắc đe dọa bạo lực được tung ra bất chấp sự thật, bất chấp chất ôn hòa của ngôn ngữ tôn giáo. Trong "bản hợp xướng" của các mưu ma chước quỷ về thông tin, đài RFA ủng hộ việc làm của Giáo phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà xăng xái nhất, qua các bài viết, bài phỏng vấn với nhiều câu hỏi có giọng điệu kích động... Và trong "chiến dịch truyền thông đen" này, trang tiếng Việt của website đài Vatican cũng hung hăng hiếm thấy. Hình như họ bất chấp vị thế của mình bằng việc cho đăng bài Quốc gia trên bờ vực thẳm, khi lợi nhuận và bạo lực chà đạp công lý, tôn giáo, đạo đức, chính nghĩa và lương tâm con người - một bài viết hằn học, đầy luận điệu vu cáo và xuyên tạc. Vì thế, càng bộc lộ mưu đồ sâu hiểm khi tổ chức "Năm thánh Thái Hà" tại một địa điểm mà hơn một năm qua, là "điểm nóng" của hành vi vi phạm pháp luật do một số công dân theo Thiên chúa giáo tiến hành. 

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Ðức Giê-su hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương và giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu" (Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, H.1996, tr.50). Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, số đông đồng bào theo Thiên chúa giáo đã làm tốt điều này. Nhiều vị hồng y, giám mục, linh mục như cụ Võ Thành Trinh, cụ Trịnh Văn Căn, cụ Phạm Ðình Tụng, cụ Nguyễn Văn Nhơn, cụ Sơn Lâm, cụ Nguyễn Văn Sang,... đã nêu cao lòng yêu nước, hết lòng chăm lo việc đạo, được giáo dân và đông đảo nhân dân quý trọng. Vậy mà, ngày nay, khi cả dân tộc đang xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc trong điều kiện hòa bình, một số chức sắc ở Giáo phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà, trong đó có những người còn rất trẻ như Nguyễn Ngọc Nam Phong, lẽ ra phải giúp các công dân theo Thiên chúa giáo sống "tốt đời, đẹp đạo", không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mọi người, thì họ lại nuôi dưỡng mưu đồ xấu, kích động giáo dân phá hoại cuộc sống yên bình của đất nước. Dù thế nào thì trước khi là tín đồ, họ đã là công dân, nên trách nhiệm và nghĩa vụ công dân phải đặt lên hàng đầu. Vì thế, chớ nên lạm dụng sự khoan dung của luật pháp và chính sách tín ngưỡng - tôn giáo cởi mở của Nhà nước để thực hiện những hành vi trái pháp luật, cản trở sự phát triển của xã hội. Không làm tốt trách nhiệm của công dân thì không thể thực hành đức tin, đó là điều mà bất cứ công dân theo tín ngưỡng - tôn giáo nào cũng phải tự ý thức trong việc đời, việc đạo của mình.

Núp dưới súng ống của quân xâm lược, gây ra bao tội ác với đất nước, với nhân dân, rốt cuộc, những kẻ phản dân hại nước, dù đội lốt tu hành, đều thân bại, danh liệt, nỗi nhục để đời. Bài học đó đáng để cho những ai muốn mượn tay các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở bên ngoài phá rối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam phải chiêm nghiệm mà dừng tay lại. Còn như họ nhắm mắt làm ngơ, cố tình vi phạm pháp luật, xúi giục những người nhẹ dạ cả tin phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cản trở sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sáng ngời chính nghĩa của nhân dân ta, thì nhất định họ sẽ bị pháp luật trừng trị đích đáng. Bất kể họ là ai, khoác áo nào. Không một thế lực bên ngoài nào cứu nổi họ, như đã từng tháo chạy không cứu vãn nổi!

(Theo Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất