Còn với các cụ thì "ăn trông nồi" nghĩa là cần biết cái nồi của mình to nhỏ lớn bé ra sao, có những gì trong đó; "ngồi trông hướng" là phải biết vị thế của mình mà ứng xử cho đúng.
Không để ý tới "nồi" trước khi ăn; không quan tâm tới "hướng" trước khi ngồi, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam đã đưa ra những đường hướng, những chương trình dạy dỗ, đào tạo con em chúng ta mà ngay cả các chuyên gia của ngành cũng mỗi năm đều thấy cần phải cải cách.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung. Sau 14 lần được góp ý, sửa đổi, đến nay dự thảo này vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi. Chúng tôi sẽ không đi sâu vào nội dung cụ thể của những ý kiến ủng hộ và phản đối, chỉ đưa ra một khía cạnh để thấy những người soạn thảo dự thảo rõ ràng đã không quan tâm đến "nồi" và "hướng" khi đặt bút - Họ đưa ra dự thảo mới khi chương trình chiến lược giáo dục 2005-2010 chưa hoàn thành và chưa được đúc rút kinh nghiệm. Hơn nữa, rất nhiều cơ sở lý luận, những dữ liệu đưa ra trong dự thảo này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, những nước khác xa Việt Nam về địa lý, trình độ phát triển, hình thái chính trị - xã hội cũng như tôn giáo, văn hóa Năm học 2009-2010, các trường đại học và cao đẳng (422 trường) được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển 502 nghìn sinh viên mới.
Điều đó có thể hiểu đơn giản là dù số thí sinh là bao nhiêu, sức học ra sao; cơ sở vật chất của các trường thế nào; đội ngũ giảng viên được chuẩn bị đến đâu đều không quan trọng. Vấn đề quyết định là "chỉ tiêu Bộ giao". Trường có đủ mọi điều kiện để có thể nhận 1.000 nhưng nếu chỉ tiêu được giao có 700 thì chỉ được tuyển 700. Trường chưa thể tiếp nhận nổi 100 nhưng vẫn phải mở rộng cửa để đón 500 theo chỉ tiêu của Bộ thì cứ thế mà làm. Đó là Lệnh! Không có chuyện sửa giày theo cỡ chân. Cần thì đẽo chân cho vừa giày! Cái nguyên tắc "phân bố chỉ tiêu" ra đời từ bao giờ, tại sao nó ra đời không ai quan tâm (tất nhiên là trong giới lãnh đạo Bộ GD-ĐT thôi) đã làm nảy sinh ra một loạt cơ sở giáo dục sau phổ thông (cấp đại học và cao đẳng) được trong ngành gọi là 3 trong 1: Một có (tên của trường), 3 không (không cơ sở vật chất cần thiết, không giáo trình, không giảng viên). Mỗi năm hàng vạn sinh viên mới được tuyển vào các trường 1-3 này theo chỉ tiêu Bộ giao và cũng từng ấy cử nhân, kỹ sư ra trường.
Theo dự thảo chiến lược nói trên, tới năm 2020 Việt Nam cần đạt: thứ nhất: 450 SV trên 1 vạn dân; hai: 20 nghìn tiến sĩ và 30% giảng viên đại học có học vị tiến sĩ Bởi vì, theo các nhà hoạch định chiến lược, dựa trên những thống kê rất khoa học của các nước tiên tiến (mà chúng ta đang đi tắt đón đầu) thì: Một nước có dưới 18-22 15% số người trong độ tuôi là SV thì đó là một nước nông nghiệp; nếu tỷ lệ đó là 15-50% thì đó là một nền kinh tế công nghiệp; cao hơn là kinh tế trí thức. Trên cơ sở đó, tự nhận thấy, tuy nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống chẳng ai hơn mình nên ta đứng ở khoảng giữa. Đó là phương thức lập chiến lược của ta. Đó cũng là một trong những nguyên nhân lam cho nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược ấy không có cơ sở thực tế, hay là, như họ nói, nó quá "lãng mạn cách mạng", tức là những mục tiêu ấy đặt ra có như không vì không thể đạt được.
Chúng tôi nghĩ khác. Dựa trên những gì mà ngành GD-ĐT nước ta đã làm được trong những năm qua thì những con số đưa ra đó rất thực tế, thậm chí còn rất khiêm tốn.
Kinh nghiệm cho thấy, chỉ trong một thời gian rất ngắn (như một đêm chẳng hạn) chúng ta đã có thể đào tạo thêm hơn một vạn tiến sĩ thì mấy vạn trong 10 năm có là quá sức không? Một năm, như năm 2008 đầy khó khăn, ta có thêm 100 trường đại học và cao đẳng thì 10 năm sẽ thêm bao nhiêu? Còn sinh viên, liệu có là vấn đề? Năm nay chỉ tiêu 500 nghìn, năm sau lên 700 nghìn hay một triệu có gì là khó? Dưới vốn hiếu học; trên thừa giấy, thừa bút, thừa máy coppy, kinh nghiệm lại càng thừa, cứ thế mà giao chỉ tiêu, sao không được? Đã có trường nào nêu vì chỉ tiêu quá cao? Vì vậy, chúng tôi cho rằng người ta đã nghĩ kỹ khi đưa ra những con số đó. Còn chất lượng ra sao, kỹ sư ta liệu có bằng học sinh của họ lại là chuyện khác. Chưa thấy một nước nào nói, ta cũng chẳng ai đòi hỏi, vậy nói đến làm gì?
Nhiều trường đại học đang có những hình thức đào tạo mới: kỹ sư chất lượng cao; kỹ sư tài năng Cũng phải khá vất cả chúng tôi mới biết được tại sao một lớp thì gọi là "chất lượng cao", còn lớp kia lại "tài năng" dù ở trong một trường, thậm chí cùng một khoa. Té ra rất đơn giản, như kiểu Sông Đà Nam Định (lấy đâu ra sông Đà ở Nam Định?) hay Vinakansai Ninh Bình (thử đoán nó là cái gì) chẳng hạn.
Tên gọi là do người tài trợ quyết định, chất lượng không hề dính dáng. Chất lượng cao do người Pháp muốn thử nghiệm thế. Gọi là thử nghiệm vì ở Pháp kiểu đào tạo
ấy chưa từng có, đến bây giờ vẫn chưa có, kể cả giáo trình, sách giáo khoa,...Họ có tiền, muốn thử nghiệm, ta "sẵn chuột bạch". Còn "kỹ sư tài năng" là do "cách làm sáng tạo của người Việt". Có vậy thôi. A, còn một chút nữa. Ngoài học bổng, các lớp chất lượng, tài năng không gì hơn lớp bình thường, thậm chí kém hơn vì chương trình, thầy giáo không ổn định ...
Nhiều trường đại học trong những năm qua đã mở khóa những đào tạo, theo giới thiệu và quảng cáo, với sự hợp tác của các trường nước ngoài như Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, Pháp Xin hãy cẩn thận với những lời mời gọi ấy. Và cũng xin các nhà sư phạm, các nhà quản lý giáo dục, đào tạo hãy tự tôn trọng mình và nhớ đến phương châm "Tiên học lễ, hậu học văn". Rất nhiều trường nước ngoài không hề có tiếng, đã được ngành chủ quản nước sở tại cảnh báo cho ta nên thận trọng khi liên kết với họ.
Phải nói rằng những trường danh tiếng rất thận trọng, khi hợp tác với ai, như thế nào, họ sẽ tự lên tiếng, không cần ai quảng cáo hộ. Phần lớn những chương trình hợp tác ấy là để thu học phí cao. Trong khi mải chạy đua về lượng người ta "quên" mất chất.
Hầu như những đồ án tốt nghiệp của sinh viên được giải thưởng quốc gia, còn thấp hơn không tính, chưa một đồ án nào được áp dụng vào cuộc sống. Tại sao?
Phần lớn vì "nguồn" không dựa trên thực tế Việt Nam và do vậy giải pháp đưa ra không thể áp dụng. Ngay cả nhiều tiến sĩ, giáo sư cũng chỉ lý thuyết suông. Các nhà
khoa học khả kính của chúng ta, không thể có được phòng thí nghiệm riêng như đồng nghiệp nước ngoài, ngay cả trường họ dạy, viện họ làm việc, cũng không có. Y học là ngành khoa học tự hào của Việt Nam. Vậy mà ngay trong ngành này việc nghiên cứu, phát minh trong phòng thí nghiệm cũng rất khó thực hiện, chỉ có thể qua thực hành ở bệnh viện. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của ngành y đã buộc phải đi khám bệnh, đọc đơn bệnh ngoài giờ vì họ không có điều kiện nghiên cứu, thử nghiệm.
Công của họ rất cao: Khám một lần dăm mười phút là trăm nghìn; đọc một bệnh án là mấy trăm nghìn. Nhưng liệu đó có phải là thứ họ cần? Chắc là không. Họ không thiếu thốn. Nhưng họ không thể không làm việc. Họ làm ở đâu? Tới 2010 đất nước cần 20 nghìn tiến sĩ, nhưng có cần phòng nghiên cứu, phát minh dù chỉ cho 2 nghìn tiến sĩ? Không thấy dự thảo nói đến. Chỉ lý thuyết, không thực hành; chỉ dựa vào số liệu, kinh nghiệm ngoại, không tạo nên hệ thống của nước nhà - đó là thiếu sót cơ bản và chiến lược của ngành GD-ĐT hôm nay. Thế nên cái cần thì không có, cái có lại không cần./.
(Theo: Nguyễn Triều/HNM)